Vùng biển nước ta có quần thể rùa biển quý giá bao gồm 5 loài và đều nằm trong sách Đỏ Việt Nam.
Tuy nhiên, tất cả những loài này đang suy giảm đáng kể về số lượng và có nguy cơ bị tuyệt chủng vì bị ảnh hưởng từ những hoạt động của con người gây ô nhiễm môi trường, cũng như việc đánh bắt trái phép.
Rùa biển Việt Nam và giá trị đối với đa dạng sinh học.
Hiện nay tại vùng biển nước ta có 5 loài rùa biển, bao gồm: Vích, Đồi mồi, Quản đồng, Rùa da, Đồi mồi dứa và tất cả các loài này đều được nằm trong sách Đỏ Việt Nam.
Trong số đó, có 4 loài đã từng sinh sản và riêng loài Quản đồng chỉ kiếm ăn tại vùng biển Việt Nam. Rủa Quản Đồng hay còn gọi là Đú, thuộc họ Vích, bộ Rùa. Loài này phân bố trên toàn thế giới và ở Việt Nam, tập trung nhiều tại khu đảo Bạch Long Vĩ đến Cát Bà. Đây là loài rùa lớn, có chiều dài trung bình 1,8 mét, đặc biệt quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay công ước CITES có quy định tuyệt đối cấm đánh bắt, mua bán, vận chuyển, kể cả trứng của chúng.
Trước năm 1975, rùa biển có hầu hết trải dài từ Bắc vào Nam, tuy nhiên hiện nay chúng chỉ còn được tìm thấy tại các khu vực như Quảng Ninh, Quảng Trị, các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, Côn Đảo, Phú Quốc với số lượng rất ít.
Các đảo xa bờ trước đây như các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Thổ Chu… đã từng có nhiều rùa biển đẻ trứng và kiếm ăn. Thế nhưng hiện nay số lượng rùa biển đến kiếm ăn còn rất ít và hầu như không còn rùa biển sinh sản.
Giá trị của rùa biển đối với đa dạng sinh học là rất lớn. Rùa biển được cho là đã có mặt trên Trái đất rất lâu, cụ thể là từ 2500 năm trước, trải qua nhiều môi trường sống và hệ sinh thái khác nhau trong quá trình di cư, phát triển và sinh sản. Vì vậy, sự suy giảm về số lượng rùa biển tại Việt Nam sẽ làm cho đa dạng sinh học nhiều vùng bị suy giảm và mất cân bằng về mặt tự nhiên.
Rùa biển được xem là “Sứ giả của Đại Dương” vì đa phần sống tại các thảm cỏ biển, các rạn san hô, khu vực bờ biến. Các món ăn của rùa biển là cỏ biển, sứa biển, cua và các loài thân mềm, hải miên (bọt biển). Do vậy, chúng ta có thể hiểu nếu rù biến mất sẽ làm mất đi một phần tuyệt diệu của thiên nhiên. Do rùa biển sống và ăn những loài thức ăn rất đa dạng, sự suy giảm các quần thể rùa biển biểu hiện chất lượng môi trường các hệ sinh thái nơi rùa biển sinh sống bị phá hủy.
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm về số lượng rùa biển
Số lượng rùa biển tại nước ta bị suy giảm là hệ quả của hoạt động đánh bắt trái phép từ con người. Bên cạnh đó, việc gây nên ô nhiễm môi trường đại dương với số lượng rác thải nhựa lớn thải ra biển hàng ngày, đã làm cho rùa biển bị nhầm lẫn thành thức ăn nên đã nuốt phải và dẫn tới cái chết.
Đồng thời, các hoạt động khác trong quá trình phát triển kinh tế với những công trình có quy mô lớn của con người, như xây dựng kè chống xói mòn, các công trình ven biển, khai thác cát ở quy mô lớn… đã làm mất đi các bãi đẻ tự nhiên của rùa biển.
Theo các nhà khoa học, thậm chí ánh sáng nhân tạo từ các khu du lịch ven biển cũng gây tác động lớn đến các hoạt động đẻ trứng, di chuyển và kiếm ăn của rùa biển.
Các mối đe dọa đối với rùa biển không chỉ ở bãi đẻ mà còn cả ngoài biển khi chúng di cư và tìm kiếm thức ăn. Một đánh giá của WWF trong năm 2007 đã xác định rằng có khoảng hơn 1.000 con rùa biển bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khai thác thuỷ sản hàng năm.
Thế hệ trẻ cần làm gì để chung tay bảo vệ loài rùa biển.
Là một người ở thế hệ trẻ, chúng tôi khi tham gia vào các hoạt động với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM bắt đầu quan tâm đến các vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, hậu quả của biến đổi khí hậu trên toàn cầu… đang tác động đến môi trường sống của con người rất khắc nghiệt.
Trong quá trình ấy, khi theo dõi đề tài về rác thải đại dương đã nhận thức rõ tầm quan trọng của rùa biển đối với đa dạng sinh học cũng như là đối với các hệ sinh thái tự nhiên đang bị ảnh hưởng.
Chúng tôi mong muốn bản thân các bạn trẻ người trẻ hãy nâng cao ý thức của bản thân trong việc bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, không mua (bán) những sản phẩm liên quan đến rùa biển, thay thế túi nilon và chai nhựa bằng túi vải để có thể có sử dụng được nhiều lần và thân thiện với môi trường.
Chúng tôi mong rằng các chuyên gia và nhà quản lý cần có những thông điệp kịp thời cảnh báo để mọi người cùng chung tay bảo vệ rùa biển trước nguy cơ bị tiệt chủng. Còn các bạn trẻ hãy tham gia tìm hiểu những vấn đề liên quan sử dụng những kiến thức vốn có của mình về rùa biển để lan tỏa cho mọi người xung quanh về tầm quan trọng của rùa biển đối với hệ sinh thái biển Việt Nam.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về những hoạt động về bảo tồn rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo – khu vực bảo tồn rùa biển và bãi đẻ của rùa.
TRỊNH HOÀNG PHƯƠNG UYÊN