Người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn, thay vì tính theo đầu người

28/02/2020 02:11

(70)


Tổng cục Môi trường đề xuất đối với chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì chỉ tính phí theo đầu người hay hộ gia đình như hiện nay.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Ngày 27/2, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT)), cho biết dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đã đưa ra các quy định cụ thể đối với chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, với kinh nghiệm học tập từ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo đó, đối với chất thải sinh hoạt hộ gia đình ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, dự thảo Luật quy định theo hướng thu tiền thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn qua hình thức bán các túi thân thiện với môi trường.

“Thực chất đây là hình thức thu gom theo khối lượng, người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người hay hộ gia đình như hiện nay”– ông Nguyễn Thượng Hiền nói và cho rằng cách thu phí như hiện nay chỉ đáp ứng được một phần kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

Người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người hay hộ gia đình như hiện nay

Dự thảo Luật cũng quy định chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ chỉ định các đơn vị xuất các loại bao bì thu gom rác thân thiện với môi trường. Tiền bán bao bì được hạch toán để bù đắp chi phí xử lý chất thải cho nhà nước.

Hộ gia đình có khối lượng chất thải phát sinh dưới 300 kg mỗi ngày có thể lựa chọn hình thức mua túi của UBND các tỉnh, thành. Trong trường hợp lượng chất thải lớn hơn 300 kg, các tổ chức, cá nhân phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý rác thải.

“Đây là quy định rất mới trong dự thảo Luật”– ông Hiền thông tin.

Theo Bộ TN-MT, lượng chất thải rắn thông thường đã tăng từ 28 triệu tấn/năm vào năm 2009 lên 35,7 triệu tấn/năm vào năm 2015. Tốc độ gia tăng chất thải rắn khoảng 10% mỗi năm và còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng và mức độ độc hại.

Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị, ước tính có 70.000 tấn phát sinh/ngày. Phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên toàn quốc tăng trung bình từ 10-16% mỗi năm. Rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy được sử dụng nhiều và thải bỏ ra môi trường, trôi nổi trong các nguồn nước mặt, vùng biển gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi đã trở thành vấn đề bức xúc.

Dù Luật Bảo vệ môi trường hiện hành và các nghị định, thông tư hướng dẫn đã quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ nguồn thải phải thực hiện công tác phân định, phân loại nguồn thải tại nguồn, tuy nhiên hầu như đến nay không thực hiện được.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2020) và dự kiến trình Quốc hội thông qua vào Kỳ hợp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10-2020).

Theo NLĐ

Đọc thêm

lên đầu trang