Ngành nhựa “nóng” trước các quy định liên quan đến Luật Bảo vệ Môi trường mới

21/03/2022 07:02

(732)


Vừa qua, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã có cuộc gặp mặt Tất niên 2022 và cũng là để tổng kết công tác năm 2021 và bàn những vấn đề nóng thúc đẩy phát triển trong năm 2022.

Một trong những vấn đề nóng được quan tâm hàng đầu chính là liên quan đến Luật Bảo vệ Môi trường (mới) và Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 10/1/2022. Theo những qui định mới để bảo vệ môi trường và vạn hành nền kinh tế tuần hoàn, rất nhiều qui định buộc các doanh nghiệp ngành nhựa phải tuân thủ.

Doanh nghiệp nâng cao nhận thức trách nhiệm tái chế sản phẩm và bao bì

Đánh giá chung trong năm 2021, ông Hồ Đức Lam nói vắn tắt, đây là một năm đặc biệt khó khăn khi mà đại dịch Covid – 19 bùng phát, cả nước trong tình trạng giảm cách xã hội, tại TP.HCM nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất hoặc tổ chức sản xuất 3 tại chỗ khiến chi phí tăng rất cao.

Thế nhưng, ông Hồ Đức Lam cũng khẳng định, với ngành nhựa trong bối cảnh đó mà toàn ngành vẫn duy trì được mức tăng trưởng, dù thấp. Trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng. Đó là một nỗ lực vô cùng lớn của các doanh nghiệp.

Ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam phát biểu

Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, nhìn nhận rằng có nhiều doanh nghiệp nhựa lao đao trong năm qua để cố gắng duy trì sản xuất, thế nhưng bước vào năm 2022 vẫn nhiều khó khăn, mà trong đó những qui định của Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn triển khai Luật Bảo vệ Môi trường mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ tiếp tục đặt các doanh nghiệp vào tình thế phải tập trung thực hiện lộ trình mà Chính phủ đã đề ra.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua vào ngày 17/11/2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có 02 trách nhiệm: (1) Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì – áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54) và (2) Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải – áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55).

Về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì: Nhà sản xuất, nhập khẩu 06 nhóm sản phẩm, bao bì bao gồm: (1) săm lốp, (2) pin và ắc quy, (3) dầu nhớt, (4) các sản phẩm có bao bì (như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); (5) điện và điện tử; (6) phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc (tùy theo từng loại sản phẩm, bao bì cụ thể).

Đại diện HANE và VPA tại buổi tổng kết

Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.

Cụ thể, nhà sản xuất, nhập khẩu 04 nhóm sản phẩm, bao bì (săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01 tháng 01 năm 2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trác nhiệm tái chế từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01 tháng 01 năm 2027.

Về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải: nhà sản xuất, nhập khẩu 06 nhóm sản phẩm, bao bì có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải, bao gồm: (1) thuốc bảo vệ thực vật, (2) pin sử dụng một lần, (3) tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, (4) kẹo cao su, (5) thuốc lá, (6) một số sản phẩm, hàng hóa chứa thành phần nhựa tổng hợp (như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ…).

Nhà sản xuất và nhập khẩu phải có trách nhiệm suốt vòng đời sản phẩm

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu dùng để hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì hoặc hoạt động thu gom, xử lý chất thải (không sử dụng vào mục đích khác), khác với thuế hay phí bảo vệ môi trường.

Theo đó, tiền hỗ trợ tái chế dự kiến sẽ hỗ trợ theo khối lượng sản phẩm, bao bì được tái chế (tái chế nhiều sẽ được nhận tiền hỗ trợ nhiều). Tiền hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải dự kiến chỉ hỗ trợ cho các dự án/hoạt động thu gom, xử lý chất thải không vì mục đích lợi nhuận và phục vụ lợi ích cộng đồng, trong đó ưu tiên hỗ trợ giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải tại các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Bà Huỳnh Thị Mỹ- Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam trình bày báo cáo tình hình ngành trong năm qua và những vấn đề đang đặt trong năm 2022

Trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu một loại sản phẩm, hàng hóa được mở rộng tới giai đoạn sản phẩm, hàng hóa đó được thải bỏ.

Nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm, hàng hóa bao gồm từ các khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ.

EPR là một công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và một cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải, đồng thời EPR thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội và giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu về môi trường.

EPR có mối quan hệ mật thiết với kinh tế tuần hoàn, là một nhân tố cần thiết, quan trọng để thúc đẩy và duy trì nền kinh tế tuần hoàn.

Bởi vì, nếu thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu của EPR sẽ giúp chúng ta đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong quá trình hoạt động sản xuất, hướng tới mục tiêu không phát thải (zero waste).

EPR được kỳ vọng sẽ là giải pháp quan trọng giúp giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nhựa hiện nay.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam thể hiện tốt vai trò trong triển khai Luật Bảo vệ Môi trường mới

Việc triển khai các qui định mới để bảo vệ môi trường đã được Hiệp hội Nhựa Việt Nam chuẩn bị chu đáo và nhanh chóng chuyển thông tin đến các doanh nghiệp trong ngành. Bởi vì, không chỉ thụ động tiếp nhận các chính sách mà Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã tham gia ngay từ ban đầu đóng góp tiếng nói từ thực tế khi Chính phủ xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện luật.

Bà Huỳnh Thị Mỹ cho biết, trong năm 2021, giữa lúc đại dịch hoành hành trên cả nước, nặng nhất là TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An nơi có nhiều doanh nghiệp ngành nhựa tham gia sản xuất kinh doanh, với vai trò Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cùng với hơn 15 Hiệp hội ngành hàng mạnh trên cả nước, đã có tiếng nói và tham gia hầu hết vào các nội dung kiến nghị, góp ý xây dựng và tìm ra các giải pháp để cùng Chính phủ ban hành những văn bản kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong lúc đại dịch đang căng thẳng, nhất là ở TPHCM kéo dài gần 5 tháng.

Những văn bản, chính sách ban hành liên tục, Hiệp hội đã cập nhật thường xuyên và chuyển tải đến Hội viên, những vướng mắt khó khăn trong lúc xử lý FO, F1 khiến doanh nghiệp không biết xử lý thế nào, cũng như chính sách thích ứng an toàn Covid 19 cũng đã gây nhiều tranh cãi.

Điều quan trọng nhất là Hiệp hội đã đồng hành cùng các Hiệp hội ngành hàng khác đã có nhiều văn bản kiến nghị, giải trình đề nghị lùi thời hạn áp dụng Phí trách nhiệm mở rộng Nhà sản xuất – EPR đến ngày 1/1/2024 – Đó là một trong những thành quả quan trọng, mang lại lợi ích cho các ngành hàng khi các loại thuế phí ra đời, đẩy thêm gánh nặng lên nhà sản xuất, người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch chưa kết thúc, và cũng có thời gian để Doanh nghiệp có sự chuẩn bị sẵn sàng thực hiện phí EPR này.

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh

Còn ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh (thuộc Hiệp hội Nhựa Việt Nam) cho biết, các chính sách quan trọng và cấp thiết đối với doanh nghiệp nhập khẩu tái chế phế liệu cần một số lưu ý. Đó là Chính phủ đã bãi bỏ qui định doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu nhựa không được tái chế ra hạt nhựa sau năm 2024; các doanh nghiệp đã được tỉnh phê duyệt ĐTM thì không phải làm lại ở cấp Bộ; Doanh nghiệp tái chế nằm trong KCN và doanh nghiệp nằm ngoài KCN nhưng xả thải dưới 200 mét khối/ngày không phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải,; các Doanh nghiệp xả khí thải từ thiết bị tạo hạt nhựa dưới 50.000 mét khối/giờ không phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động…

Ông Hoàng Đức Vượng cũng nhấn mạnh, giấy phép nhập khẩu phế liệu được nâng thời hạn hiệu lực từ 3 năm lên 7 năm và các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu tiếp tục gia hạn giấy phép lần 2 đến hết ngày 31/12/2022.

Kể lại quá trình tham gia ý kiến để xây dựng các chính sách, ông Hoàng Đức Vượng cho biết đã góp phần đưa các chính sách để thực hiện kinh tế tuần hoàn như các qui định xây dựng cơ sở hạ tầng, phân loại 3 thùng rác tại hộ gia đình phục vụ tái chế là rác hữu cơ, rác tái chế và rác khác (thực hiện trước năm 2024).

Đáng lưu ý, các qui định ưu đãi, thuế, phí, mua sắm Chính phủ, dán nhãn sinh thái đối với sản phẩm nhựa tái sinh cần được hỗ trợ, kể cả trong đầu tư giảm thuế hay phí với doanh nghiệp thug om tái chế và nghiên cứu sản xuất thiết bị tái chế bảo vệ môi trường; doanh nghiệp tái chế được vay tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh và hỗ trợ lải suất ngân hàng.

Có thể nói, vai trò Hiệp hội ngày càng được khẳng định, các Bộ ban ngành luôn tham vấn ý kiến khi có các nội dung liên quan đến ngành, đó cũng là tín hiệu tích cực để đại diện ngành Nhựa tham gia xây dựng các Chính sách liên quan đến ngành ngày một tốt hơn, sát với thực tế hơn để giúp các Doanh nghiệp có môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn.

HANE

Đọc thêm

lên đầu trang