Ngoài quy định thu phí theo khối lượng, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) còn được kỳ vọng tạo ra cuộc cách mạng nhằm bảo vệ người dân luôn được sống trong môi trường trong lành.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 174 điều được đánh giá có rất nhiều điểm mới so với Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) hiện hành. Đặc biệt, ở Luật sửa đổi lần này, vai trò của người dân trong việc bảo vệ môi trường, giám sát môi trường được phát huy cao nhất.
Cải thiện, khắc phục song song với phòng ngừa, kiểm soát
Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên hàng đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, xem đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác. Ngoài ra, khác với Luật BVMT năm 2014, Luật lần này xác định song song với nhiệm vụ cải thiện, khắc phục ô nhiễm môi trường thì phòng ngừa, kiểm soát là nhiệm vụ ưu tiên; không cho các dự án đầu tư mới làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường.
Theo đó, để làm được điều trên cần đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án, bao gồm: chiến lược BVMT quốc gia, quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường (GPMT) và đăng ký môi trường.
Một trong những điểm nổi bật trong Luật BVMT (sửa đổi), đó là chủ cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phải có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có để ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Luật BVMT (sửa đổi) cũng có nhiều cơ chế để cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, chính sách về tín dụng xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Nói về Luật BVMT (sửa đổi), nhiều chuyên gia lo lắng về trách nhiệm công khai báo cáo ĐTM. Theo đó, Luật lần này chỉ quy định trách nhiệm của chủ dự án đầu tư công khai báo cáo ĐTM đã được phê duyệt kết quả thẩm định, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM chỉ có trách nhiệm công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM, trừ các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Theo các chuyên gia, quy định như vậy là chưa có sự thay đổi rõ ràng về bản chất của điều luật, vẫn đang hạn chế quyền tiếp cận ĐTM của cộng đồng.
Trong khi đó, người dân lại băn khoăn về quy định phí rác thải sinh hoạt. Theo Luật BVMT (sửa đổi), việc thu phí xử lý rác thải được tính theo khối lượng trên quan điểm: Người gây ô nhiễm phải trả tiền; Người nào xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền nhằm thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn… Tuy nhiên, nhiều người dân cảm thấy mơ hồ, lo ngại quy định này sẽ khó thực hiện, lo lắng là làm thế nào để tính chính xác khối lượng rác phát sinh, chưa kể sẽ xảy ra tình trạng “rác tặc” nếu quá trình quản lý, kiểm soát không tốt. Được biết, quy định thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng sẽ được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024.
Bên cạnh các lo ngại thì nhiều người vẫn tin rằng Luật BVMT (sửa đổi) với rất nhiều quy định mới, tiến bộ, tương thích với pháp luật và các thông lệ quốc tế. Ngoài ra, Luật còn tiệm cận với các quy định về bảo vệ môi trường của các nước phát triển trên thế giới và các quy định được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ về môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo Pháp luật