Bài 5: Những bất cập về giải pháp môi trường liên quan đến kinh tế tuần hoàn

08/09/2020 02:00

(72)


Như đã nói trên, những thực tiễn hoạt động kiểu kinh tế tuần hoàn đều là rời rạc, tự phát, manh động tùy hứng và chưa chuẩn bị nhiều mặt về bao tiêu sản phẩm đầu ra, độ ổn định đồng bộ của nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình công nghệ và bộ máy chế tạo và cuối cùng là chỉ có mối tương tác với số ít đơn vị đối tác quanh họ.

Các doanh nghiệp chưa tạo môi trường hợp tác rộng lớn, sâu sắc hơn ra ngoài biên tập hợp đó hoặc không giao thoa với các lĩnh vực hoạt động khác. Những hoạt động này chỉ là hình thức sơ khai của nền kinh tế tuần hoàn, cần được tập hợp vào guồng máy vận hành kinh tế tuần hoàn của toàn xã hội, hoặc chí ít cũng đưa vào quỹ đạo kinh tế tuần hoàn theo hướng chuyên môn hóa ở lĩnh vực của các đơn vị.

Tự phát chuyển hướng sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường

Ở góc nhìn khác, trong thực tế đã xuất hiện nhiều giải pháp thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng “những vật liệu thân thiện môi trường”, “bao bì dùng nhiều lần”, “nhựa phân hủy sinh học”, “chất liệu thay thế”..v.v. Thế nhưng, những thứ thay thế này chưa được kiểm soát nên bất tiện, cồng kềnh, cũ kỹ mất vệ sinh khi dùng nhiều lần, khó tiện dụng.

Thậm chí, có những bao bì thân thiện môi trường hay phân hủy sinh học được khuyến khích và trưng bán đầy ở khắp nơi, thực chất vẫn tồn tại trong cấu trúc đến 45-55% chất liệu polimer của PP, PVC, PE tuyến tính và thành phần “phân hủy được” là tinh bột hay vật chất hữu cơ chỉ ở mức độ bằng hay dưới 50%. Kiểu bao bì xanh chỉ phân rã (degradable) chứ không hề phân hủy (compostable) này còn nguy hiểm hơn bao bì nhựa một lần vì nó mau chóng rã lẫn vào môi trường đất, nước, không khí ở kích cỡ vi hạt nhựa khó lòng kiểm soát.

Nên nhớ, việc xử lý như bao bì nhựa thông thường, như túi nilon chẳng hạn, nó chỉ ô nhiễm vì khó phân hủy nên làm nghẽn cống rãnh, làm hư đất đai, nguồn nước… ta có thể thấy được và khi quyết tâm thu gom lại sẽ dễ hơn việc kiệm soát các hạt vi nhựa đã lẫn vào môi trường chung. Do vậy, những thứ nhựa phân hủy nửa vời như vậy Chính phủ cần kiểm soát và không nên cho lưu hành sử dụng, bởi vì chúng ta đang tránh một điều tệ hại trước mắt bằng cách tạo ra một điều tệ hại nghiêm trọng và lâu dài hơn.

Cân nhắc bài toán khi tập trung đầu tư dự án đốt rác không phân loại

Điều bất ổn đáng lo ngại nhất trong định hướng giải pháp môi trường hiện nay của một số địa phương là chủ trương và động thái tăng tốc xây dựng các lò đốt rác phát điện, với nguyên liệu là rác thải không cần phân loại phức tạp. Chúng ta chưa có những đánh giá tác động môi trường đầy đủ của khí thải, dù có hay không công nghệ tiên tiến hiệu quả để thu hồi và xử lý, thì việc đốt rác phát điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí,

Bởi vì, khi rác thải nhựa được đốt bỏ (mà người ta lại nói là càng tạo nhiệt lượng cao), các độc tính bản chất của polimer đặc biệt bền vững, cộng thêm các phụ gia đã được nhồi nhét thêm vào trong quá trình sản xuất để cải thiện những đặc tính lý hóa, sẽ bay hơi phát tán các kim loại nặng, các POPs ô nhiễm hữu cơ bền vững, dioxin, furan. ..v.v. ra đầy môi trường không khí.

Thiết nghĩ, cần có thêm những nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của loại hình này trước khi đưa các module nhà máy đốt rác vào hoạt động. Chúng tôi khá lo ngại rằng, một số công nghệ đốt rác chưa được kiểm chứng có khi sinh thêm rắc rối cho môi trường, sẽ phá hủy những nỗ lực xây dựng kinh tế tuần hoàn.

Kiểu “giải pháp tình thế” này làm tăng rủi ro ô nhiễm không khí và phát thải carbon vào tầng khí nhà kính Trái đất, mà không tận dụng thu gom tái chế được nguyên liệu tái sinh cho nhiều mặt sản xuất khác của nền kinh tế tuần hoàn (như làm phân vi sinh, tái chế vật dụng, tái sinh nguyên liệu thứ cấp cho ngành nhựa, sản xuất vật liệu xây dựng…v.v.).

Đốt rác – kể cả đốt rác phát điện, là cửa ra cuối cùng của nền Kinh tế tuyến tính, không hề có liên quan hay đóng góp gì cho nền kinh tế tuần hoàn. Chưa kể quá trình đốt cũng còn tro bay, tồn dư xỉ với những vật chất không đốt được hết. Những thứ này có tỷ lệ khối lượng không hề nhỏ, thông thường20-33% khối lượng đầu vào.

Số liệu tại Nhiệt điện Vĩnh Tân là 34% với hơn 4000 tấn tro xỉ trên 12.000 tấn than nhiên liệu được đốt phát điện 24.000 MW mỗi ngày. Do vậy, nếu đốt gần 10.000 tấn/ngày rác thải chỉ riêng tại TP.HCM, thì có hơn 3.000 tấn tro xỉ phát sinh. Số tro xỉ này sẽ đổ đi đâu nếu không có bãi chôn lấp đặc thù, hay giải pháp quay vòng loại tro này theo kiểu kinh tế tuần hoàn thế nào, người dân hiện nay chưa biết rõ.

Cần có nhạc trưởng kiểm soát quá trình quá trình xử lý rác thải nhựa

Theo chúng tôi nhận thấy, một số doanh nghiệp lớn trong ngành đồ uống có lượng phế phẩm nhựa thải ra sau tiêu thụ sản phẩm của mình rất lớn, đã sớm khôn ngoan liên kết đình đám để lập những hiệp hội – liên kết – liên minh công bố các dự án thu gom tái chế. Những tổ chức này có chương trình hành động, có event ra mắt và truyền thông rộng rãi, nhưng đến nay chưa thống kê được hoạt động thực tế của họ đã giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải từ sản phẩm chính họ được như thế nào và kết quả cụ thể ra sao, tỷ lệ thu hồi tái sinh được là bao nhiêu % so với kế hoạch.

Những người làm môi trường chúng tôi mong đây sẽ là những hoạt động hiệu quả thực sự bảo vệ môi trường, chứ không nên bị suy luận là họ tạo dư luận và hình ảnh của mình trong kinh doanh có lương tâm, có trách nhiệm xã hội và đánh bóng tên tuổi trong dư luận người tiêu dùng để tránh sự phán xét của người tiêu dùng.

Nói sao đi nữa, trong nền kinh tế tuần hoàn, những động tác thu hồi, xử lý, dù quy mô thế nào cũng không phải là điều cơ bản, vấn đề phải là sản phẩm được thiết kế xanh ra sao, khả năng tái chế hoàn nguyên thế nào, tác động môi trường lớn hay nhỏ, các kênh thu gom bảo đảm được tỷ lệ nào trên lượng sản phẩm bán ra thị trường. Điều quan trọng nhất là hoạt động đó có được xúc tiến thiết thực và lâu dài, hay chỉ là “giải pháp tình thế” khi xã hội đang quy trách nhiệm ô nhiễm môi trường cho những chất liệu bao bì sản phẩm của những thành viên tổ chức tái chế này…

Mặt khác, những sản phẩm thay thế nhựa như giấy, gỗ, kim loại, chất liệu tổng hợp không polimer… không đơn giản là dễ phân hủy hay thu thập tái chế để dùng làm ra sản phẩm sẽ được coi là thân thiện môi trường. Đánh giá sản phẩm có thân thiện hay không còn cần phải xem qui trình khai thác, sơ chế nguyên liệu, vận hành dây chuyền sản xuất… tiêu hao bao nhiêu năng lượng và tác hại kiểu khác lên môi trường như thế nào.

Để sản xuất giấy, người ta phải trồng rừng để lấy bột giấy, quá trình sản xuất gỗ cho ra bột giấy và đến khâu xeo bột ra giấy luôn gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, công tác xử lý chất thải quá trình sản xuất này rất cao. Như vậy, khi dùng bao bì giấy thực chất sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chứ không phải là thân thiện môi trường như người ta tưởng.

Thật dễ dàng muốn loại bỏ nhựa, nhưng việc thay thế nó bằng các vật liệu khác có thể gây bất lợi lớn, từ tác động môi trường hay phát thải carbon và tai hại, so ra có khi còn lớn hơn và đắt hơn tai hại từ ô nhiễm do Nhựa. Do đó, thay vì chống đối và nghiêm ngặt chế tài Nhựa, liệu có tốt hơn không khi dùng ý thức môi sinh cho người sử dụng nó của nền kinh tế tuần hoàn để kiểm soát thu hồi, tái sinh nguyên liệu cho chính ngành Nhựa, mà vẫn tận dụng được những đặc tính ưu việt, rẻ tiền của Nhựa?

Xuất phát điểm của các sản phẩm dùng nguyên liệu nhựa đã từng được chào đón nồng nhiệt chính là nó khắc phục được tình trạng gây ô nhiễm môi trường so với các nguyên liệu khác. Nhựa lại dễ dàng đưa vào sản xuất rất nhiều vật dụng phục vụ đời sống với giá thành rẻ và khả năng tái sinh, tái sử dụng tốt.

Thực tế trong mùa đại dịch Covid 19 vừa qua đã minh chứng sự hữu ích của nhựa trong đủ thứ vật dụng thiết yếu, nhất là trang bị phòng hộ và tác nghiệp của những người trên tuyến đầu –kể cả thứ dùng một lần – mà những chất liệu khác khó lòng thay thế được. Chỉ có một nhược điểm của nhựa là khó phân hủy trong môi trường tự nhiên khiến người ta lo ngại.

Do đó, nhằm bảo đảm một cách chính xác, đúng đắn cho những sản phẩm xanh của cuộc sống, việc có được một chính sách mạnh mẽ nhằm vào phát thải khí carbon là chìa khóa để đạt được tiến bộ trong cuộc đồng hành với kinh tế tuần hoàn, nhằm việc bảo vệ môi trường bằng cách làm những sản phẩm mang chất liệu thân thiện môi trường đó không trở nên vô nghĩa.

LÊ HÙNG

Nguồn bài 1: https://thegioimoitruong.vn/nhan-dien-nen-kinh-te-tuan-hoan.html

Nguồn bài 2: https://thegioimoitruong.vn/bai-2-nen-kinh-te-tuan-hoan-la-yeu-cau-tat-yeu.html

Nguồn bài 3: https://thegioimoitruong.vn/bai-3-uu-diem-cua-nen-kinh-te-tuan-hoan.html

Nguồn bài 4: https://thegioimoitruong.vn/bai-4-vai-tro-cua-moi-truong-trong-nen-kinh-te-tuan-hoan.html

 

Đọc thêm

lên đầu trang