Evergreen Labs (EGL) là tổ chức tư vấn và phát triển dự án quốc tế có trụ sở tại Đà Nẵng từ năm 2016. EGL cung cấp các dịch vụ tư vấn và triển khai các dự án tập trung vào tính bền vững, phát triển, nhân đạo, chủ yếu tại Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác.
EGL tập trung xử lý các vấn đề về xã hội và môi trường thông qua việc tạo lập các hoạt động kinh doanh bền vững theo 3 hướng tiếp cận: Tư vấn và triển khai dự án bền vững cho các tổ chức phát triển và doanh nghiệp tư nhân; Thử nghiệm, thí điểm những ý tưởng và các mô hình kinh doanh xã hội mới; Xây dựng các doanh nghiệp xã hội tạo tác động tích cực và bền vững.
Bước đầu khởi nghiệp
EGL đã hoạt động tại Việt Nam được gần 5 năm và có danh mục dự án trong bốn lĩnh vực chính: nông nghiệp (chuỗi giá trị nông nghiệp), du lịch sinh thái (du lịch cộng đồng), quản lý rác thải và phát triển bền vững. Trong quá trình hoạt động, EGL nhận thấy sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam mang đến rất nhiều điều kiện thuận lợi cho quốc gia với tinh thần khởi nghiệp cao, cũng như nâng cao điều kiện sống và đẩy mạnh tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng không đồng đều với mức tiêu thụ tăng đã tạo nhiều sức ép cho hệ thống xử lý rác đô thị. Trên thực tế, từng loại rác đều đã có giải pháp xử lý, nên EGL quyết định tập trung vào việc đưa các giải pháp cho nhựa giá trị thấp (bao ni-lông, hộp đựng thức ăn, các loại giấy gói) tại Việt Nam bằng mô hình nhượng quyền xã hội ReForm, thay vì phát triển công nghệ mới chưa được chứng thực và cần điều chỉnh nhiều năm để phù hợp bối cảnh địa phương. Đây là lý do vì sao EGL tập trung vào sản xuất ván nhựa, bởi việc sản xuất ván yêu cầu nhiều nguyên liệu rác nhựa trong quá trình xử lý, có thể tạo ra lợi ích cho xã hội và môi trường.
Nhận thấy Việt Nam có một hệ thống tái chế phi chính thức khá hiệu quả, thời gian đầu, Phòng Thí nghiệm Tăng tốc UNDP (AccLab) đã làm việc cùng với EGL và Sở TN&MT TP. Đà Nẵng thực hiện một khảo sát thí điểm nhằm đánh giá vai trò của khu vực tái chế phi chính thức ở Đà Nẵng.
Từ kết quả nghiên cứu các nhóm thu thập phi chính thức ở 2 quận Hòa Vang và Ngũ Hành Sơn cho thấy, có thể thu hồi 7,5-9% trong tổng lượng rác vào khoảng 1.100 tấn được đưa đến bãi chôn lấp của TP mỗi ngày, giúp tiết kiệm một khoản phí quản lý rác thải lớn.
Từ kết quả nghiên cứu đó, EGL đã lồng ghép mô hình của Dự án ReForm Plastic vào hệ thống lao động tái chế phi chính thức, cũng như hệ thống thu gom xử lý rác thải đô thị, đặc biệt là trong hoạt động thu hồi nguồn nguyên liệu đầu vào.
Khi dòng nguyên liệu đầu vào được hình thành, bước tiếp theo EGL xây dựng cơ sở vật chất với số tiền đầu tư nhỏ với khoảng 1 tỷ đồng, cho hoạt động sản xuất của ReForm Plastic. Số tiền đầu tư này bao gồm máy móc và thiết bị rửa và xử lý nguyên liệu rác nhựa giá trị thấp thành những tấm ván và các sản phẩm tiêu dùng đẹp mắt như đồ gia dụng, thùng rác, vật liệu xây dựng…
Triển khai mô hình ở Hội An và các dự án có ý nghĩa về xã hội
Khi nhận được nguồn tài trợ từ IUCN để giải quyết vấn đề rác thải tại Cù Lao Chàm, ReForm Plastic đã quyết định xây dựng Nhà máy xử lý rác thải thí điểm tại Hội An. Dự án bắt đầu lấy rác từ Nhà máy xử lý rác Hội An (khoảng 0.5-1 tấn/ngày) và từ trường học và cơ quan (khoảng 1 tấn/tháng) thông qua chương trình thu gom.
Dự án ReForm Plastic trở lại Cù Lao Chàm để tập huấn cho nhóm quản lý rác thải đô thị địa phương về cách phân loại nhựa, lưu trữ cũng như sắp xếp cho việc vận chuyển về đất liền. Bên cạnh đó, Dự án ReForm Plastic hợp tác với Công ty Công trình Công cộng Hội An để thu hồi tất cả rác nhựa từ Cù Lao Chàm. Đây là một bước quan trọng đưa Cù Lao Chàm hướng tới trở thành hòn đảo không rác thải nhựa đầu tiên của cả nước.
Tại Nhà máy xử lý, rác sau khi được phân loại sẽ được đưa lên băng chuyền rồi đi vào máy băm. Tại đây chúng được cắt vụn thành những mảnh nhỏ. Sau khi được băm và xay, nhựa được đưa vào máy rửa. Trong bồn rửa, có quy trình làm sạch chuyên sâu. Sau khi rửa, nhựa băm được thổi khô trong phễu và đưa đến ngăn trữ nguyên liệu sạch, chuẩn bị cho việc ép nóng, ép lạnh và cho ra sản phẩm là ván nhựa. Trải qua các công đoạn, từ nguồn rác tưởng chừng như vô giá trị, ReForm Plastic có thể sản xuất ra những tấm ván có công năng sử dụng như vật liệu gỗ. Ván này có thể làm bàn, ghế, tủ, vách, thùng rác… Trong một số điều kiện thời tiết nhất định, những tấm ván này có ưu điểm vượt trội hơn gỗ, ấy là hoàn toàn không thấm nước, bền bỉ và chịu lực tốt, chống nấm mốc.
Hiện nay, Dự án đang vận hành khoảng 30% công suất thiết kế và đang tăng dần theo kế hoạch. Tổng công suất thiết kế của nhà máy là 1.000 tấn mỗi năm và hoàn toàn có thể tăng thêm nếu cần thiết.
Điều này có thể giải quyết 50% lượng rác nhựa giá trị thấp tại Hội An, nguồn nguyên liệu chính ReForm Plastic tập trung giải quyết, tuy nhiên dòng thu hồi nguồn nguyên liệu cần được cải thiện thông qua phân loại rác tại nguồn và các chương trình thu gom trực tiếp tại trường học và cơ quan. Nhà máy ReForm Plastic được xem như một trong những giải pháp “không rác thải” cho TP. Hội An, đóng góp tích cực vào việc BVMT và nỗ lực vì một TP xanh, sạch hơn.
Bên cạnh đóng góp ý nghĩa về môi trường, đội ngũ ReForm Plastic đã thực hiện một chiến dịch để giúp đỡ các điểm trường Chai, Ngược, Ba Ngày ở xã Tà Long – một xã miền núi thuộc huyện Đắc Rông, tỉnh Quảng Trị đã bị thiệt hại đáng kể do hậu quả của những đợt mưa lớn gây ra lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng. Hơn 40 chiếc bàn và 80 chiếc ghế được ReForm Plastic hoàn thành trong vòng 1 tháng để đến với Trường Tiểu học Tà Long.
Điều này đã giúp hơn 90 trẻ em từ 4 trường trên địa bàn có cơ hội quay trở lại lớp học. Đây là một hành động rất có ý nghĩa về xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc.
Tạo ra các sản phẩm có giá trị sử dụng và giá trị thương mại
Sau nhiều tháng làm việc để xin giấy phép cũng như làm việc với các bên liên quan, cuối cùng EGL đã nhận được giấy phép thành lập và vận hành trung tâm đầu tiên tại Hội An. Đây là một trung tâm có quy mô được vận hành nhằm biến những loại nhựa có giá trị thấp thành sản phẩm hữu ích. Nhà máy này sẽ đóng góp đáng kể vào môi trường Hội An và các khu vực lân cận.
Hiện tại, Dự án đang triển khai giải pháp xử lý nước thải theo phương pháp tự nhiên, giúp giảm chi phí vận hành. Bởi nếu chỉ xử lý rác lấy từ Cù Lao Chàm hoặc từ chương trình thu hồi rác của trường học và cơ quan, thì việc xử lý hoàn toàn có thể đạt yêu cầu của quy định xả nước thải. Tuy nhiên, rác thải lấy được từ Nhà máy xử lý rác Hội An yêu cầu cần có biện pháp xử lý tốt hơn và Dự án sẽ hoàn thiện giải pháp này trong Quý 1/2021 trước khi xin phép gia hạn Dự án.
Đồng thời, Dự án đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền và một vài dự án phát triển để cải thiện chất lượng phân loại rác tại nguồn. Điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho toàn bộ hệ thống quản lý rác thải, từ khối phi chính thức cho tới hệ thống quản lý rác đô thị và các đơn vị tư nhân như ReForm Plastic. Một trong những cách Dự án dùng để khuyến khích các đơn vị phân loại rác là chứng nhận “Không rác thải” của ReForm Plastic dưới sự hướng dẫn của Phòng Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Hội An.
Chứng nhận này mang lại lợi ích về mặt truyền thông rất lớn cho các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn và tạo nguồn cung cấp vật liệu đầu vào ổn định cho ReForm Plastic, cũng như đảm bảo lồng ghép hoạt động của nhóm lao động phi chính thức.
Ngoài ra, Dự án đang dần hoàn thiện mô hình nhượng quyền xã hội cho phép các cá nhân, tổ chức khác xây dựng một cơ sở ReForm Plastic tại địa phương mình. Đây là chiến lược nhân rộng mà ReForm Plastic hướng tới. Trong thời gian tới, ReForm Plastic hướng tới giải quyết các thách thức về rác thải nhựa bằng cách thu gom và biến đổi rác thải nhựa cấp thấp thành các sản phẩm có giá trị sử dụng và giá trị thương mại.
Sản phẩm của ReForm Plastic bắt đầu được bán từ tháng 12/2020 và đã hoàn thành một số đơn hàng cũng như nhận được quan tâm của khách hàng cho một số dự án lớn cho năm 2021. Các sản phẩm đa dạng, bao gồm từ sản phẩm lẻ như gạch lát, ván, đồ nội thất, thùng rác, kệ trồng cây trên tường, cho đến công trình lớn hơn như trang bị thùng rác cho các tòa nhà Chính phủ ở Hà Nội. Về lâu dài, ReForm Plastic là mô hình phù hợp để tích hợp vào hoạt động vận hành của bất cứ hệ thống quản lý rác thải và Dự án đang xây dựng nhiều mô hình hợp tác công tư (PPP) khác nhau hướng tới mục tiêu xây dựng 100 cơ sở ReForm Plastic trên toàn Việt Nam.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Jan Zellman – người sáng lập kiêm Giám đốc Dự án cho biết: “Năm 2020 là một năm khó khăn cho tất cả mọi người và đặt biệt là cho một Dự án đang trong giai đoạn triển khai thí điểm. Đợt giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 lần thứ nhất đã làm chậm tiến độ xây dựng nhà máy và nhập khẩu máy móc. Đợt giãn cách thứ hai khiến cho nguồn nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Tiếp theo đó, miền Trung gặp phải mùa mưa bão dữ dội, nhà máy bị ngập lụt nặng. Mặc dù chưa hoàn toàn hài lòng với hoạt động vận hành của Dự án, chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn và hiện nay đã đạt được sự ổn định nhất định về tài chính dự án nhờ sản xuất và sẵn sàng mở rộng, nhân rộng ra các thành phố khác của Việt Nam”.
Theo Tạp chí Môi trường