Trong bài viết này, tôi muốn dành cho những người đang sống và làm việc tại những văn phòng – gọi chung là nhân viên văn phòng – một lực lượng lao động không nhỏ tại các thành phố hiện nay.
Mục đích là giúp cho những nhân viên văn phòng có một môi trường làm việc xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn đồng thời góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc thay đổi nhận thức dẫn tới những hành động cụ thể của từng con người đang hàng ngày, hàng giờ dành hơn 8 tiếng để sống và làm việc trong khoảng không gian ấy. Vậy điều gì khiến một văn phòng trông gọn gàng sạch sẽ nhưng có thể chưa “xanh”, khái niệm văn phòng xanh là như thế nào và họ – những người đang làm việc trong đó phải làm gì để có một môi trường làm việc xanh đúng nghĩa?
Văn phòng xanh là sáng kiến của WWF (Quỹ bảo vệ thiên nhiên toàn cầu) tại Phần Lan bắt đầu từ năm 1997, tuy nhiên đến năm 2002 chương trình này mới chính thức thực hiện. Theo WWF thì Văn phòng xanh là “hệ thống quản lý môi trường” có tính thực tiễn dành cho các văn phòng, giúp cho các văn phòng giảm dấu chân sinh thái và phát thải khí nhà kính ngay tại nơi làm việc.
Văn phòng xanh tập trung vào việc thay đổi ý thức và hành vi của nhân viên hướng tới thực hiện hành vi tiêu dùng bền vững, không ngừng cải tiến các vấn đề còn tồn tại, nhằm giảm chi phí, giảm tác động tới môi trường từ các hoạt động của tổ chức, mang lại lợi ích cho tổ chức và tạo môi trường làm việc lành mạnh, thân thiện.
Về bản chất, văn phòng xanh giúp các doanh nghiệp, tổ chức thay đổi nhằm cải tiến cách thức vận hành và quản lý văn phòng để giảm tác động tiêu cực lên môi trường, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm chi phí do lãng phí.
Những thay đổi này diễn ra trong mọi mặt của vận hành văn phòng: từ giảm tiêu thụ năng lượng (điện) và các nguồn tài nguyên (nước, giấy), đến thiết kế nội thất văn phòng để tận dụng ánh sáng tự nhiên và đảm bảo lưu thông không khí; từ các phương tiện mà nhân viên chọn để đi làm và giao dịch hàng ngày đến cách thức tổ chức các hội thảo hay chuyến đi nghỉ của công ty; từ việc chọn mua các sản phẩm và thực phẩm thân thiện với môi trường tới việc xây dựng hệ thống tái chế và tái sử dụng; từ việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh đến việc xây dựng ý thức xanh cho toàn bộ nhân viên. Tuy nhiên, không có một công thức chung nào về văn phòng xanh cho tất cả các văn phòng, mà mỗi tổ chức sẽ tuỳ thuộc vào quy mô, điều kiện của mình để xây dựng một “hệ thống quản lý môi trường” sao cho phù hợp và hiệu quả cho chính họ.
Đối tượng của văn phòng Xanh khá đa dạng phù hợp với tất cả các văn phòng và tất cả các loại hình tổ chức, dù là ở khu vực tư nhân hay khu vực công. Phương châm của Văn phòng xanh là “Ngay cả những hành động nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt nếu có đủ người tham gia”. Tính đến nay, tại Phần Lan nơi “khai sinh” ra khái niệm Văn phòng xanh, mạng lưới này đã có sự tham gia của 403 văn phòng đến từ hơn 150 tổ chức. Tại các quốc gia khác có 128 văn phòng xanh đến từ 106 tổ chức khác nhau. Theo báo cáo tổng kết về kết quả thực hiện của các văn phòng xanh tại Phần Lan từ năm 2007-2016 thì hiệu quả mà Văn phòng xanh mang lại thật đáng kinh ngạc: giảm 55.300 tấn CO2, tiết kiệm khoảng 6 triệu tờ giấy – tương đương với chiều cao khoảng 587m, điều này cũng đồng nghĩa với việc chừng đó chất thải từ giấy được giảm đi. Ngoài ra còn nhiều lợi ích khác nữa.
Lượng giấy mà các văn phòng tại Phần Lan tiết kiệm được sau khi tham gia chương trình Văn phòng xanh trong các năm từ 2007-2016 (nguồn WWF)
Lượng CO2 mà các văn phòng tại Phần Lan tiết kiệm được sau khi tham gia chương trình Văn phòng xanh trong các năm từ 2007-2016 (nguồn WWF)
Tính đến năm 2017, khái niệm Văn phòng xanh đã tồn tại 20 năm, chính thức triển khai được 15 năm. Văn phòng xanh đã có mặt ở một số quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, WWF là tổ chức đầu tiên đưa mô hình Văn phòng xanh vào giới thiệu với các doanh nghiệp và tổ chức trong nước. Công ty Conforama là công ty đầu tiên nhận được chứng chỉ Văn phòng xanh của WWF năm 2007. Mạng lưới Văn phòng xanh của WWF tại Việt Nam đã có một số thành viên như Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Phần Lan, Công ty Toyota Motor Việt Nam, Công ty Thiết kế Out-2 Design, Công ty Tanner,… Mặc dù được đưa vào Việt Nam từ khá sớm nhưng việc triển khai Văn phòng xanh tại nước ta còn chưa phổ biến vì nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do thời điểm 10 năm trước đây các vấn đề về biến đổi khí hậu chưa thực sự nóng trên bàn nghị sự như trong một vài năm trở lại đây. Và khi Biến đổi khí hậu chính thức được đưa vào nội dung Nghị quyết số 24 của Trung ương thì vấn đề “giảm nhẹ phát thải” bắt đầu được quan tâm nhiều hơn ở tất cả các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất dịch vụ,… bao gồm cả việc xây dựng và duy trì một “lối sống bền vững các-bon thấp” trong cộng đồng.
Đây chính là động lực để Văn phòng xanh có cơ hội được triển khai và nhân rộng sau một thời gian trầm lắng tại nước ta. Việc xây dựng lối sống xanh ở văn phòng, thúc đẩy nhân viên văn phòng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng bền vững hơn và duy trì các hành vi đó chính là mục tiêu mà chương trình Văn phòng xanh tại Việt Nam hướng tới dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AIT-VN) và chương trình này do UNEP (chương trình môi trường của Liên hợp quốc) tài trợ.
Các văn phòng khi tham gia chương trình sẽ được chuyển giao Bộ công cụ lối sống văn phòng xanh và Tiêu chuẩn Văn phòng xanh (tiêu chuẩn GO) phù hợp trong điều kiện Việt Nam. Bộ công cụ lối sống văn phòng xanh bao gồm Hướng dẫn thực hành và công cụ triển khai. Còn tiêu chuẩn GO được thiết lập dựa trên tiêu chuẩn ISO 14064 (tiêu chuẩn quốc tế về khí nhà kính) và GHG Protocol (giao thức báo cáo khí nhà kính). Khi sử dụng tiêu chuẩn GO, các văn phòng sẽ xác định được phạm vi và nguồn phát thải; tính toán được lượng phát thải; giám sát, đánh giá và lập báo cáo phát thải. Kết hợp tiêu chuẩn GO và bộ công cụ lối sống văn phòng xanh, các văn phòng sẽ có một bộ công cụ toàn diện cho việc xây dựng và đánh giá văn phòng của mình.
Nếu lối sống xanh này được duy trì và cải tiến liên tục, các văn phòng sẽ thấy được lợi ích đầu tiên đó là giảm chi phí vận hành, quản lý một tổ chức nhờ vào: tiêu thụ điện, nước giảm; lượng giấy sử dụng ít đi; chất thải được quản lý chặt chẽ, cẩn thận và nhờ đó lượng thải cũng giảm đi.
Tiếp đến là ý thức và hành vi tiêu dùng của nhân viên văn phòng thay đổi, nhóm đối tượng này sẽ nhận thức rõ ràng rằng ngay cả việc tham gia giao thông hàng ngày, việc đi công tác, việc lưu trú,… cũng có tác động làm phát thải các-bon gây hiệu ứng nhà kính góp phần làm biến đổi khí hậu. Khi nhìn nhận rõ một vấn đề thì nhóm nhân viên văn phòng được kỳ vọng là sẽ có những hành động cụ thể để duy trì hoạt động trong văn phòng của mình một cách thường xuyên, cải tiến liên tục nhằm thiết lập một lối sống xanh, một môi trường làm việc xanh đúng nghĩa.
Văn phòng xanh – từ những thay đổi tưởng chừng như rất nhỏ của nhóm người làm việc trong các văn phòng nhưng đã có thể thiết lập một lối sống xanh, bền vững. Đây thực chất là một công cụ đơn giản nhưng hiệu quả, góp phần cụ thể vào giải quyết một trong những vấn đề rất nóng hiện nay về môi trường đó chính là biến đổi khí hậu đồng thời cũng chung tay thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đạt mức 8% như đã cam kết tại Hội nghị COP21.
Thông tin về dự án:
Hiện nay, dự án Văn phòng Xanh đang bắt đầu tiến hành lựa chọn các văn phòng để tham gia thực hiện Văn phòng Xanh.
Nếu văn phòng bạn:
1. Thuộc loại hình Sản xuất, Dịch vụ, Tổ chức hành chính công hoặc Tổ chức dân sự xã hội;
2. Hoạt động tại Hà Nội, Đà Nẵng hoặc TP. Hồ Chí Minh
3. MONG MUỐN và CAM KẾT thực hiện chương trình Văn phòng Xanh
thì hãy đăng ký ngay với dự án GO-VN để thực hiện XANH HOÁ VĂN PHÒNG. Các văn phòng được chọn sẽ nhận được những hỗ trợ kỹ thuật của Dự án.
Để đăng ký tham gia GO-VN, vui lòng liên hệ:
Ms. Lê Thanh Loan
greenoffice.aitcv@gmail.com
(024) 3766 9492 – máy lẻ 134
ThS. Nguyễn Thanh Ngân
Tập đoàn Dệt May Việt Nam