Ứng dụng MyMizu chống rác nhựa của Nhật Bản

15/10/2019 11:25

(51)


Để phòng ngừa viễn cảnh Nhật Bản sẽ có những núi rác nhựa sau Thế vận hội 2020, các nhà phát triển ứng dụng nước này vừa cho ra mắt MyMizu, một app trên thiết bị di động giúp biết rõ những điểm nào gần họ tiếp thêm nước uống miễn phí.

Ứng dụng MyMizu

Theo báo Japan Times, với ứng dụng MyMizu, người dùng chỉ cần tra tìm vị trí gần nhất và mang chai cũ tới đó đổ đầy mà không cần mua chai mới, do đó góp phần làm giảm chai nhựa thải ra môi trường. Chỉ hai tuần sau khi phát hành, ứng dụng đã có hơn 8.000 điểm cấp nước uống miễn phí và hơn 5.000 lượt tải về.

Mục đích chính của MyMizu là giúp mọi người tìm ra các điểm công cộng cấp miễn phí nước uống. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm này, nó cũng cung cấp địa chỉ các nhà hàng, quán cà phê và những điểm kinh doanh khác đồng ý tiếp nước miễn phí cho khách. Khi biết thêm những điểm này, người dùng có thể tự bổ sung vào cơ sở dữ liệu của ứng dụng.

Ứng dụng này thực sự đang rất cần cho Nhật Bản. Bởi bất kể thực tế là nước nổi tiếng về năng lực tái chế và thói quen sạch sẽ, Nhật Bản cũng là nước có tỉ lệ xả rác nhựa tính trên đầu người cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Kể từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác nhựa năm 2017, Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý rác nhựa.

Với khoảng 3 triệu máy bán hàng tự động trên toàn quốc, việc mua nước đóng chai rất dễ dàng với người Nhật. Tuy nhiên, việc tìm ra những nơi để đổ đầy lại sau khi uống hết thì không đơn giản.

“Hiện còn thiếu những điểm tiếp thêm nước uống – anh Robin Lewis, 31 tuổi, người đồng sáng lập ứng dụng MyMizu, nói – Nếu đi bộ quanh ga Shinjuku, bạn không thể tìm ra chỗ nào. Chúng tôi không chỉ đang cố gắng cụ thể hóa những điểm này mà còn muốn các quán cà phê và nhà hàng cùng tham gia, trở thành những nơi tiếp nước thêm cho mọi người”.

Với một mùa hè dự kiến nóng kỷ lục trong năm tới và sự kiện Olympic 2020, hơn bao giờ hết, những điểm tiếp thêm nước cho mọi người càng cần thiết hơn.

Anh Lewis và người đồng sáng lập MyMizu khác là chị Mariko McTier (30 tuổi) ước tính nếu mỗi người trong tổng số 9 triệu người dự sự kiện thế vận hội mua 4 chai nước mỗi ngày, tổng số chai nước sử dụng trong cả kỳ Olympic và Paralympic sẽ vượt quá 110 triệu chai trong 6 tuần.

Ủy ban Tổ chức Olympic cho biết họ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu rác nhựa. Kể từ ngày phát hành ứng dụng MyMizu (20-9), người dùng đã bổ sung 548 điểm tiếp nước vào cơ sở dữ liệu sẵn có gồm 8.000 điểm, trong đó có 56 điểm là của các doanh nghiệp.

Ứng dụng có 2 ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh và tiếng Nhật. 60% số lượt tải về thông qua trang tiếng Nhật. “Rất nhiều người nói đây chính là cái họ đang chờ đợi” – chị McTier chia sẻ.

Hai nhà sáng lập ứng dụng Lewis và McTier không đơn độc trong hành trình của họ. Một tổ chức khác là Refill Japan cũng đã hoạt động với mục tiêu tương tự, nhằm tăng thêm số điểm cấp nước miễn phí trên toàn quốc.

Theo Tuổi Trẻ

Đọc thêm

lên đầu trang