TP.HCM “vô địch” khí thải nhà kính

29/12/2017 10:32

(10)


Ngày 26/10, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hớp với UBND TP.HCM tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Kiểm kê khí nhà kính TP.HCM”. Mặc dù dự án này đã được thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên việc kiểm kê này được thực hiện tại TP.HCM.

TP.HCM ĐANG DẪN ĐẦU LƯỢNG PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH (KNK)

Khí nhà kính (KNK) phát thải ra ngoài sẽ giữ nhiệt trong khí quyển và gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu, hiệu ứng nhà kính. Nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, gồm CO2, CH4, CFC, SO2,…

TP.HCM là thành viên của mạng lưới C40 – nhóm các thành phố lãnh đạo về khí hậu, gồm 91 thành phố trên thế giới. Tính theo GDP, lượng phát thải KNK của TP.HCM đang dẫn đầu và cao hơn nhiều lần so với các thành phố khác trong mạng lưới C40.

Theo kết quả tính toán từ năm 2013, TP.HCM thải ra lượng KNK khoảng 38,5 triệu tấn CO2, tương đương với Seoul (Hàn Quốc) và London (Anh). Con số này chiếm khoảng 16% tổng lượng phát thải của Việt Nam.

Trong đó, có đến 46% lượng phát thải là do việc sử dụng năng lượng từ các nguồn cố định như: các tòa nhà (dân cư, thương mại, hành chính và cơ sở hạ tầng), sản xuất công nghiệp và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, phát tán từ dầu và khí thiên nhiên. Các hoạt động giao thông chiếm 45%, chất thải chiếm 6%, 3% còn lại đến từ các nguồn khác.

Theo các chuyên gia của JICA, tính đến thời điểm này TP.HCM là một trong 5 thành phố kiểm kê đầy đủ 5 nguồn phát thải gây hiện tượng KNK; 16 thành phố kiểm kê được 3 nguồn phát thải.

Theo ông Kuwahara, chuyên gia của JICA, để có được số liệu trên, JICA đã hợp tác với các ngành chức năng để được cung cấp những số liệu chính thức. Khi so sánh với 16 thành phố khác trong mạng lưới cho thấy lượng phát thải bình quân đầu người của TP.HCM là 4,2 tấn tấn CO2. Con số này tương đương với phát thải bình quân đầu người của thành phố Seoul và London. Trong khi đó, phát triển về kinh tế của TP.HCM chậm hơn rất nhiều so với các thành phố này.

Cũng theo ông Kuwahara, cần tiếp tục kiểm kê KNK, việc này sẽ giúp định lượng cụ thể các nguồn gây phát thải KNK và dự báo được lượng phát thải trong tương lai. Từ đó có thể thiết lập mục tiêu, xây dựng chính sách giảm phát thải hiệu quả.

JICA HỖ TRỢ TP.HCM GIÁM SÁT PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH

UBND TP.HCM và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong Hội thảo cuối kỳ nhằm tổng kết hợp phần thực hiện tại TP.HCM của Dự án Hợp tác kỹ thuật “Hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia theo phương thức giám sát, báo cáo, thẩm định (MRV)”

TP.HCM là một trong những thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2016, UBND TP.HCM đã phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và Dự án hợp tác với JICA nhằm giúp Thành phố đạt được mục tiêu của Kế hoạch hành động.

Trong phạm vi của dự án từ, JICA đã hợp tác với TP.HCM nâng cao nhận thức và năng lực về giám sát phát thải KNK của Thành phố. Ngoài ra, dự án cũng xây dựng một bản hướng dẫn xây dựng kiểm kê KNK tổng hợp, qua đó không chỉ giúp TP. Hồ Chí Minh mà cả các thành phố khác có thể thực hiện công tác kiểm kê KNK.

Thông qua các hoạt động thí điểm trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và quản lý chất thải, dự án đã giúp TP.HCM tăng cường năng lực trong công tác lượng hóa và kiểm tra các hoạt động giảm phát thải KNK, góp phần thực hiện các giải pháp về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao kết quả của dự án. Bộ Tài nguyên Môi trường dự định sẽ sử dụng hai bản hướng dẫn do dự án xây dựng như tài liệu tham khảo trong quá trình thực hiện Nghị định về Lộ trình giảm thiểu khí thải nhà kính, dự kiến sẽ được Chính phủ phê duyệt vào năm 2018.

JICA cũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh sẽ chia sẻ kinh nghiệm cũng như bài học thực tiễn từ dự án với các địa phương khác, góp phần tăng cường sự tham gia của các bên liên quan nằm ngoài khu vực Nhà nước trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu như đã được thông qua trong bản Hiệp định Paris.

PHAN HỒNG (Tổng hợp)

Đọc thêm

lên đầu trang