Thiên nhiên nổi giận hại nhầm người !

19/10/2020 03:40

(55)


Lũ lụt ở miền Trung đang diễn ra trầm trọng nhất trong vòng 10 năm qua. Nhiều người chết cuốn trôi theo dòng nước, nhiều người chết vùi dưới đất lở, nhiều người không tìm ra tung tích, vô số người mất nhà cửa chiếu đất màn trời.

Đau thương không kể sao cho xiết. Tất cả đều là dân nghèo, là bộ đội và những người dấn thân đi cứu nạn. Đau thương đang chồng chất lên đau thương.

Không nghi ngờ gì nữa, mức độ trầm trọng của lũ lụt ngày càng gia tăng là do rừng bị phá để lấy gỗ, để làm thủy điện và để chiếm giữ phục vụ cho lợi ích thiển cận của một bộ phận những kẻ tham lam có thế lực và quan chức. Thiên nhiên đang trả đũa, nhưng trả đũa nhầm vào dân nghèo, vào những người lính và những người lương thiện. Người lương thiện lại bị trừng phạt thay cho bọn bất lương, thiên đạo có công bằng không ? Các vị bồ tát đang ở nơi nào ?

Vì tạo hóa lắm khi nhầm lẫn nên phải sinh ra các vị bồ tát chuyên đi cứu khổ cứu nạn. Các vị thị hiện trong 13 cán bộ, chiến sĩ vì tìm cách cứu dân mà xả thân hy sinh. Các vị thị hiện trong lực lượng cứu hộ cứu nạn đang ngày đêm dầm mưa bão. Các vị thị hiện trong những người thiện lương đang gom góp tiền của, phương tiện mang đến cứu giúp đồng bào mình trong cơn cùng khốn. Nhưng nhất định các vị không bao giờ có mặt ở những nơi xây chùa to đúc Phật lớn, ở những nơi được dựng ra từ hậu quả phá rừng và đồng tiền cướp bóc.

Dân lành chúng ta không chỉ đang phải chống chọi với những kẻ bất lương phi pháp mà khó nhất là phải chống chọi lại những kẻ bất lương hợp pháp. Chúng ta giao tiền (bằng nộp thuế) để ủy thác cho bộ máy nhà nước bảo vệ chúng ta, không những bảo vệ trước giặc ngoại xâm mà còn phải bảo vệ môi trường sống, nhưng bộ máy đó vẫn bị những kẻ bất lương lũng đoạn, một trong những sự lũng đoạn đó là hợp pháp hóa hành động phá rừng.

Những người lương thiện trong bộ máy nhà nước cũng phải chống chọi với bọn bất lương lũng đoạn này để hoàn thành sự ủy thác của người dân, nhưng không phải bao giờ cái thiện cũng thắng được cái ác trong bộ máy nhà nước.

Trong khi chờ đợi bộ máy mà chúng ta ủy thác giữ được những cánh rừng còn sót lại, chúng ta phải tự vệ. Bằng cách nói “không” với các sản phẩm gỗ rừng tự nhiên, lên án mạnh mẽ các cơ quan nhà nước sử dụng gỗ rừng tự nhiên làm trụ sở và các quan chức xài sang bằng gỗ quý, tránh xa những ngôi chùa được dựng lên bằng phá rừng và sư sãi dùng gỗ quý từ phá rừng trang hoàng nơi hành đạo (đến cúng dường tại những ngôi chùa tiếp tay cho phá rừng chỉ chuốc họa chứ không được phước đức gì đâu), lên án mạnh mẽ để nhà nước chấm dứt phê duyệt các dự án làm thủy điện và phá rừng làm du lịch.

Và mỗi người, tùy điều kiện của mình, hãy trồng ít nhất một cây rừng ở những nơi rừng bị phá. Không phải muối bỏ biển đâu, mỗi người không trồng một cái cây thì không bao giờ tái sinh được rừng. Khi nào sự bảo vệ cây cối trở thành nếp sống, trở thành văn hóa, thành yêu thương và căm giận, khi ấy rừng mới có thể tái sinh.

Lưu ý: Đừng tin vào các báo cáo trồng rừng của ngành nông nghiệp. Không ít diện tích gọi là “rừng” trong những báo cáo là biến rừng tự nhiên thành rừng trồng, như keo lá tràm làm giấy, là những thứ hoàn toàn không có tác dụng tái sinh rừng.

HOÀNG HẢI VÂN

Đọc thêm

lên đầu trang