Đà Lạt được biết đến với khí hậu mát mẻ, cảnh quan cũng như kiến trúc khiến nơi đây được mệnh danh là một “Paris thu nhỏ” trên đất nước Việt Nam. Cùng với sự phát triển chung của đất nước đã đặt đô thị này trước nhiều thách thức, nhất là vấn đề quy hoạch đô thị sao cho vẫn giữ được những giá trị đặc thù.
Đây chính là vấn đề luôn được các nhà quản lý và các chuyên gia về quy hoạch – kiến trúc quan tâm.
XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TRÊN CAO NGUYÊN HAY TÀN PHÁ THIÊN NHIÊN
Thành phố Đà Lạt đã được bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra vào năm 1893. Khởi đầu, nơi đây chỉ là một vùng đất hoang sơ, hùng vĩ trên cao nguyên Langbian. Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã trở thành đô thị nghỉ dưỡng nổi tiếng của cả nước với những giá trị đặc thù, như khí hậu mát mẻ, địa hình đồi dốc trập trùng, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và đặc biệt là vốn di sản kiến trúc biệt thự cổ.
Hiện Đà Lạt còn hàng trăm căn biệt thự kiến trúc Pháp độc đáo. Các công trình được xây dựng hài hòa với thiên nhiên, sắp đặt khéo léo theo các dạng địa hình để tạo nên một đô thị có dáng vẻ độc nhất.
Thế nhưng quá trình đô thị hóa đã khiến Đà Lạt phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Thời gian qua, một số biệt thự được giao cho các nhà đầu tư khai thác nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều biệt thự xuống cấp, kinh phí để cải tạo, bảo tồn còn hạn chế, đã làm giá trị kiến trúc giảm dần qua thời gian.
Bên cạnh đó, việc hình thành các công trình có kiến trúc mới, mật độ xây dựng tăng, cây xanh giảm, xây dựng các công trình xen kẽ trong các khu biệt thự… đã làm cho cảnh quan thơ mộng, hài hòa trước đây bị thay đổi.
Ngoài ra, sự gia tăng dân số tại các khu vực dân cư và các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch khiến khu vực trung tâm Đà Lạt bị xây dựng dày đặc. Từ một thành phố có chức năng nghỉ dưỡng, tĩnh lặng và lãng mạn theo kiểu châu Âu đang biến đổi thành một thành phố nhộn nhịp.
Yếu tố bản sắc có nguy cơ bị mất dần từ các dự án đầu tư xây dựng của cả tư nhân và nhà nước. Một số công trình đồ sộ tạo điểm nhấn quá lộ liễu, không đúng với kiến trúc đặc trưng của Đà Lạt.
Hiện tại, việc quy hoạch đô thị ở Đà Lạt chưa quy định rõ cách ứng xử với nhà cao tầng trong khu lõi trung tâm. Mức khống chế tầng cao tối đa vẫn được nói chung chung là từ 3 đến 5 tầng, nhưng trong thực tế hoàn toàn không nên cấp phép cho nhà cao tầng. Những công trình điểm nhấn cũng chỉ cần cao đến 9 tầng là đủ, do cộng hưởng chiều cao từ địa thế đồi núi.
ĐÔ THỊ XANH – BẢO TỒN TÀI SẢN VỐN CÓ CỦA ĐÀ LẠT
Một bài viết trên Báo Sài Gòn Giải Phóng (đăng ngày 30/12/2017), Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Đà Lạt cần bảo tồn các giá trị cốt lõi, nổi bật của mình, đó là khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng; phong cách người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách; di sản kiến trúc Pháp độc đáo. Phải coi các giá trị đặc thù này là tài sản, tài nguyên vô giá của Đà Lạt. Nếu mất đi một trong những giá trị trên thì hình ảnh, thương hiệu Đà Lạt sẽ không còn.
Như vậy, quy hoạch đô thị nơi đây không nên tập trung vào những công trình nhà cao tầng, mà nên quy hoạch theo hướng không gian xanh. Tức là không định hướng phát triển theo chiều cao, mà theo chiều ngang, trong mối liên kết với thiên nhiên.
Để thực hiện cần có những chính sách khuyến khích xây vườn trên mái nhà trồng hoa màu, rau xanh… Ngoài ra, nên giảm mật độ xây dựng ở khu vực trung tâm và khuyến khích những công trình kiến trúc phù hợp với tiêu chí đô thị du lịch xanh và kiến trúc bền vững.
Mô hình “Làng đô thị xanh” (Green Village) nằm trong đồ án quy hoạch chung phát triển thành phố Đà Lạt và các vùng lân cận đến 2030 tầm nhìn 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong tương lai, nếu Đà Lạt thành công thì đây sẽ là mô hình “Làng đô thị xanh” đầu tiên trên thế giới.
Nhìn chung, các hoạt động xây dựng và quy hoạch ở Đà Lạt cần lồng ghép với công cuộc bảo vệ môi trường, cũng như tài nguyên rừng, đồi núi, hồ, suối và bảo tồn quỹ di sản kiến trúc đô thị. Điều này đòi hỏi chúng ta phải chung sống và ứng xử hòa đồng với không gian thiên nhiên.
Ngoài ra, cần bảo tồn và nhân rộng không gian xanh trong thành phố. Và nhất là quá trình di dân ồ ạt lên phía Bắc để tránh ảnh hưởng đến cảnh quan toàn thành phố.
ANH DƯƠNG (tổng hợp)