Rác thải nhựa tăng chóng mặt sau đại dịch – Cần lắm những giải pháp căn cơ để giảm thiểu lượng rác thải

09/12/2020 09:24

(150)


Lượng rác thải nhựa đang tồn đọng trong môi trường

Theo Tổ chức Liên Hiệp Quốc (FAO) ở Việt Nam thì Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương mỗi năm.

Lượng chất thải nhựa ở Việt Nam ở mức rất cao, chiếm khoảng 8%-12% trong chất thải rắn sinh hoạt và số lượng tăng dần theo từng năm, gây “gánh nặng” cho môi trường…

Hiện nay, tại TP.HCM lượng rác thải nhựa đang tồn tại trong môi trường khoảng 73 triệu tấn, tuy nhiên qua đợt đại dịch COVID-19 đã tăng thêm khoảng 25%. Phải nhìn nhận rằng sử dụng các sản phẩm bằng nhựa trong thời điểm dịch bệnh rất tiện lợi nhưng hậu quả là cực kỳ nghiêm trọng. Với gần 90 triệu tấn rác thải nhựa đang tồn tại, để giải bài toán này rất nan giải.

Trong khi đó, lĩnh vực xử lý và tái chế nhựa ở Việt Nam chưa phát triển, nên đa số rác thải được chôn lấp, đốt hoặc thải thẳng ra môi trường.

Đơn cử ở thành phố Hồ Chí Minh, trong 250.000 tấn rác thải nhựa thì có 48.000 tấn được đem đi chôn lấp, hơn 200.000 tấn được tái chế hoặc thải thẳng ra môi trường.

Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra ngoài môi trường.

Những con số ở trên cho thấy tình hình rác thải nhựa ở Việt Nam thật đáng báo động, đòi hỏi chúng ta phải chung tay, nâng cao ý thức cá nhân mới có thể cùng nhau bảo vệ môi trường.

Ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với môi trường

Rác thải nhựa rất khó bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân huỷ khác nhau với thời gian rất dài, hàng trăm năm có khi tới hàng nghìn năm. Đơn cử thì: chai nhựa phân hủy sau 450 năm – 1000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 năm – 500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm…

Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,…

Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất.

Các loài động vật khi ăn phải rác thải nhựa có thể chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái.

Rác thải nhựa gây ra tình trạng “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch, ảnh hưởng đến không gian nghỉ ngơi và thư giãn của con người…

Nguyên nhân dẫn đến lượng rác thải nhựa ngày càng nhiều tại TP.HCM

Nguồn gốc phát sinh rác thải nhựa xuất phát từ sự tiện lợi trong tiêu dùng của các sản phẩm nhựa. Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Việt Nam, người dân rất ưa thích sử dụng túi nilon vì tiện lợi và phù hợp thói quen mua bán nhỏ, lẻ. Thói quen lạm dụng đồ nhựa sử dụng 1 lần của người dân đang khiến cho lượng rác thải tăng lên theo cấp số nhân. Điều đáng nói là chỉ một phần nhỏ trong số này được thu gom và tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ khắp nơi. Và biển là một trong những điểm đến cuối cùng của túi nilon.

Nhiều người thường tiện tay vứt rác ở bất kì đâu như trên đường, bờ biển, cống, rãnh,… khiến cho rác thải tràn lan, khó thu gom, xử lý. Đặc biệt, việc xả rác xuống cống rãnh còn gây tắc nghẽn đường ống, làm ngập lụt đường phố… nguyên nhân phần lớn là do ý thức của người dân còn kém.

Phần lớn người dân hiện nay vẫn chưa có ý thức phân loại rác tại nguồn, họ thường vứt rác thải nhựa với các loại rác vô cơ khác,… làm cho quá trình phân loại, xử lý rất khó khăn.

Hệ thống xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam còn lạc hậu, hiệu suất kém: Chính do hạ tầng tiếp nhận và xử lý còn nhỏ lẻ, tự phát đã khiến cho lượng rác thải nhựa được tái chế còn rất thấp.

Chưa có các biện pháp tái chế, xử lý rác thải một cách triệt để. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, mỗi ngày nước ta có khoảng 80.000 tấn rác thải nhựa thải ra môi trường thì chỉ có 20% được đem đi tái chế, còn 80% được xử lý theo kiểu chôn lấp hoặc đốt, có thể để lại hậu quả về sau.

Bên cạnh các lý do trên, còn một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đó là do chính quyền địa phương không thắt chặt việc sử dụng và xử lý rác thải nhựa. Các cơ quan chức năng còn thiếu quan tâm, thờ ơ với việc xử lý chất thải, thiếu hụt hệ thống quản lý chất thải.

Biện pháp căn cơ để giảm rác thải nhựa

Để giảm tác hại rác thải nhựa, cần xác định những mục tiêu cụ thể và buộc phải dựa trên những cơ sở khoa học. Nguồn gốc của nhựa là polymer, để phân hủy được nó thì chúng ta phải có những quy định, chế tài ngay từ nhà sản xuất sản phẩm nhựa, đặc biệt là sản phẩm dùng 1 lần thì buộc phải có phụ gia để sau này nó phân hủy nhanh hơn.

Ngoài ra, sản xuất xanh phải được coi là ưu tiên trong thời gian tới. Những nhà sản xuất phải đưa ra những sản phẩm thân thiện môi trường, dễ tái chế. Cùng với đó người dân cũng ý thức sử dụng những sản phẩm này thì lợi ích mang lại rất lớn.

Nâng cao ý thức của người dân về việc không xả rác, phân loại rác tại nguồn, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển…

Tích cực tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa, phân loại rác trước khi đổ…

Đối với các công ty, doanh nghiệp, nhà hàng,… thì nên chủ động sử dụng cốc giấy, túi giấy, ống hút sinh, túi và găng tay sinh học phân hủy hoàn toàn.

THÚY VY

Đọc thêm

lên đầu trang