Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.
Việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ny lon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khủng khiếp đối với môi trường. Theo Bộ TN&MT, lượng chất thải nhựa hiện vẫn ở mức rất cao. Đây là một “gánh nặng” nghiêm trọng cho môi trường.
Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt là 25 triệu tấn nhưng chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi nylon chiếm khoảng 8%-12%; số lượng rác thải nhựa, túi nylon tăng dần theo từng năm. Điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương.
Rác thải nhựa, trong đó có túi nylon, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật…
Do đó, nếu không có những giải pháp kịp thời thì rác thải nhựa sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như làm tổn hại tới sức khỏe con người.
Những năm gần đây, cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014), các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.
Hiện tại, Bộ TN&MT đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” để tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là các địa phương có biển, để triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường biển.
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhận định, để thực hiện kế hoạch này, ngoài một số giải pháp cơ bản, bộ này đề xuất, phối hợp các địa phương ven biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn ở một số khu kinh tế, khu đô thị, khu công nghiệp và khu chế xuất ven biển
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt.
“Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế”.Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Bộ trưởng TN&MT cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Trong đó, nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nguồn:Lan Anh/ Báo Kinh tế môi trường