Chọn thái độ ứng xử với rác thải nhựa như thế nào?

25/07/2022 03:49

(183)


Ô nhiễm môi trường vì rác thải nhựa hiện đang là một trong những vấn đề đáng báo động, nó làm ảnh hưởng lớn đến sinh học làm biến đổi khí hậu, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho con người.

Do vậy quản lý rác thải nhựa, thực hiện phân loại để đưa vào tái chế là rất cần thiết, nếu không chính con người sẽ phải gánh chịu những hậu quả mà “rác thải nhựa” gây ra.

Rác nhựa nguy hiểm vì khó phân hủy trong tự nhiên

Vấn đề mà cả thế giới lo ngại, nhất là tình trạng rác thải nhựa đại dương đang rất khó xử lý, chính là do rác thải nhựa rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Các nhà khoa học đã công bố nhiều số liệu nghiên cứu cho thấy, những hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày một nhiều hơn, từ những cơn siêu bão, các sông băng dần tan chảy ở hai đầu cực, các đợt nắng nóng kỷ lục và sự xói mòn các vùng đất ven biển và nhiều thảm họa thiên nhiên khác.

Thật bất ngờ, người ta phát hiện vi hạt nhựa có mặt ở các cực trái đất khi băng tan đã phát lộ. Nó bao gồm túi ni long dùng một lần, ngư cụ và các vi hạt nhựa trong quá trình phân hủy đọng lại. Nhiều loại thủy hải sản ở hai cực khi khảo nghiệm trong cơ thể có vi hạt nhựa vì đã lần tưởng túi ni long là thức ăn mà ăn vào. Một số loại túi ni long quá trình phân hủy đã phát sinh các vi hạt nhựa, thấm vào băng hay đất, các con vật ăn uống phải đã đưa vi hạt nhựa vào cơ thể chúng.

Vì sao như thế? Quá trình tìm hiểu lại mới thấy, bao nhựa mất đến 10-100 năm để phân hủy. Còn bàn chải đánh răng thường làm từ nhựa cứng và nylon, mất trên 500 năm để phân hủy. Túi nhựa dày nếu để nằm sâu bên dưới một bãi rác thì nó có thể tồn tại vô thời hạn. Mỗi năm có đến 0,8 tỷ kg rác thải từ điếu thuốc lá được thải ra môi trường.

Nhìn nhận con đường nào để rác thải nhựa trôi ra đại dương và xuất hiện tại hai cực trái đất. Thì ra, mọi người thường nghĩ các loại rác thải sau khi bị vứt đi sẽ vào các nhà máy xử lý rác thải, nhưng thật ra phần các rác thải được chôn xuống đất và nghiêm trọng hơn là đổ ra biển và đại dương. Trong môi trường nước, rác thải nhựa rất khó để phân hủy.

Còn trên đất liền, điều gì thực sự xảy ra với số rác đó và nó sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp môi trường của chúng ta trong bao lâu?

Kết quả nghiên cứu chỉ rõ, loại rác thải để lại hậu quả lâu dài nhất chính là nhựa, vì chúng rất khó phân hủy nhưng lại dễ sản xuất. Loại rác thải này có tuổi thọ cao hơn chúng ta rất nhiều, thậm chí gấp 10 lần chúng ta. Một ví dụ điển hình là chai nhựa đựng nước bạn uống hằng ngày chẳng hạnchúng có thể tồn tại lên đến 10 thế kỷ. Và khi chúng bị phân rã không có nghĩa là đã bị loại trừ hoàn toàn, chỉ là từ một mảnh lớn bây giờ chúng tách thành những mảnh nhỏ xíu và tiếp tục phá hủy đại dương từng ngày một.

Hành động hôm nay thay đổi ngày mai

Túi nilon, chai nhựa, hộp đựng đồ ăn, cốc nhựa…cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người trên toàn thế giới.

Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Hiện nay mọi người đang bị phụ thuộc vào sự tiện lợi của những sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon, chai nhựa,… từ đó càng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường,

Thế nhưng, vì sao người dân lại phụ thuộc vào sự tiện lợi của những sản phẩm nhựa. Cơ bản vì giá thành sản xuất các loại vật dụng từ nhựa rất rẻ. Nhựa lại là các loại bao bì chắc chắn, nhẹ, dễ để bảo quản hàng hóa – đặc biệt là hàng thực phẩm tươi… so với những loại bao bì khác, vì thế vẫn luôn được ưa chuộng trong nền kinh tế.

Đã vậy, nhựa dễ dàng tái chế nếu được thu gom và phân loại cẩn thận. Tất nhiên, để tái chế thì chi phí cao hơn so với dùng hạt nhựa nguyên sinh, thế nhưng so với các loại bao bì khác không chỉ nặng và cồng kềnh mà qui trình sản xuất ra các loại bao bì ấy cũng gây tác động đến môi trường, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Chẳng hạn, để làm bao bì giấy thì phải chặt cây phá rừng, công nghệ nấu tẩy sẽ xả thải ra nhiều dịch ô nhiễm mà để xử lý cũng tốn nhiều năng lược và phát thải khí carbon và mê tan, nguyên nhân gây biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, để cải thiện môi trường sống ngày càng trở nên tốt hơn mỗi người người dân hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Theo đó, cần thay đổi thói quen như hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và tái sử dụng chất thải (tái chế); lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường; tập thói quen sử dụng tài nguyên và năng lượng một cách hợp lí và tiết kiệm…

Một nhãn hàng đang thu gom vỏ hộp sản phẩm để đưa vào tái chế thành hạt nhựa 

Tuy nhiên, theo chúng tôi thì người dân cần ý thức ngay từ ban đầu thực hiện phân loại rác tại nguồn để đưa các loại thải vào tái chế, con đường thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, vừa bảo vệ môi trường vừa bảo vệ nguồn tài nguyên nguyên sinh đang bị khai thác cạn kiện của trái đất. Thái độ đúng khi ứng xử đó là không coi rác là rác mà coi rác là một nguồn tài nguyên quan trọng.

TRẦN THỊ THẢO THƯƠNG 

 

Đọc thêm

lên đầu trang