Các thành viên quốc hội Indonesia đã quyết định trì hoãn xác nhận kế hoạch của chính phủ về việc đánh thuế túi nhựa, trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính nước này cho biết bà rất lạc quan về việc thuế túi nhựa sẽ được áp dụng trong năm nay.
“Sở hữu 17.000 hòn đảo tạo ra 9,85 tỷ túi nhựa mỗi năm, Indonesia trở thành nước đóng góp lớn thứ hai trên thế giới về chất gây ô nhiễm nhựa ở các đại dương”, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati nói với các thành viên quốc hội.
Bà đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt bắt đầu từ 30.000 rupiah (tương đương 2,12 USD) cho mỗi kg nhựa, hoặc 200 rupiah mỗi túi. Bà hy vọng biện pháp này sẽ cắt giảm số lượng túi nhựa mà Indonesia sử dụng và chất thải trên cả nước.
“Tôi rất lạc quan về việc thuế sẽ được thông qua trong năm nay”, bà Indrawati nhấn mạnh.
Các ý kiến đưa ra tuân theo quyết định của ủy ban tài chính của Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian hơn để cân nhắc về vấn đề này sau một phiên điều trần, nơi Bộ trưởng Tài chính Indonesia gặp phải sự kháng cự từ cả liên minh cầm quyền và phe đối lập.
“Tại sao là nhựa? Thật không công bằng nếu chỉ đề cập đến nhựa. Nhiều thứ khác cũng phá hủy môi trường, chẳng hạn như cao su”, Misbakhun, một nghị sĩ liên minh cầm quyền phát biểu.
Lần đầu tiên được Chính phủ công bố vào năm 2016, kế hoạch về áp dụng thuế túi nhựa đã bị trì hoãn nhiều lần do gặp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất nhựa. Kể từ đó, hội đồng chưa công khai rõ về thời điểm ban hành quyết định.
Đại diện một nhóm các nhà sản xuất nhựa ở Indonesia cho rằng kế hoạch thuế tiêu thụ đặc biệt được trình lên quốc hội sẽ gây tổn hại cho ngành công nghiệp, và sự hỗ trợ của chính phủ cho các nỗ lực tái chế chất thải sẽ là biện pháp thay thế tốt hơn.
“Để xóa bỏ hoàn toàn chất thải, tái chế sẽ hiệu quả hơn, sẽ không còn chất thải nữa”, ông Budi Susanto Sadiman, Phó Chủ tịch hiệp hội sản xuất nhựa Inaplas nói với Reuters.
Theo ông Sadiman, một khoản thuế tiêu thụ đặc biệt đối với túi nhựa là không có tác dụng, tiền thuế sẽ tăng chi phí cho các nhà sản xuất trong khi không cắt giảm tiêu thụ túi nhựa.
“Hầu hết rác thải nhựa đại dương ở Indonesia đang tồn tại là do sự quản lý chất thải trên đất liền, thường chảy vào các bãi rác hoặc sông”, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết vào đầu tuần này.
WB đã ủng hộ kế hoạch thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời đề nghị Jakarta, Thủ đô của Indonesia đầu tư nhiều hơn vào quản lý chất thải rắn và xử lý nước để ngăn dòng chảy vào đại dương.
Tổng hợp từ Reuters