Trang Science Alert đưa tin các chuyên gia của Trung tâm khoa học Hải dương và Môi trường Bồ Đào Nha (MARE) đã phát hiện các tảng đá ngoài bờ biển nước này được bọc một lớp nhựa nhỏ bên ngoài.
Họ đặt tên cho hiện tượng này là “vỏ nhựa” – plasticrust (ghép từ plastic và crust). Khu vực nhóm nghiên cứu phát hiện plasticrust là hòn đảo du lịch Madeira nổi tiếng.
“Lớp vỏ này hình thành do sự va chạm giữa các mảnh nhựa lớn với bờ đá. Nó khiến mảnh nhựa vỡ ra, bám vào đá giống như cách rêu, tảo và địa y vẫn thường làm”, chuyên gia sinh thái biển Ignacio Gestoso cho biết.
Hiện tượng plasticrust cho thấy lượng nhựa chúng ta thải ra tự nhiên đang rất lớn. Điều này thật sự đe dọa đến các sinh vật khác. Theo các chuyên gia từ MARE, đã có bằng chứng về việc những loài như hàu, ốc… vốn bám trên đá biển để ăn tảo thì nay cũng ăn thêm nhựa.
Theo nghiên cứu mới đây của MARE, những vết vỏ nhựa này chủ yếu được cấu thành từ polyethylene (PE) – thành phần chính trong các túi nhựa và vỏ bọc thực phẩm ngày nay. Hiện nhựa PE đã bọc lấy 10% số đá trên đảo Madeira.
Theo chuyên gia Gestoso, chúng ta cần những nghiên cứu sâu hơn để kết luận về ảnh hưởng nghiêm trọng của plasticrust lên đời sống. Tuy nhiên vào thời điểm này, ông và giới khoa học muốn kêu gọi dư luận chú ý đến vấn đề rác thải nhựa đã và đang tàn phá nghiêm trọng thiên nhiên.
Đây cũng không phải lần đầu tiên hiện tượng nhựa “hòa quyện” với đá tự nhiên được phát hiện. Năm 2014, các nhà khoa học tìm ra một loại “đá” mới được làm hoàn toàn từ nhựa nóng chảy và rác hữu cơ, có tên plastiglomerate, trên đảo Hawaii.
“Là một nhà sinh thái biển, tôi muốn tìm ra những thứ khác thay vì phải công bố một hiện tượng đáng buồn như vậy” – ông Gestoso chia sẻ.
Theo Báo Thanh Niên