Nhận diện nền kinh tế tuần hoàn

04/09/2020 11:23

(274)


Kinh tế toàn cầu tăng trưởng vượt bậc với những thành tựu to lớn nhưng cũng đã đánh đổi bằng sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được cổ súy phát triển nhằm khắc phục hệ lụy này, và các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang hướng đến nó nhằm giải quyết bài toán nghịch lý giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Khái niệm đơn giản

Câu chữ “kinh tế tuần hoàn” này hiện nay đang là đề tài thời sự và thịnh hành trên mọi diễn đàn kinh tế, xã hội, môi trường và được hiểu với nhiều cách khác nhau, nhưng đại loại nó được hiểu nôm na là một nền kinh tế mà không có cái gì được bỏ đi cả nếu còn được dùng cho một việc khác.

Còn nếu hiểu hình tượng hơn thì kinh tế tuần hoàn là một vòng xoáy ốc ngày càng mở rộng của nền kinh tế xã hội theo kiểu khôi phục và tái tạo các vật chất ở cuối mỗi vòng khai thác, sản xuất, phân phối và tiêu dùng, giữ cho vật chất có thể được sử dụng lâu nhất. Như vậy, nền kinh tế tuần hoàn không giống như kinh tế tuyến tính lâu nay, nó được xem như con đường một chiều chỉ có một đi không trở lại, mà vật chất hàng hóa chỉ ra đời rồi biến mất…

Thực ra, “kinh tế tuần hoàn” không phải là một khái niệm mới mà đã là cũ rích từ khi có xã hội loài người và nền sản xuất, khi con người luôn cố gắng xài đi xài lại thứ đã hư cũ hay vô dụng. Đến thế kỷ 18, người ta mới có khái niệm đầu tiên – chỉ khác là không được định danh bằng tên gọi mang tính học thuật như bây giờ.

Có thể thấy hoạt động của các nhà dịch vụ ve chai đồng nát, thu gom phế liệu công – nông nghiệp, hoặc hốt thức ăn thừa về chăn nuôi… đã là những thành viên tiên phong tích cực của nền kinh tế tuần hoàn này từ lâu về mặt hình thức. Thậm chí nó còn ghê gớm đến mức mà có nhà kinh tế học đã ví nó như một hệ thống bắt buộc để duy trì sự tồn tại bền vững của con người trên Trái đất.Thực ra, “kinh tế tuần hoàn” không phải là một khái niệm mới mà đã là cũ rích từ khi có xã hội loài người và nền sản xuất, khi con người luôn cố gắng xài đi xài lại thứ đã hư cũ hay vô dụng. Đến thế kỷ 18, người ta mới có khái niệm đầu tiên – chỉ khác là không được định danh bằng tên gọi mang tính học thuật như bây giờ.

Nói chung kinh tế tuần hoàn không phải là một hệ thống kinh tế với các cấu thành đầy đủ mà là một mô thức vận hành để bảo đảm sự phát triển bền vững, hợp lý, có mối tương tác hoàn hảo hơn giữa các thành phần kinh tế và giữa sản xuất với tiêu dùng.

Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc UNIDO cũng cho một khái niệm về nền kinh tế tuần hoàn là phương thức hoạt động để tạo ra giá trị bằng cách kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua việc cải tiến thiết kế và bảo dưỡng, chuyển phế phẩm và chất thải từ điểm cuối chuỗi cung ứng trở lại điểm đầu. Qua hoạt động này sẽ cho phép sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn bằng cách sử dụng nhiều lần.

Thực tế hiện nay, Nền kinh tế tuyến tính đã và đang gây ra những áp lực về suy giảm tài nguyên và gia tăng lượng thải gây ô nhiễm môi trường làm thiệt hại lớn các lĩnh vực kinh tế – xã hội và cuộc sống, tiến đến suy giảm trầm trọng sự đa dạng sinh học, gia tăng phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu, đang đưa hành tinh đến diệt vong nhanh hơn.

Hành trình tốn kém của nền kinh tế tuyến tính

Hoạt động kinh tế Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới trước nay chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống của kinh tế tuyến tính, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển bền vững trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia phát triển. Chuyển đổi sang “kinh tế tuần hoàn” là hướng đi thích hợp, nhưng sự chuyển đổi này cần tận dụng những cơ hội và đương đầu những thách thức còn đang đan xen đầy rẫy trước mắt, và đối với Việt Nam ta, điều này thực sự là không dễ dàng.

Nền kinh tế này là thủ phạm làm ô nhiễm môi trường với đủ mọi thứ chất thải rắn, khí, lỏng chưa hề được xử lý (thậm chí các doanh nghiệp không thiết, không cần phải xử lý tốn kém thêm) bị tống ra môi trường với liều lượng, tốc độ ngày càng lớn, làm suy thoái nghiêm trọng mọi hệ sinh thái. Cũng chính việc cổ vũ cho chủ nghĩa tiêu dùng như thế đã hình thành thói quen khó bỏ trong ý thức và hành vi tiêu dùng là “xài xong thì vất đi cho tiện”, như đã từng kích thích máu tiêu xài thỏa thích trên những sản phẩm tiêu dùng in nhãn “disposable” (có thể vất bỏ) tiện dụng thịnh hành một thời.

Cần nhìn nhận bản chất của nền kinh tế tuyến tính với yếu tố chủ lực “phần hồn” là văn hóa tiêu dùng luôn được nâng cấp, cập nhật bởi thói quen dư dật, xa xỉ hay bị lôi kéo bởi những chương trình khuyến mãi – kích cầu không nghỉ. Trong xu hướng này, đôi khi – theo nhà cung cấp nói – là “khoa học” hơn là để bảo đảm hiệu suất tối ưu sản phẩm, tính đồng bộ hệ thống, nên cần thay thế bằng thứ khác mới, tốt, đẹp hơn làm người tiêu dùng cứ nhắm mắt mua sắm nhiều lúc vượt qua cả nhu cầu thực tế.

Nền kinh tế tuyến tính vận hành như một dòng chảy xuôi một chiều duy nhất, dùng đủ nguồn năng lượng, thiết bị máy móc và nhân lực để biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành các vật liệu và sản phẩm. Tiếp theo, thông qua chuỗi cung ứng bán ra thị trường, cùng một loạt những bước chiêu thức tạo thêm giá trị gia tăng, theo xu hướng bán được càng nhiều, giá càng cao càng tốt, càng có lợi… dẫn tới sự hoang phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên, trong khi các thị trường thường đã bão hòa.

Ở nền kinh tế này, việc tạo thị hiếu tiêu dùng “đẳng cấp”, thoải mái, đua đòi, vô trách nhiệm để nâng cao mãi lực, chỉ cốt tạo ra xu hướng tiêu thụ, cứ mãi nâng cấp, thay đổi xoành xoạch, chuyển đổi độ đồng bộ liên tục để tiêu thụ hàng hóa ồ ạt hơn, càng thải bỏ nhanh và nhiều càng tốt. Người tiêu dùng luôn cảm thấy càng có cơ hội nhận hàng mới giá khuyến mãi thì mình sẽ là người tiêu dùng thông minh và cứ nghĩ thế mới là làm đẹp, làm tốt cho mình và cuộc sống.

Có thể nói, mục tiêu của nền kinh tế tuyến tính là vô tình hay chủ ý tạo ra chất thải hàng tiêu dùng lớn dần theo nhịp điệu kinh tế, do vậy tăng trưởng không bền vững, vô trách nhiệm, tàn phá đến kiệt quệ tài nguyên và năng lượng, đồng thời gây ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng cho môi trường. Vì sự tồn vong của nhân loại, sớm muộn gì một kiểu vận hành tai ương như thế cũng sẽ bị hạn chế, thay thế. Ngày đó đã dường như sắp tới, với những cảnh báo dần rõ nét của những vấn nạn về tài nguyên và môi trường, dịch cúm Covid – 19 đang hoành hành trên thế giới, đòi hỏi cần phải có một chương trình phát triển kinh tế bền vững. Điều này không thể chậm trễ hơn.

LÊ HÙNG (còn tiếp) 

Đọc thêm

lên đầu trang