Nước thải nhà máy sắn sau khi qua 2 hầm biogas được đưa qua 2 hồ sinh học và chảy ra môi trường theo mương dẫn không qua hệ thống xử lý hóa lý mà nhà máy đã xây dựng.
Ngày 24/9, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết cơ quan bảo vệ môi trường của địa phương đã phối hợp với cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước quan trắc tại khu vực đầu ra nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên – Huế nằm ở xã Phong An, huyện Phong Điền. Hiện địa phương này đã yêu cầu nhà máy chấm dứt việc xả thải từ hồ sinh học số 2 ra môi trường và phải xử lý nước thải tại hệ thống xử lý hóa lý trước khi xả thải trong khi chờ kết quả phân tích mẫu nước.
Trước đó, vào ngày 17/9, cơ quan chức năng đã lấy 2 mẫu nước thải tại khu vực hồ sinh học số 2 của nhà máy và tại khu vực Bàu Sen xã Phong An để đưa đi quan trắc. Tại thời điểm kiểm tra, lưu lượng nước thải tại hồ sinh học số 2 khoảng 86,4m3/ngày đêm. Nước thải sau khi qua 2 hầm biogas được đưa qua 2 hồ sinh học và chảy ra môi trường theo mương dẫn không qua hệ thống xử lý hóa lý mà nhà máy đã xây dựng. Tại mương dẫn có lót đáy bằng bạt, nước thải bị chặn lại bằng bao cát và không chảy về khu vực khe Mây theo đề án bảo vệ môi trường chi tiết của nhà máy đã được các cơ quan chức năng phê duyệt.
Trong thời gian gần đây, Phòng TN-MT huyện Phong Điền nhận được phản ánh của người dân về việc xả nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên – Huế ra môi trường gây ô nhiễm, xuất hiện tình trạng cá tự nhiên bị chết.
Năm 2013, nhà máy này đã bị tỉnh Thừa Thiên – Huế xử phạt 260 triệu đồng do không thực hiện việc giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh theo quy định, không xây lắp công trình xử lý môi trường (hầm chôn lấp chất thải rắn: vỏ lụa sắn lẫn đất, cát); xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.
Theo NLO