Trên thế giới, công tác thoát nước và xử lý nước thải rất được chú trọng, chúng ta cùng rà soát một số kinh nghiệm:
Australia: Hệ thống thông minh
Tại quốc gia này, hệ thống thoát nước thông minh xử lý hơn 320 tỷ lít nước thải mỗi năm, đủ chứa đầy 128 nghìn hồ bơi tiêu chuẩn Olympic. Nước thải từ phòng tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp và phòng giặt chảy vào hệ thống thoát nước thông qua một mạng lưới các đường ống ngầm.
Tại Melbourne, nước thải từ các DN sản xuất được gọi là chất thải thương mại. Các DN cần sự cho phép của các nhà bán lẻ nước để xả chất thải thương mại và hệ thống thoát nước chứa nhiều chất ô nhiễm hơn so với rác sinh hoạt. Nước thải thương mại có thể chứa hóa chất, kim loại, chất tẩy rửa có thể làm tăng nguy cơ tổn hại đến môi trường và tăng chi phí xử lý. Chính điều này cũng góp phần làm giảm yếu tố ách tắc trong ngập lụt đô thị mà nhiều quốc gia cần học hỏi.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Kwinana ở Úc đã lắp đặt một hệ thống lọc rác rất đơn giản và hiệu quả tại khu bảo tồn Henley. Hệ thống này bao gồm một lưới lọc bọc vào đầu ra của một đường ống thoát nước để giúp chặn những mảnh rác lớn và bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm. Các đường ống này xuất phát từ các khu dân cư đổ ra các khu vực thiên nhiên và rác thải từ những khu vực này có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi đi vào hệ thống thoát nước của thành phố.
Singapore: Hệ thống thoát nước vừa là giải trí
Singapore tiên phong toàn cầu trong công nghệ xử lý nước và đã thiết lập hẳn một đơn vị quản lý nước từ năm 1972 với tên gọi là Cục Quản lý nước Singapore (PUB). Hệ thống kênh đào với hơn 40 con kênh và rãnh thoát nước có chiều dài tổng cộng 1.000 km cùng với mạng lưới cống dài 8.000 km đã giúp Singapore xử lý được tình trạng ngập lụt do triều cường và trời mưa lớn trong những năm qua.
Năm 1951, ủy ban chống lụt mới được thành lập. Lịch sử đã ghi nhận những đợt ngập lụt lớn ở Singapore trong thập niên 1950, 1960 và nhà chức trách đã tiến hành các dự án chống lụt ở các vùng ở trung tâm, Đông Bắc và Tây Nam và mở rộng mạng lưới thoát nước. Tính từ năm 1973, Chính phủ đã bỏ ra khoảng 2 tỷ USD để xây dựng hệ thống kênh và cống thoát nước.
Hiện nay, diện tích có nguy cơ ngập lụt ở Singapore đã giảm từ 3.200 ha trong những năm 70 xuống còn 56 ha. Tuy một số nơi ở Singapore thỉnh thoảng vẫn bị ngập khi mưa to kéo dài, nhưng thường không ngập lâu.
Điều thú vị là bên cạnh nhiệm vụ làm nguồn dự trữ chiến lược và là một phần cho giải pháp chống ngập lụt, những con kênh lại có thêm một chức năng mới là trở thành những dòng suối, sông hồ phục vụ nhu cầu thư giãn, giải trí và hòa mình với thiên nhiên của người dân.
Singapore có hệ thống thoát nước mưa tách biệt với hệ thống cống nước thải, với 7.000 km đường cống trên đường và khoảng 1.000 km các kênh rãnh thoát nước chính. Hệ thống này đã giúp giảm diện tích khu vực dễ bị ngập từ 3.200 ha hồi thập niên 1970 còn khoảng 40 ha như hiện nay, bất chấp việc đô thị hóa phát triển.
Nhật Bản: Hệ thống ngầm khổng lồ
Nhật Bản đã xây dựng một hệ thống thoát nước ngầm khổng lồ tại ngoại ô thủ đô Tokyo. Hệ thống này là công trình thoát nước ngầm lớn nhất thế giới và phải mất tới 17 năm để hoàn thành.
Hệ thống gồm 5 trục hình trụ lớn, cao khoảng 70 m, đường kính khoảng 30 m, đủ rộng để chứa một tàu con thoi. Tất cả các trục này được nối thông với nhau bằng một đường hầm có thiết kế cong, đường kính 10 m, dài 6,3 km. Ở cuối hệ thống, nước sẽ được trữ trong một bể kiểm soát áp lực khổng lồ. Bể này có chức năng giảm áp lực của nước chảy, cũng như kiểm soát dòng nước trong trường hợp chẳng may có một máy bơm bị vỡ. Bể chứa rộng hơn một sân bóng đá với chiều dài 177 m, rộng 78 m và cao khoảng 22 m dưới lòng đất. Theo thông số thiết kế, hệ thống có khả năng xả 200 m3 nước/giây ra sông Edo, tương đương lượng nước đầy trong một bể bơi chuẩn 25 m.
Mỹ: Hệ thống tiên tiến nhất nhì thế giới
Năm đầu tiên của thế kỷ XX, nhiều thành phố đã lựa chọn xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải riêng biệt. Hệ thống thoát nước hết sức tiên tiến kết hợp tràn và hệ thống vệ sinh ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ở nhiều nơi ở Mỹ.
Cơ sở hạ tầng thoát nước của Mỹ bao gồm 1,2 triệu dặm đường cống (cả hệ thống thoát nước và cống rãnh kết hợp). Trạm bơm nước thải và 16.024 nhà máy xử lý nước thải thuộc sở hữu công. Ngoài ra, ít nhất 17% người Mỹ có hệ thống vệ sinh tại chỗ như bể tự hoại. Nhà máy xử lý nước thải phục vụ 189,7 triệu người và xử lý 32,1 tỷ gallon mỗi ngày. Có 9.388 cơ sở xử lý thứ cấp và 4.428 cơ sở xử lý nước tiên tiến.
Theo Báo Xây Dựng