Hội thảo tham vấn dự thảo “Chiến lược bảo vệ Môi trường quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040”

14/07/2020 05:53

(102)


Sáng ngày 14/7/2020, tại khách sạn Place (Quận 1, TP.HCM), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM đã tham dự sự kiện do Viện Chiến lược – Chính sách Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tổ chức buổi hội thảo tham vấn về “Chiến lược bảo vệ Môi trường quốc gia đến năm 2030 – tầm nhìn 2040”, với sự tham gia của nhiều đại diện ngành Tài nguyên – Môi trường các tỉnh thành phía Nam, các cơ quan chuyên môn, các viện – tổ chức nghiên cứu môi trường.

Viện trưởng Viện Chiến lược – Chính sách Tài nguyên và Môi trường Việt Nam – ông Nguyễn Thế Chinh, đã chủ trì hội nghị. Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng trình bày nội dung dự thảo trước hội nghị. Tham dự Hội thảo còn có ông Tạ Anh Tuấn, đại diện của nhà tài trợ chương trình đến từ Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên hoang dã Thế giới (WWF).

Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh báo cáo khái quát về tình hình môi trường Việt Nam và những vấn nạn về ô nhiễm, biến đổi khí hậu, xâm phạm tài nguyên và giới thiệu sơ qua về bối cảnh ra đời của bản dự thảo đang được trình bày xin ý kiến đóng góp từ mọi người.

Tiếp theo, Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng thuyết trình bản báo cáo dự thảo với sơ lược về kết quả thực hiện các mục tiêu đề ra trong chiến lược bảo vệ môi trường đến 2020 trước đây. Đồng thời, ông Nguyễn Trung Thắng cũng nêu rõ định hướng chiến lược cùng các mục tiêu cụ thể để bảo vệ tài nguyên – môi trường Việt Nam trong giai đoạn từ 2020 này đến 2030 cộng tầm nhìn dự kiến phát triển đến 2040.

Báo cáo này cho biết trong giai đoạn qua, việc thực hiện chiến lược môi trường trước đây vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Thực tế là tình hình môi trường Việt Nam đang xấu đi vì ô nhiễm rác thải, không khí, khô hạn, lũ lụt, biến đổi khí hậu, rác nhựa đại dương, ẩn họa sinh thái…

Báo cáo cũng đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến thực trạng trên và phác thảo quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của bản dự thảo chiến lược. Trong đó xác định: (1) phải bảo đảm ngăn chặn tình trạng xả thải gây ô nhiễm, chủ động ứng phó được các sự cố môi trường; (2) giải quyết cấp bách – cơ bản những vấn đề môi trường trọng điểm, hệ thống quan trắc, quản lý, việc tái chế thu gom chất thải rắn và xử lý nước thải; (3) tăng cường hoạt động bảo vệ sự đa dạng sinh học; (4) ứng phó biến đổi khí hậu và giảm phát thải…

Về cơ bản, các chương trình hoạt động tới đây phải theo hướng kiểm soát xử lý tốt các nguồn ô nhiễm, đẩy mạnh tăng trưởng xanh thân thiện môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.

Tại hội thảo đã có đến 12 ý kiến tham luận của cử tọa xoay quanh vào những vấn đề bất cập của cơ chế quản lý, báo cáo thiếu nhạy bén và trách nhiệm; về tính đồng bộ chính xác của nguồn dữ liệu nghiên cứu, quan trắc môi trường; về thiếu sót của dự thảo không nói nhiều đến khô hạn, xâm nhập mặn Tây Nam bộ; điểm nhấn cần thiết về mục tiêu và nguồn lực ưu tiên mà dự thảo nên có; về vai trò của tài nguyên nước và hệ sinh thái…

Thậm chí, đã có ý kiến đòi nâng cao “quan trí” trước khi nâng “dân trí’ cho ý thức về bảo vệ môi sinh và không xâm hại tài nguyên thiên nhiên…

Đa số các ý kiến đều tán đồng nội dung dự thảo đã dược chuẩn bị công phu, bài bản và đúng đắn. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM có đóng góp 2 ý kiến: (i) về vai trò trung tâm của Con người và Tài nguyên như một động lực chủ yếu của những vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường lại chưa được quan tâm đầy đủ trong chiến lược. (ii) mối quan ngại khi thực tế cho thấy chủ trương “không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế” vẫn chưa được thể hiện rõ rệt.

Không khí hội thảo nghiêm túc nhưng thoải mái, diễn giả và cử tọa đóng góp sôi nổi, cầu thị trong không gian hội nghị được tổ chức chuyên nghiệp và chỉn chu cùng sự tiếp đón mến khách của Viện. Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh cũng đã giải đáp các ý kiến và tổng hợp tình hình tham khảo góp ý để hoàn thiện dự thảo Chiến lược Bảo vệ Môi trường Quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040.

LÊ HÙNG

Đọc thêm

lên đầu trang