Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, một trong những điểm mới trong luật Bảo vệ môi trường sửa đổi là thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng, chứ không tính theo bình quân đầu người hay hộ gia đình như trước.
Thảo luận tổ tại phiên họp Quốc hội sáng nay, 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà dành khá nhiều thời gian để giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự thảo luật Bảo vệ môi trường vừa trình Quốc hội tại kỳ họp 9 lần này.
Theo ông Hà, liên quan tới chất thải sinh hoạt, nghiên cứu của Việt Nam cho thấy, 40% là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu có thể tái chế. Do đó, trong luật trình Quốc hội lần này đã quan niệm chất thải rắn sinh hoạt không phải là bỏ đi mà là một dạng tài nguyên.
Để sử dụng loại tài nguyên, theo ông Hà, có 2 yếu tố tiên quyết là việc phân loại rác từ đầu nguồn và công nghệ xử lý rác không chôn lấp. Tức là từ khâu phân loại thu gom của người dân cho tới khâu xử lý cuối cùng phải đồng bộ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, dự thảo luật cũng xác định không thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân theo bình quân mấy ngàn đồng một hộ nữa mà thu theo khối lượng, theo kilogam. “Tức là thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn”, ông Hà nói.
Ông Hà cũng giải thích, trước mắt và hiện tại, người dân chỉ phải chịu một phần kinh phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nhà nước sẽ chi trả phần chính. Tuy nhiên, khi đời sống người dân tăng lên, sẽ điều chỉnh dần dần để người dân trả cả chi phí này.
Cũng theo ông Hà, dự thảo luật cũng đã đưa ra các quy định bắt buộc nhằm thúc đẩy việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn, như yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải mua túi, bao bì, thiết bị chứa đối với chất thải sinh hoạt và quy định các tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển có quyền từ chối việc thu gom, vận chuyển đối với các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt.
Theo dự thảo luật trình ra Quốc hội, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 4 loại: chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.
Hộ gia đình, cá nhân có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, đồng thời có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Các loại chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại đúng quy định được miễn nộp kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân ở các đô thị được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa chất thải, và phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.
Theo Thanh Niên