Kiến trúc xanh tại Việt Nam – Lợi ích và thách thức

02/01/2018 05:43

(778)


Kiến trúc xanh đã và đang trở thành một xu hướng tại nhiều nước trên thế giới về thiết kế xây dựng. Đây cũng được xem là giải pháp hiệu quả để đối phó với các vấn đề môi trường, giúp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.

Hiện nay, trước tình trạng biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng, trào lưu kiến trúc xanh trong các công trình xây dựng đã xuất hiện trên thế giới và nhanh chóng lan sang Việt Nam. Kiến trúc xanh được xem như một mô hình lý tưởng bởi các giải pháp công nghệ vừa hiện đại lại vừa thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề trở ngại cần phải quan tâm và điều chỉnh để có một hướng đi đúng.

TÌM HIỂU VỀ HỆ THỐNG ĐÁNH GIÁ LEED, LOTUS VÀ BCA GREEN MARK

Tại Việt Nam, có 3 hệ thống đánh giá công trình xanh đã được đưa vào sử dụng là LEED, Lotus và BCA Green Mark.

Trong đó, hệ thống LEED được xem là tiêu chuẩn có những yêu cầu khắt khe nhất. Được biết, để một công trình đạt chứng nhận LEED, tổ chức USGBC (US Green Building Council) sẽ xem xét và cho điểm các hạng mục sau là vật liệu, tài nguyên sử dụng phải là vật liệu tái sử dụng, thân thiện môi trường, vật liệu địa phương có nguồn gốc gia công sản xuất; Chất lượng môi trường không khí trong nhà (thông gió, quản lý chất lượng không khí trong công trình, sự thoải mái về nhiệt, ánh sáng ban ngày và tầm nhìn); Thiết kế đổi mới mang tính ứng dụng cao; Giảm tiêu thụ điện năng (khi công trình giảm tiêu thụ năng lượng, khí thải nhà kính cũng được giảm theo, tác động mạnh đến việc bảo vệ môi trường); Sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm; Kết nối giao thông công cộng; Địa điểm bền vững.

Công trình đạt được từ 40 – 49 điểm sẽ đạt được chứng nhận LEED Xanh, 50-59 điểm sẽ đạt chứng nhận LEED Bạc, 60-79 điểm đạt chứng nhận LEED Vàng, trên 80 điểm là chứng nhận LEED Bạch Kim.

Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam vẫn đang sử dụng hệ thống đánh giá Lotus – một hệ thống đánh giá mang tính tự nguyện theo định hướng thị trường do VGBC xây dựng riêng cho môi trường xây dựng của Việt Nam.

Hệ thống đánh giá Lotus cũng có 4 cấp độ là Lotus Xanh (40%), Lotus Bạc (55%), Lotus Vàng (65%) và Lotus Bạch Kim (75%). Lotus được tập trung phát triển phù hợp dựa trên các nguyên tắc chung của các hệ thống đánh giá công trình xanh khác, đánh giá dựa trên các tiêu chí như sử dụng năng lượng và nước hiệu quả, nguyên vật liệu bền vững, giảm chất thải và ô nhiễm, tăng cường sức khỏe và tiện nghi, phát triển cộng đồng.

BCA Green Mark là tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh của Singapore. Muốn đạt được tiêu chuẩn này, các tòa phải đáp ứng được tiêu chí sau: hiệu quả về sử dụng năng lượng, hiệu quả về sử dụng nước, quản lý và phát triển dự án, chất lượng môi trường bên trong các tòa nhà, bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó là tiêu chí mang tính đổi mới trong thiết kế, xây dựng.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO KIẾN TRÚC XANH TẠI VIỆT NAM

Cơ hội

Xét về phương diện kiến trúc tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, thân thiện với môi trường thì kiến trúc truyền thống Việt Nam là một hình mẫu kiến trúc xanh. Trong cách xây dựng, tổ chức ngôi nhà truyền thống, ông cha ta đã đúc kết rất nhiều kinh nghiệm như chọn hướng nhà, bố cục tổ chức không gian khuôn viên đến lựa chọn vật liệu xây dựng, bố trí ao hồ, cây xanh… để ngôi nhà của mình phù hợp với cuộc sống tự nhiên, tạo một cuộc sống thích nghi với tâm sinh lý người Việt. Đó chính là kinh nghiệm xây dựng xanh mặc dù ở một trình độ công nghệ thấp, và sẽ là bài học cho việc phát triển kiến trúc xanh Việt Nam.

Bên cạnh đó, kiến trúc Xanh đã phát triển ở nhiều nước phương Tây và đã đem lại những giá trị tích cực, nước ta có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước phát triển.

Nhà nước đã bước đầu quan tâm tới phát triển kiến trúc xanh bằng việc ban hành một số văn bản pháp quy. Bộ Xây dựng đang tập trung điều chỉnh, xây dựng mới những tiêu chuẩn, quy chuẩn về mặt quy hoạch, đưa dần các tiêu chuẩn xây dựng xanh vào các tòa nhà, các khu đô thị mới.

Thách thức

Việc ứng dụng công nghệ xanh mang lại nhiều lợi ích về môi trường, có độ bền cao, giúp cho việc quản lý tòa nhà đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ xanh trong xây dựng hiện nay mới chỉ là khởi đầu với chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên việc ứng dụng, triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh những tổ chức, doanh nghiệp đang nỗ lực hướng tới những sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường, không ít hiện tượng mượn mác “xanh” để trục lợi từ các chính sách ưu đãi hoặc để tạo ra vẻ ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng mà không hề thực chất.

Hiện nay tại Việt Nam, rất ít người hiểu về kiến xanh và lợi ích của nó. Đa phần chỉ cần đáp ứng nhu cầu chỗ ở mà bỏ qua các điều kiện còn lại như môi trường, không khí, giao thông…

Ở góc độ quản lý, hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu cũng như ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và thiếu kiểm soát. Trong khi đó, hệ thống giáo dục chưa đủ để giúp cho các thế hệ tương lai thực sự hiểu và nhận thức sâu sắc về lối sống xanh. Hệ thống tiêu chuẩn xanh và cơ chế chính sách còn nghèo nàn và chưa đi vào thực tế.

LÀM SAO ĐỂ KIẾN TRÚC XANH ĐI VÀO THỰC TIỄN

Kiến trúc xanh cần phải có chiến lược xanh trong toàn bộ các lĩnh vực, công đoạn và cần bắt đầu ngay từ khâu thiết kế. Để kiến trúc xanh có thể đi vào đời sống, cần thực hiện được bốn công việc không thể thiếu có thể liệt kê như sau:

Xây dựng chính sách: Cần có sự cam kết của cấp lãnh đạo, cần có một hệ thống luật rõ ràng

Sản phẩm xanh: Cần phải tạo một nguồn cung các sản phẩm xanh dồi dào, phong phú và có chất lượng cao với giá thành hợp lý.

Khách hàng cho sản phẩm xanh: Cần xây dựng một thị trường cho sản phẩm xanh với các khách hàng sinh thái

Quản lý và khuyến khích các sản phẩm xanh: Cần xây dựng một hệ thống quản lý và đánh giá các sản phẩm xanh để phát huy kiến trúc xanh một cách thực chất.

Cần có sự phối hợp hành động giữa các tổ chức liên quan đến việc phát triển kiến trúc xanh như Bộ Xây dựng, Hội KTS Việt Nam, Hội đồng Công trình xanh… để sớm đưa ra một bộ tiêu chí đánh giá giúp hướng dẫn thiết kế và định hướng phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam.

KẾT LUẬN

Kiến trúc xanh được xem là một hướng đi tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong giai đoạn kinh tế phát triển và đô thị hóa gia tăng, thỏa mãn yêu cầu về bảo vệ ngôi trường, tiết kiệm năng lượng và mang con người đến gần với thiên nhiên hơn.

Phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam không phải là vấn đề một sớm một chiều mà là cả một quá trình lâu dài. Trong quá trình ấy, rất cần sự chung tay của cộng đồng trong việc bàn thảo và thống nhất hành động để có thể tạo nên những công trình có trách nhiệm hơn với môi trường trong hiện tại và tương lai.

THANH TỊNH (Tổng hợp)

Đọc thêm

lên đầu trang