Xuất phát từ cơ sở thực tiễn và căn cứ pháp lý, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM là vô cùng cấp thiết.
Mục tiêu của Nghị quyết là tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính minh bạch trong quản lý của chính quyền.
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM HUỲNH THANH NHÂN đã có buổi chia sẻ xung quanh vấn đề làm thế nào để quyền đại diện và quyền dân chủ của người dân vẫn được bảo đảm, duy trì cũng như những giải pháp nào để tiếp tục giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước sau khi ban hành Nghị quyết Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Sự cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn và hải đảo là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ “Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo luật định”.
Từ năm 2009 – 2016, thành phố đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) ở tất cả huyện, quận, phường theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổng kết hơn 6 năm thực hiện đã cho thấy nhiều kết quả tích cực. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với TP.HCM.
Mặt khác, TP.HCM là đô thị loại đặc biệt. Trong quá trình phát triển vẫn gặp nhiều trở ngại, chưa phát huy hết tiềm năng. Nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt. Vì vậy việc ban hành Nghị quyết Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM là rất cấp thiết.
Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM có sự khác biệt với Đề án của TP Hà Nội và Đà Nẵng
Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực. Trong đó, đã quy định chính quyền địa phương ở cấp huyện, xã là cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND), trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương (không có HĐND). Như vậy việc không tổ chức HĐND ở phường, quận đã được quy định ở luật, khi Quốc hội cho phép.
Về cơ sở thực tiễn, Hà Nội chưa thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội. TP.HCM đã có kinh nghiệm thực tiễn hơn 6 năm từ kết quả thành công của quá trình thực hiện thí điểm trên diện rộng.
Về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM: thành phố thuộc TP.HCM, huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở quận và phường là UBND quận, UBND phường. Việc tổ chức chính quyền đô thị không chỉ bao gồm quy định bộ máy chính quyền địa phương có tính đặc thù ở đô thị lớn, mà có các quy định đặc thù về phân cấp quản lý, chính sách tài chính để làm cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả cao hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn.
Các nội dung này đối với thành phố đã được Quốc hội quy định qua một Nghị quyết riêng, là Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Như vậy, thực hiện chính quyền đô thị theo Đề án Chính phủ trình Quốc hội mang tính đồng bộ, toàn diện, khác với khi TP Hà Nội và TP Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị.
Cơ sở pháp lý để TP.HCM trình Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP thực hiện ổn định, lâu dài
Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội có cơ sở pháp lý là các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi theo Luật số 47/2019/QH14 đã có quy định mở theo hướng chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương (Điều 44, Điều 58).
Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (điểm e khoản 2 Điều 15). Mặt khác, TP.HCM là một trong 10 địa phương đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội trong giai đoạn 2009 – 2016, qua thí điểm đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, làm cơ sở thực tiễn quan trọng để Quốc hội có thể cho phép thành phố được chính thức thực hiện tổ chức chính quyền đô thị để bảo đảm tính ổn định, lâu dài.
Khi thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường, bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn hơn, ông cũng chia sẻ làm thế nào để quyền đại diện và quyền dân chủ, quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được bảo đảm và duy trì
Về thực hiện quyền đại diện của nhân dân, khi không tổ chức HĐND quận, phường, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như: ĐBQH, Đoàn ĐBQH; Thường trực HĐND thành phố, các ban, tổ đại biểu… và đặc biệt là sự phản ánh của khu phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.
UBND các phường tăng cường công tác giao ban với trưởng khu phố; UBND quận giao ban với UBND phường để kịp thời nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng của người dân.
Về quyền làm chủ của nhân dân, sẽ tăng cường các kênh, phương tiện công khai, minh bạch các chế độ, chính sách đến nhân dân, cung cấp, công bố các thông tin, các quy định, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến nhân dân. Vai trò của hệ thống chính quyền điện tử của thành phố đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét trong việc làm tốt vấn đề này.
Mặt khác sẽ duy trì và tăng cường sự tham gia của nhân dân trong hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền thông qua dân chủ trực tiếp, tham gia thông qua các đối thoại với lãnh đạo UBND như: Định kỳ tổ chức các kỳ họp của HĐND hoặc tiếp xúc cử tri. Qua công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri, lãnh đạo UBND các cấp trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền; tiếp nhận thông tin và giải quyết những khiếu nại, tố cáo của cử tri.
Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính quyền, cụ thể như phân công thành viên UBND tham gia các cuộc họp của khu phố, qua hộp thư góp ý hoặc sổ góp ý, nghe nhân dân trao đổi, phản ánh ý kiến trực tiếp trong các cuộc họp hoặc gửi phiếu xin ý kiến về các công trình thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp ý các quy ước, công việc nội bộ khu dân cư.
Giải pháp để tiếp tục giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước
Đó là sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của tổ chức Đảng, của cấp ủy cùng cấp, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội cùng cấp. Tăng cường giám sát, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, của Ủy ban Kiểm tra quận ủy, của cấp ủy phường. Tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND các quận, phường, khu vực ứng cử.
Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2020 – 2030”.
Theo NLĐO