“Nếu chúng ta đi ở đô thị lớn nhất cả nước, vẫn có những khu vô cùng nhếch nhác. Chỉ cần tắt đi một vài ngọn đèn, biển hiệu, thì Hà Nội có những khu giống hệt như những năm 80 từ hình dáng, cấu trúc dường như nó giống như đô thị thời kỳ bao cấp”, TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fulbright Việt Nam nói.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hóa trong thập kỷ tới” được tổ chức hôm 13/9 tại Hà Nội, TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam đã đưa ra bức tranh về quá trình đô thị hóa ở Việt Nam và những cảnh báo về sự tự phát của nó đối với tương lai.
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, trong một thời gian dài, những vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam đều đã được giới chuyên gia, Chính phu biết, thậm chí được đặt lên bàn nghị sự để ra Nghị quyết. Tuy nhiên, làm thế nào để Nghị quyết, chính sách đi vào cuộc sống, tạo hiệu quả thì thực sự là vấn đề lớn.
Theo ông Tự Anh, vai trò của các đô thị là tập trung FDI, R&D, 123 thành phố toàn cầu lớn nhất thế giới, chiếm 13% dân số, chiếm 32% GDP toàn cầu thì 5 thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam, chiếm 21% dân số, nhưng chỉ chiếm 35%.
Điều này, có nghĩa là trên phạm vi thế giới thực sự là động lực kinh tế, còn tại Việt Nam, 5 thành phố chưa thực sự là động lực, đóng góp hạn chế.
Lấy ví dụ về 5 thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam, TS Tự Anh nói: 5 thành phố hiện có đóng góp GDP không thay đổi qua 15 năm trở lại đây.
“Từ năm 2005, tỷ lệ đóng góp GDP của 5 thành phố là 35 – 36%/GDP cả nước và hiện nay chỉ khoảng 40%. Điều này có nghĩa là các thành phố trực thuộc trung ương đang vấp phải ngưỡng không thể vượt lên được nữa, tỷ trọng đóng góp của họ có thể giảm đi”, ông Anh nói.
Theo ông này, chính sách về đô thị hóa của Việt Nam thời gian tới nếu không có sự thay đổi sâu xa, các đô thị sẽ trở thành gánh nặng chứ không thể động lực.
“Đa số dân số tăng thêm tập trung ở Đông Nam Bộ, Hà Nội và Đà Nẵng tuy nhiên nguồn lực của Nhà nước cho các nơi này không tăng. Điều này có nghĩa rằng, nếu dân số tập trung đông, chi tiêu của ngân sách để xây dựng hạ tầng, đầu tư công, chi thường xuyên không tăng, giảm đi thì không bền vững được”, vị chuyên gia nêu.
Theo ông Tự Anh, qua nghiên cứu, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã suy giảm gần 5 năm trở lại đây. Trong thời gian dài, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam là tự phát, không có chính sách, điều phối.
“Nếu chúng ta đi ở đô thị lớn nhất cả nước, vẫn có những khu vô cùng nhếch nhác. Chỉ cần tắt đi một vài ngọn đèn, biển hiệu, thì Hà Nội có những khu giống hệt như những năm 80 từ hình dáng, cấu trúc dường như nó giống như đô thị thời kỳ bao cấp”, TS Vũ Thành Tự Anh nói.
Theo lập luận của chuyên gia đến từ Fulbright, quá trình đô thị hóa giúp công nghiệp hóa từ đó giúp tăng trưởng kinh tế, nó là vòng nhân quả. Nhưng có một vòng nhân quả khác là xuất phát từ động lực công nghiệp hóa, từ đó tạo ra công việc ở đô thị, tăng được năng suất, từ đó đẩy mạnh đô thị hóa, đẩy mạnh đô thị hóa được thì tăng trưởng kinh tế. Đó là hệ quả của phát triển.
Theo ông Anh, điều này giải thích tại sao ở nông thôn không đô thị hóa được bởi vì công việc không về được đến đây nên đô thị hóa không diễn ra.
Theo chuyên gia của Fulbright, quá trình phân phối và tái phân phối về tài khóa đang thiếu động lực, các đô thị lớn không có động lực để phát triển, còn nếu thay đổi để có động lực phát triển thì lại vướng vòng lao lý, như Đà Nẵng, như TP. HCM.
“Nếu không làm gì thì an toàn, nhưng không có sự phát triển, còn nếu làm gì để có thể phát triển, nhưng rủi ro rất cao tại vì khung khổ pháp lý của Việt Nam không hỗ trợ điều đó”, ông Anh nói.
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Chính phủ nhiều năm qua coi trọng sự công bằng hơn là hiệu quả: từ phân phối tài khóa, đến thu chi ngân sác và chính sách phát triển. Hiện nay, các đô thị đã đến ngưỡng, sự phụ thuộc vào FDI đã được cảnh báo gây hệ quả… Nếu không thay đổi chính sách thì không những không có cả hiệu quả mà còn không còn được sự công bằng.
“Lấy gì đâu cho ngân sách mà chia”, ông Anh nói.
Theo chuyên gia của Fulbright: Nếu sự phát triển đô thị và nông thôn chênh lệch kéo dài, sẽ khiến các thành phố tăng mật độ dân số rất lớn do quá trình di cư tự do, điều này sẽ tạo ra tình trạng vô cùng hỗn loạn.
“Nhà tôi ở quận 7, TP.HCM, trường học nơi tôi dạy ở quận 3. Cách đây 15 năm, tôi đi mất 15 phút, nhưng bây giờ đi mất 1 tiếng”, ông Tự Anh nói.
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Việt Nam cần cân đối cơ sở hạ tầng bởi nếu không làm sẽ cực kỳ nguy hiểm. “Di chuyển dân số có tính tự nhiên nhưng nếu như sắp tới nước biển dâng ở Đồng bằng Sông Cửu Long thì người ta sẽ di chuyển lên TP.HCM, vấn đề tắc nghẽn hạ tầng, an sinh xã hội… còn khủng khiếp nữa”, ông Tự Anh nói.
Theo Dân Trí