Bài 3: Thực trạng hoành hành của lũ quét

18/11/2020 08:30

(3503)


Thế giới loài người đang đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên do ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu. Một trong những thảm họa thiên nhiên gây ra thiệt hại nặng nề về người và của đối với nhân loại nhiều nơi trên thế giới, nhất là trên địa bàn các khu vực miền núi đó chính là Lũ quét, 1 hiện tượng tự nhiên mà trong vài thập kỷ gần đây xảy ra ngày càng nhiều và luôn là mối đe dọa với người dân. Mỗi năm lũ quét cũng gây thiệt hại cực lớn, tàn phá Môi trường và Hệ sinh thái, làm chết và bị thương nhiều người.

Lũ quét thường xảy ra ở các lưu vực sông nằm trong vùng nhiệt đới chịu ảnh hưởng của gió mùa và bão. Lũ quét ở khu vực châu Á nói chung, nước ta nói riêng, đang ngày càng gia tăng về cả về tần suất và cường độ. Lũ quét thường đi kèm sạt lở đất, do đặc điểm, tính chất xảy ra bất thường nên chưa dự báo sớm được. Điều lưu ý là Lũ quét không chỉ xuất hiện ở miền núi mà xảy ra ngay cả vùng ven biển, nơi có độ dốc cao và có cấu tượng lớp đất mặt vật liệu bở rời, khi có lượng mưa lớn, tập trung.

Một trong những tiền đề mà cũng là hệ quả của lũ quét là quá trình xói mòn đất. Dòng chảy điên cuồng của lũ quét cuốn theo cả cây cối, đất đá nên tăng nhanh khối lượng động lực và lưu tốc, tạo sức tàn phá kinh khủng nhanh chóng, gây nhiều tang thương nhất trong các loại thiên tai và hiện diện khắp nơi trên trái đất vốn dễ bị tổn thương này.

Lũ quét hiện diện khắp nơi Trái đất

Lũ quét 1 ngôi làng ở Indonesia

Lũ quét là “đặc sản” của kiểu thời tiết dị thường ở những vùng đồi núi hoặc đồng bằng mấp mô bán sơn địa. Thứ địa hình này có ở khắp nơi trên Thế giới nên rất nhiều nơi đã hứng chịu dạng thiên tai quái ác này. Có thể kể ra những thí dụ điển hình cho những trận Lũ quét đáng nhớ gần đây trên hành tinh này như sau :

– 1889: Lũ ở Pennsylvania, Hoa Kỳ : chết hơn 2,200 người.

– 1903: Lũ ở Oregon,  Hoa Kỳ : chết 247 người.

– 1938: Lũ ở  Los Angeles, California, Hoa Kỳ : chết 115 người.

– 1938: Lũ ở Mahia Peninsula, New Zealand: 21 người chết.

– 1952: Lũ ở Lynmouth, Anh quốc: 34 người chết.

– 1963: Lũ ở Petra, Jordan: 23 người chết.

– 1963: Lũ do vỡ đập Vajont, Italy: 1910 người chết.

– 1967: Lũ ở Lisbon, Bồ Đào Nha: 464 người chết.

– 1969: Lũ ở Virginia, Hoa Kỳ: 123 người chết.

– 1971: Lũ ở Kuala Lumpur, Malaysia: 32 người chết.

– 1972: Lũ ở South Dakota, Hoa Kỳ.: 238 người chết.

– 1976: Lũ ở Colorado, Hoa Kỳ.: 143 người chết.

– 1997: Lũ ở Arizona, Hoa Kỳ : 11 người chết.

– 2003: Lũ ở Bukit Lawang, Indonesia: 239 người chết.

– 2006: Lũ ở Surat và Jember Regency, Indonesia 59 người chết

– 2007: Lũ ở Sudan, 64 người chết..

– 2009: Lũ ở Manila -Philippines, hơn 100 người chết và hàng ngàn người mất nhà cửa.

– 2009: Lũ, sạt lở ở Messina. Ý, làm 37 người chết.

– 2010: Lũ ở bán đảo Madeira, 42 người chết.

– 2011: Lũ ở bang Queensland, Australia. 21 người chết. .

– 2011: Lũ ở Philippines, hơn 1200 người chết.

– 2012: Lũ ở Nepal, 72 người chết.

– 2012: Lũ ở Krasnodar, Nga: 172 người chết.

– 2013: Lũ ở Uttarakhand, Ấn Độ: 822 người chết.

– 2013: Lũ ở Sardinia. Ý: 18 người chết, 3000 người mất nhà cửa.

– 2013: Lũ ở Port Louis, đảo Mauritius: 11 người chết.

– 2013: Lũ ở Argentina: trên 100 người chết.

– 2013: Lũ ở Uttarakhand, Ấn Độ: gần 5000 người chết..

– 2014: Lũ ở bang Jammu & Kashmir. Ấn Độ: khoảng 300 người chết..

– 2014: Lũ ở Serbia, Bosnia and Croatia: Hơn 30 người chết.

– 2015: Lũ ở Texas. Hoa Kỳ: Hơn 25 người chết.

– 2016: Lũ ở Tây Virginia. Hoa Kỳ: Hơn 24 người chết.

– 2016: Lũ ở Maryland, Hoa Kỳ: 2 người chết.

– 2016: Lũ ở Nam Louisiana, Hoa Kỳ: 13 người chết. .

– 2016: Lũ ở Garut Regency, Indonesia: 33 người chết.

– 2017: Lũ ở Tây Attiki, Hy Lạp: 23 người chết.

– 2018: Lũ ở hẻm núi Tzafit. Israel: 10 người chết. .

– 2018: Lũ ở vài nơi thuộc Tây Ban Nha, Ý : 15 người chết.

– 2018: Lũ ở miền Aude. Pháp, 15 người chết và 99 bị thương.

– 2018: Lũ ở Biển Chết Israel: 21 người chết.

– 2019: Lũ ở miền Nam Iran: ít nhất 23 người chết, cũng ở Bắc Afghanistan: ít nhất 16 người chết…

Lũ quét đô thị ở Âu Châu

… Và tiêu biểu ấn tượng, là những trận lũ quét kèm theo lũ lụt thường, mang tính hủy diệt nhất thế giới từ năm 1900 đến nay :

– 1900: Lũ lụt ở Texas, Mỹ vào ngày 8/9/1900 do cơn bão cấp 4 (gió 233 km/h) quét qua Đông nam Texas gây lũ quét ven biển nghiêm trọng, với những con sóng dữ dội đập thành phố đảo nhỏ bé. Hậu quả là hơn 3.600 nhà cửa bị phá hủy và 12.000 người chết. Đây là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ

– Năm 1931: một loạt trận lũ lụt kinh hoàng miền Trung Trung Quốc tháng 7/1931 như một trong những thảm họa thiên nhiên gây chết người nhiều nhất trong lịch sử hiện đại, khi mưa lớn kết hợp với lốc xoáy tạo lũ quét diện rộng khắp nhiều điểm lưu vực nhấn chìm hạ lưu sông Dương Tử và sông Hoài Hà. 52 triệu người bị ảnh hưởng và số người chết khủng khiếp không thể tính được (500,000 – 1 triệu người), theo sau đó là nạn đói và dịch bệnh lan rộng.

– Năm 1953: Trận lũ quét ven biển ở Biển Bắc, Châu Âu bởi 1 cơn bão tồi tệ nhất trong lịch sử ở đây vào ngày 31/1/1953. nhấn chìm 162.000 ha đất Hà Lan, giết chết ít nhất 1.800 người, làm đê biển đông nước Anh bị vỡ, ngập 65.000 ha đất, 133 người thiệt mạng khi chiếc phà MV Princess Victoria bị chìm.

– Năm 1999: Thảm kịch Vargas, Venezuela vào ngày 14/12/1999 khi mưa xối xả gây ra lũ quét ở vùng đất thấp ven biển này, gây ra những vụ lở đất chết người đã phá hủy thị trấn Caraballeda. Số người chết ước tính vào khoảng từ 10.000 đến 30.000, làm 100 km bờ bị tàn phá hoàn toàn chỉ trong vài ngày. Đó là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất của Venezuela thời hiện đại.

Hiện trạng lũ quét Việt Nam

Lũ quét là một loại hình tai biến thiên nhiên đã và đang xảy ra ngày càng tăng ở các vùng đồi núi của nước ta. Bên cạnh những thiệt hại lớn về người và kinh tế mà lũ quét gây ra thì sự huỷ hoại môi trường sống là rất lớn. Lũ quét và sạt lở đất xẩy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du trên lãnh thổ Việt Nam. Trên lãnh thổ nước ta, nhiều trận lũ quét và lũ bùn đá lớn xảy ra làm thiệt hại rất lớn đến kinh tế – xã hội và môi trường cả vùng.

Theo tổng hợp thống kê, từ năm 1953 đến năm 2016 đã xảy ra 448 trận lũ quét và sạt lở đất (trung bình 7 trận/năm). Riêng từ năm 2000 đến 2019 đã xảy ra hơn 320 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm thương vong hơn 1000 người, đã làm mức trung bình tăng lên 12 – 16 trận /năm.

Rõ ràng là tần suất, cường độ và mức thiệt hại của Lũ quét đang ngày càng tăng lên nhanh đến mức đáng báo động. Cũng may là thiệt hại về nhân mạng không lớn vì phần lớn các trận lũ quét, sạt lở đất đều xảy ra ở vùng đồi núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt.

Lũ quét ở Lai Châu Việt Nam

Đất nước ta đã từng ghi nhận những trận lũ quét lịch sử trên địa bàn các tỉnh miền núi Bắc bộ, bắc Trung bộ và Tây Nguyên, như trận lũ quét ở suối Quận Cậy (Thái Nguyên) vào ngày 20/10/1969 làm 26 người  chết, nhiều người bị thương; lũ quét Thị xã Lai Châu, ngày 27/6/1990, cuốn trôi 300  người, 104 người chết, 200 bị thương, hư hỏng 14.300 m2 nhà, 300 ha ruộng lúa bị bồi lấp; lũ quét Thị xã Sơn La, ngày 27-7-1991 làm chết 21 người, 11 người mất tích, 100 ngôi nhà bị cuốn trôi, 762 nhà bị ngập, 5.000ha lúa, hàng trăm hecta hoa màu bị hư hại…

Lũ quét ở lưu vực sông Dinh Hàm Tân (Bình Thuận), tháng 7/1999 nhấn chìm 80 tàu thuyền, làm 27 người chết, 11.101 nhà cửa bị ngập, hư  hỏng nặng; lũ ngày 15/7/2000 tại Sa Pa – Lào Cai làm 20 người chết, 25 người bị  thương; lũ ngày 3/10/2000 tại bản Nậm Coóng – Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, làm 39 người chết, 18 người bị thương; cơn lũ ngày 16/8/2002 tại huyện Bắc Quang và Xín Mần tỉnh Hà Giang làm 21 người chết, 8 người bị thương;

Trận lũ quét lịch sử lớn nhất ở Hà Tĩnh đã làm trên 50 đến 80% số xã ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang của tỉnh bị ngập sâu từ 3 – 4m làm 83 người chết và mất tích, 117 người bị thương; lũ lịch sử năm 2004 ở 2 xã Du Tiến, Du Già huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang và huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng làm 56 người chết; sạt lở đất ở Lào Cai đã làm 48 người chết và mất tích và 16 người bị thương, trong đó có hộ bị chết cả gia đình; lũ quét ở Nghệ An ngày 12/8/2005 làm 16 người chết…

Thời tiết cực đoan của năm 2008, thể hiện sau bão số 4 và bão số 6 đã gây lũ quét lớn, sạt lở đất ở nhiều nơi thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang làm 246 người chết và mất tích, hơn 200 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 3.229 tỷ đồng.

Cá biệt, chỉ tính riêng trong năm 2018 với kiểu dị thường của Biến đổi khí hậu, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra 14 trận lũ quét, sạt lở đất, khiến 82 người chết và mất tích, chiếm 70% thiệt hại thiên tai cả nước với tổn thất lên tới trên 10.000 tỉ đồng.

Còn trong năm 2020 này, chỉ tính riêng tại những địa phương Tây Bắc, lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng từ tháng 6/2020 ở Mường La, Sơn La làm 23 người chết; Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bái làm 53 người chết, hơn cả 1.500 nhà cửa bị hư hại và hạ tầng giao thông bị tàn phá rộng khắp.

Đặc biệt thảm khốc là trong tháng 9, 10/2020 ở các tỉnh miền núi và duyên hải Trung bộ (từ Thanh Hóa vào đến Bình Định) đã làm 242 người chết và mất tích, 222 người bị thương, trên 200.000 ngôi nhà bị hư hỏng, hơn 3000 gia súc và 600.000 gia cầm bị chết, 45 nghìn ha lúa và 22,3 nghìn ha hoa màu bị tổn thất, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng, với tổng thiệt hại kinh tế do bão lũ trong thời gian qua gần 28.800 tỷ đồng.

Cơn “đại hồng thủy” với “lũ chồng lũ” tháng 10 năm 2020 này có địa bàn bị thiệt hại rải khắp 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên làm 12 tuyến quốc lộ, hơn 17.400 m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng, trong đó nặng nề nhất là Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam.

Bão lũ đang hoành hành ở các tỉnh miền núi và duyên hải Việt Nam là bằng chứng mới nhất cho thấy một xu hướng đáng lo ngại là rủi ro thiên nhiên, vốn đã rất nguy hiểm, đang trở nên ngày càng nặng nề do tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.

Đã có rất nhiều những số liệu thống kê đáng báo động về mức độ dễ bị tổn thương của khu vực này cùng các chủ thể và đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với ước tính 12 triệu người đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở hiện đang nằm ở các khu vực chịu nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, và trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD – tương đương 0,5% GDP và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng.

Không chỉ là vấn đề kinh tế – xã hội – quản lý môi trường, phòng chống thiên tai, mà lũ lụt kiểu này đang gây những mối đe dọa về an ninh năng lượng, an ninh lương thực và giáo dục. Bức tranh u ám của loại thiên tai có phần nào yếu tố con người này đã phát hồi chuông cảnh báo là phải hành động ngay để phòng chống lũ quét trong bối cảnh tổng thể ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm tránh các mất mát, thiệt hai người và của ngày càng lớn, càng khốc liệt trước khi quá muộn.

LÊ HÙNG – Tổng hợp

Nguồn bài 1: http://thegioimoitruong.vn/bai-1-hieu-sao-ve-lu-quet.html

Nguồn bài 2: http://thegioimoitruong.vn/bai-2-lu-quet-dang-so-nhu-the-nao.html

Đọc thêm

lên đầu trang