LỜI NÓI ĐẦU
Lũ quét là “event” mang tính “truyền thống” ở nhiều vùng đồi núi nước ta và in hằn rõ nét trong ký ức của người dân. Lũ quét là hiện tượng thiên nhiên đặc thù nhưng ngày càng phổ biến theo đà phát triển đáng sợ của Biến đổi Khí hậu với tần suất và cường độ đang dần tăng cao, gây ra nhiều thảm họa ngày càng trầm trọng với đất đai, mùa màng, công trình, cuộc sống và đe dọa nặng nề lên tính mạng, tài sản con người ở các địa bàn hoành hành của nó.
Điều nghịch lý trớ trêu là lũ thường, lũ mùa là thứ lũ quen thuộc đem nguồn nước ngọt, phù sa, thủy sinh vật, hệ sinh thái đa dạng cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long bao nhiêu năm nay càng lúc càng khan hiếm do cạn kiệt nguồn nước sông Mekong. Nguyên nhân là bởi đủ thứ lý do từ thượng nguồn, trong đó chủ yếu nhất là do các con đập chắn dòng ở Trung Quốc và Lào. Hiện nay thì lũ quét, lũ ống – là thứ lũ cục bộ hại nhất mà ai ai cũng ngán sợ, lại càng lúc càng xuất hiện ồ ạt, đáng ghét trên nhiều vùng rừng núi, trung du rộng lớn của đất nước ta.
Chỉ tính riêng trong năm 2020 này, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 này thì mưa lũ đã diễn biến cực kỳ phức tạp do ảnh hưởng của đầy đủ các cơn bão biển Đông theo thứ tự từ số 1 đến số 8 tại các tỉnh miền núi Tây Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên làm nước trên các con sông suối dâng cao tràn xuống các lưu vực thấp, gây ra lũ quét lũ ống, sạt lở đất lớn gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng, nhà cửa, công trình, cầu cống, đường xá, làm hủy hoại tài sản, đình đốn sản xuất, đảo lộn sinh hoạt, tê liệt giao thông. Thảm họa lũ lụt đã và đang xảy ra ở các nơi này có sức tàn phá khủng khiếp, reo rắc tang thương khắp nơi, gây hậu quả cực kỳ khó khắc phục
Thủ phạm của tấn thảm kịch này là Lũ quét. Chính lũ quét gây các bức tường nước chết người, các dòng chảy cuộn hủy hoại, các vụ sạt lở đất bờ – đất ngậm nước lũ lụt trong lưu vực. Phải hiểu biết về Lũ quét để có cách phòng chống hiệu quả, để đất nước không còn chứng kiến những cảnh tang thương như đang diễn ra nhức nhối ở các tỉnh miền Trung hiện nay.
Định nghĩa lũ quét
Lũ quét là một loại hình lũ cục bộ trong không gian hẹp như ở miền núi hoặc những địa bàn khác (ngay cả thành phố, thị xã) có nhiều sông suối, dòng chảy hợp thủy. Lũ quét thường là những trận lũ lớn nó xuất hiện đột ngột trong khoảng thời gian ngắn ở một không gian hẹp (chỉ khoảng vài trăm, vài chục hay vài km2) nhưng có sức phá hủy lớn do động năng tích lũy nhanh.
Lũ quét có cường độ, vận tốc dòng chảy, lưu lượng tập trung dạng ống thoát nước và biên độ mực nước rất lớn, lên nhanh và xuống nhanh, dòng nước có hàm lượng chất rắn cao và có sức tàn phá lớn ghê gớm.
Sức mạnh tàn phá to lớn của Lũ quét là vì cơ chế vận hành cộng hưởng và chớp nhoáng của nó. Khi Lũ quét hình thành và di chuyển, các vật cản trước mặt làm dòng chảy mặt bị nhiều lần tạm ngưng trệ một thời gian lúc ban đầu, nhưng sau đó, do xung lực từ động năng và thế năng, dòng chảy càng lúc càng lớn phá được vật cản. Dòng nước từ tích tụ thế năng cực lớn với khối lượng dòng chảy mang theo đủ đá, đất, bùn, cây cối… cộng hưởng chuyển thành động năng, và tùy thuộc vào địa hình mà lưu tốc, sức hủy hoại của Lũ quét khác nhau.
Ở địa hình dốc, nhiều đá hoặc ngay trong các vùng đô thị hóa nặng, thì ngay cả một lượng mưa tương đối nhỏ cũng có thể gây ra lũ quét. Các khu vực chật hẹp ít đường phân lũ, có nhiều dốc, góc tà dốc lớn, dốc càng dài thì lũ quét càng mạnh, càng hung hãn, nên trên đường đi, nó “quét” hết, nhấn chìm hết tất cả.
Vì lũ quét là hiện tượng di chuyển của một khối nước khổng lồ từ cao xuống thấp với tốc độ ngày càng tăng cũng như sức tàn phá ngày càng lớn nên nó sẽ gây ra thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng cho những nơi mà nó đi qua. Mặc dù mạnh và sức tàn phá cao, nhưng lũ quét thường đi nhanh, không xảy ra lâu hơn 6 hay 7 tiếng, và nước rút hết chỉ sau 10-18 tiếng.
Sự khác biệt giữa lũ quét với lũ lụt thường
1. Lũ thường
Theo định nghĩa của các nhà chuyên môn, lũ lụt là “nước tràn vào vùng đất khô ráo bình thường”. Ngập lụt có thể xuất phát từ nhiều nơi, như các tuyến đường thủy hiện hữu. Các sông suối có thể gây ra lũ lụt ở các khu vực xung quanh và lũ lụt xảy ra trong một thời gian dài, từ vài ngày đến vài tuần.
Lũ thường có tiến trình phổ biến là chậm rãi, dễ kiểm soát, biến thiên đều đặn – thậm chí có tính chu kỳ, ít thiệt hại nhân mạng nhưng thiệt hại về mùa màng, canh nông và công trình thì nặng nề và sâu sắc hơn. Có những cơn lũ mùa mà người dân còn mong chờ để cải thiện cuộc sống như lũ nước nổi ở Đồng Tháp Mười…
Tóm lại, lũ thường là lũ lụt xảy ra do nước tràn bờ từ lưu lượng quá lớn của những con sông suối dâng lên ngập cả lưu vực, thường diễn tiến dài ngày theo mùa và mang tính quy luật.
2. Lũ quét
Trái lại, Lũ quét nói chung là nhanh chóng bất ngờ. Mặc dù lũ có nhiều nguồn gốc phức tạp nhưng lũ quét thường xuất phát từ những trận mưa lớn bất chợt hoặc từ những nguồn khác, như một con đập hoặc tuyến đê bị sụp đổ.
Lũ quét là “bất kỳ dòng nước đột ngột nào vào một khu vực giới hạn, thường trong vòng 6 giờ hoặc ít hơn, được đặc trưng bởi những xoáy nước dữ dội, dòng chảy hung hãn đầy vật chất rắn cuốn theo xé toạc lòng sông, con suối, đường phố hoặc hẻm núi, thung lũng, vùi dập cuốn sạch mọi thứ trước chúng”.
Thường những người chứng kiến cho biết là Lũ quét luôn đi kèm với tiếng ì ầm như sấm rền, bom nổ và một bức tường đen ngòm khi vừa lộ diện. Ở những nhân chứng trên, kỷ niệm về lũ quét đều là kinh hoàng và khó quên.
3. So sánh lũ thường và lũ quét
Giữa Lũ thường và lũ quét, được so sánh như chạy Marathon và Nước Rút. Đó là khác biệt giữa thứ đến chậm mà phá chắc do sự kìm nén âm ỉ và thứ đến và đi thật nhanh với sự phá hủy nhanh chóng nhưng cục bộ.
Lũ thường gây thiệt hại nặng nề sâu rộng nhưng ít tử vong, còn lũ quét thì do đặc điểm chớp nhoáng nên cướp đi rất nhiều sinh mạng nhưng ít hủy hoại tài sản vì ở những vùng ít công trình hạ tầng.
Với Lũ thường thì còn có thể chuẩn bị đối phó và chờ tin thời tiết thủy văn để điều chỉnh mức độ phòng chống, nhưng đối với lũ quét thì phải hành động thoát hiểm ngay sau khi nhận được cảnh báo chứ không chần chờ phút nào thêm nữa !
Sự hình thành lũ quét
Lũ quét xảy ra dưới ảnh hưởng của các dạng tổ hợp, các điều kiện tự nhiên, các yếu tố thủy văn quyết định phản ứng tự nhiên của lưu vực đối với sự kiện mưa bão và các hình thức hoạt động của con người trên lưu vực. Vì thế, lũ quét rõ ràng là kết quả của sự đan xen của các yếu tố khí tượng, thủy văn và môi trường.
Có thể nói sự hình thành lũ quét có liên quan mật thiết với cường độ mưa, điều kiện khí hậu, đặc điểm địa hình, các hoạt động của con người cũng như điều kiện tiêu thoát lũ của lưu vực. Ngoài ra lũ quét còn được hình thành do sự cố vỡ đập hồ chứa nước.
Kết quả điều tra nghiên cứu cho thấy, sự hình thành lũ quét trải qua 5 giai đoạn :
– Giai đoạn 1: Mưa với vũ lượng và cường độ cao gây hình thành dòng lũ mặt lớn và đặc biệt tràn ngập trên mặt lưu vực nhỏ vùng núi dốc có độ che phủ rừng ít, thảm thực vật nghèo nàn, đất bị khai thác xâm phạm nhiều, tiềm tàng những điều kiện thuận lợi cho xói mòn, rửa trôi đất đá, bùn cát, cây cối, song lòng dẫn lại tiêu thoát kém.
– Giai đoạn 2: Nước lũ gây xói mòn, rửa trôi, sạt, trượt, sụt lở mạnh mặt lưu vực, cuốn theo các vật chất rắn. Dòng lũ khi đó thay đổi căn bản về chất, trở thành dòng chất lỏng – rắn (gồm nước – bùn đá – cây cối…) tập trung vào lòng chảy chính như dồn nước đổ hình ống. Lũ khi đó do lẫn tạp vật, có tổng khối lượng lớn hơn hẳn khối lượng dòng lũ nước sinh ra nó.
– Giai đoạn 3: Khu vực sinh ra lũ là phần thượng nguồn lưu vực sông có độ dốc lớn, thường chiếm 2/3 diện tích lưu vực. Tại đây, các quá trình chính hình thành dòng chảy mặt, xói mòn, rửa trôi mặt đất xảy ra mạnh nhất. Quá trình tập trung dòng lũ cũng xảy ra đồng thời, song chưa mạnh mẽ.
– Giai đoạn 4: Khu vực tập trung dòng lũ quét, nơi quá trình xói sâu còn xảy ra mạnh, sạt trượt lở đất đá, cuốn trôi cây cối, tắc ứ tạm thời rồi sau đó vỡ hàng loạt…
– Giai đoạn 5: Khu vực chịu lũ: nơi bị quét mạnh nhất là cuối sườn dốc khi thế năng đã chuyển hóa thành động năng, trong đó hiện tượng xói sâu, lở, sạt trượt còn xảy ra ở cường độ cao trên đoạn đầu của thung lũng, hiện tượng quét phá, bồi lấp xảy ra mạnh mẽ nhất ở đoạn cuối của thung lũng trước khi lũ quét thoát được dòng chính.
Các giai đoạn chỉ mang tính tương đối, thường xảy ra nhanh đến rất nhanh; Có khi giai đoạn trước chưa kịp kết thúc thì giai đọan sau đã ập tới.
Các hình thức hoạt động của con người trên lưu vực có thể ảnh hưởng đến cả ba nhóm nhân tố biến động : nhanh, chậm và ít. Nhưng biến động rõ nhất là các nhóm nhân tố biến động nhanh. Đây là nhóm chỉ thị thường được chọn làm các đặc trưng để phân biệt lũ quét với lũ thường.
LÊ HÙNG – Tổng hợp