Môi trường vừa là thành tố chủ chốt nằm trong mô hình kinh tế tuần hoàn vừa là đối tác nằm ngoài nền kinh tế tuần hoàn như thành phần nhị phân B của thành phần kinh tế tuần hoàn A mà nếu thiếu nó thì tập hợp A/B không thể hoạt hóa được.
Môi trường vừa yếu tố cấu thành, vừa là tiền đề và động lực của mô hình kinh tế tuần hoàn. Có thể ví nó như trục xương sống mang thần kinh trung ương của cơ chế kinh tế tuần hoàn và xuyên suốt hiện diện tác động trên toàn bộ mô hình. Vấn đề môi trường là nòng cốt hệ trọng đến nỗi nếu tách rời khỏi các giải pháp môi trường, hoạt động kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành vô nghĩa, bất khả thi.
Môi trường là điều kiện tiên quyết để thực hiện kinh tế tuần hoàn
Môi trường là điều kiện tiên quyết định đoạt tất cả sức công hiệu của các giải pháp kinh tế tuần hoàn, hay nói đến Kinh tế tuần hoàn là nói đến Môi trường.
Kinh tế tuần hoàn ngay từ cơ bản đã có mối gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với môi trường. Thực tế đã cho thấy những quốc gia tiên phong trong đề xuất nền kinh tế tuần hoàn là những nước có mức phát triển cao về khoa học, công nghệ, dịch vụ môi trường, đồng thời với thu nhập quốc dân cao và chỉ số phát triển con người. Như Thụy Điển nói riêng và cả EU nói chung, cũng như những nước lớn như Trung Quốc, đang gặp những vấn nạn to lớn về môi trường do mất cân đối phát triển.
Trung Quốc cũng gặp tình trạng ô nhiễm đầy ẩn họa của nền kinh tế tiêu dùng một chiều, gây phát thải quá nhiều. Dù chưa có đủ điều kiện cơ sở để triển khai đồng bộ, Trung Quốc vẫn phải đề xuất thực thi sớm từ hơn 10 năm trước vận hành nền kinh tế tuần hoàn, nhằm giải quyết bài toán về phát thải ô nhiễm và kiệt quệ tài nguyên do hệ lụy của tăng trưởng nóng.
Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế đối với môi trường tự nhiên, trong hệ thống kinh tế phải khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thô và giảm đến mức tối thiểu chất thải ra môi trường do chính nền kinh tế đó tạo ra, thông qua tái sử dụng, tái chế chất thải. Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được dựa trên nguyên lý động lực học, định luật bảo toàn vật chất và năng lượng, tính thực tiễn của hoạt động kinh tế, cho phép chuyển hóa chất thải quay vòng trở lại đầu vào của hệ thống kinh tế.
Điểm xuất phát mở đầu chuỗi tái chế này luôn phải là chất thải phải được thu gom và phân loại tại nguồn như một điều kiện ắt có và đủ. Nếu chất thải không qua khâu này hoặc đã phân loại thu gom xong mà phương tiện vận chuyển hay bãi trung chuyển tập kết cũng gom chung lại thì toàn guồng máy kinh tế tuần hoàn đã bị hỏng hóc từ khâu nguyên liệu đầu vào.
Về mặt chủ trương, quản lý, giám sát thực hiện ở các đơn vị nhà nước chuyên trách, những doanh nghiệp, thì việc xây dựng vận hành kinh tế tuần hoàn phải là quyết sách nhất quán, lâu dài, nghiêm túc chứ không phải triển khai tổ chức thực hiện theo tư duy nhiệm kỳ của các nhân vật chủ chốt cầm trịch luật chơi từ cộng đồng đến doanh nghiêp cho đến chính quyền. Và nói cho cùng, đây không phải một game quản lý kinh tế xã hội mà là vấn đề sống còn với kinh tế đất nước và quốc tế trong tương quan nghịch lý giữa Tăng trưởng và Môi trường trước một viễn cảnh ảm đạm về ô nhiễm sinh thái, biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên của mọi nơi trên ngôi nhà chung Trái đất này.
Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, các nền kinh tế lớn với khoa học kỹ thuật tiên tiến, các doanh nghiệp đa quốc gia, cũng cho thấy việc chọn lọc thu gom chất thải nên tổ chức từ nguồn, việc xử lý nên là xử lý tập trung ở đầu vào, việc tái hòa nhập theo vòng tuần hoàn theo chuỗi tái cung ứng chuyên môn hóa theo chủng loại và tính chất các chất thải được tái chế hay nguyên liệu thứ sinh chia sẻ.
Ở Việt Nam, để phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội – môi trường đất nước, nên chuyên môn hóa theo từng công năng sản xuất ngành. Ngành nào với sản phẩm nào phải tổ chức được kênh thu hồi các phế phẩm đó ngược theo lộ trình chuỗi cung ứng của mình hoặc thu hồi xử lý tập trung ở điểm cuối kênh phân phối. Nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải tận thu bằng hết chất thải trong đời sống (zero waste) để vận hành suôn sẻ cơ chế, trật tự kinh tế – xã hội – môi trường của mình.
Kết luận và đề xuất các giải pháp phát triển nền kinh tế tuần hoàn
Trong nền Kinh tế tuần hoàn, con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể, con người tạo ra mọi thứ và con người cũng tiêu thụ những thứ đó. Con người đối xử với Môi trường ra sao thì nhận lại hệ quả tác động như vậy. Bản thân con người và sức lao động của mình là điển hình rõ nhất của năng lượng tái tạo, khả năng tái sản xuất trong nền kinh tế tuần hoàn.
Nền kinh tế tuần hoàn là một mô thức vận hành từ ý chí con người, do hành động con người và vì quyền lợi con người. Vì vậy trong cơ chế kinh tế tuần hoàn, con người là giá trị cốt lõi; Môi trường và tài nguyên, năng lượng sạch, tái tạo là nhóm giải pháp phần cứng; Giáo dục, thay đổi hành vi, kiểm soát, quản lý, ứng dụng, tương tác, thiết kế, vận hành, thu hồi, xử lý, tái tạo… là nhóm giải pháp phần mềm.
Chỉ khi bảo đảm đồng bộ sự phối hợp hoạt động trơn tru của các nhóm giải pháp trên thì mới bảo đảm được hiệu quả vận hành của nền Kinh tế tuần hoàn.
Nhằm bảo đảm cho sự hiện diện căn cơ và duy trì – phát triển hiệu quả một nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần thực hiện được những bước đi cần thiết như sau:
(1) Cần phải có một hành lang pháp lý từ chủ trương thực thi đến chế tài pháp luật rõ ràng cùng với một lộ trình những bước đi cụ thể và đi kèm là hệ thống quản lý, giám sát hiệu lực, đồng thời cần sớm có cơ chế, chính sách cho phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải, để chúng trở thành nguồn tài nguyên.
(2) Cần trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn; Chọn lọc, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao 4.0 để đi nhanh, đi tắt, đón đầu; Tiến hành triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn theo cách tiếp cận chung toàn cầu nhằm chuyển đổi áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của ta.
(3) Cần xác lập tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn để định vị mức độ vận hành; Tận dụng điều kiện phát triển dựa trên các chuyên ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình gần như kinh tế tuần hoàn để bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn ứng dụng phù hợp từ thí điểm đến nhân rộng phổ cập.
(4) Cần tạo tiền đề về cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư và xác định vai trò doanh nghiệp trong nền kinh tế tuần hoàn, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện, huy động nguồn vốn xã hội.
(5) Phải thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn theo đúng lộ trình và phân cấp các ưu tiên dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội. Đối với Việt Nam, ưu tiên trước hết là chất thải nhựa và túi ni-lon phải cần tiết giảm triệt để, đồng thời quyết liệt thực hiện việc phân loại rác tại nguồn như một yêu cầu bắt buộc, tiêu chí đánh giá văn hóa đối với người dân, nhằm thu gom, sàng lọc, vận chuyển, xử lý chất thải đưa vào tái sử dụng, tái chế.
Tóm lại, để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần phải hiểu rõ bản chất và cách thức phát triển này. Để phát triển kinh tế tuần hoàn cần tổng kết, đánh giá những kết quả thực hiện, từ đó nhận dạng những cách thức phát triển hiệu quả hơn theo những tiêu chí của kinh tế tuần hoàn.
Điều tiên quyết cần được khẳng định là ta sẽ đưa ngay càng sớm càng tốt nền Kinh tế tuần hoàn này vào hệ thống kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, để có bước đi cân đối vững chắc trong tổng thể hài hòa giữa cung – cầu, giữa sản xuất – tiêu dùng, giữa khai thác – tái tạo nguồn tài nguyên, năng lượng, và cuối cùng là giữa tăng trưởng kinh tế không đối lập với sự ổn định và phát triển bền vững của các hệ sinh thái quanh ta.
LÊ HÙNG
Nguồn bài 1: http://thegioimoitruong.vn/nhan-dien-nen-kinh-te-tuan-hoan.html
Nguồn bài 2: http://thegioimoitruong.vn/bai-2-nen-kinh-te-tuan-hoan-la-yeu-cau-tat-yeu.html
Nguồn bài 3: http://thegioimoitruong.vn/bai-3-uu-diem-cua-nen-kinh-te-tuan-hoan.html
Nguồn bài 4: http://thegioimoitruong.vn/bai-4-vai-tro-cua-moi-truong-trong-nen-kinh-te-tuan-hoan.html
Nguồn bài 5: http://thegioimoitruong.vn/bai-5-nhung-bat-cap-ve-giai-phap-moi-truong-lien-quan-den-kinh-te-tuan-hoan.html