Sức bật từ chính sách phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

21/11/2020 11:57

(77)


Những năm gần đây, với sức bật lớn từ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ, cùng sự chủ động, tích cực từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp, năng lượng tái tạo đang nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh năng lượng chung của Việt Nam, và sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong đa dạng hóa nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn tới.

Bùng nổ mạnh mẽ

Phát biểu tại “Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020”, Đại sứ EU Giorgio Aliberti từng khẳng định, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất ấn tượng trong công cuộc chuyển đổi năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.

Nhìn lại cả thập kỷ, có thể thấy rằng, trong giai đoạn 2011 – 2015, NLTT tại Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ. Điều này được lý giải do công nghệ chưa phát triển nên giá thành sản xuất của các loại hình sản xuất điện tái tạo vẫn còn cao và chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Tới giai đoạn 2016 – 2019, việc phát triển NLTT đã có sự bùng nổ mạnh mẽ. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện từ NLTT của Việt Nam đã đạt gần 6.000 MW, trong đó có gần 5.245 MW điện mặt trời, khoảng 450 MW điện gió và 325 MW công suất điện sinh khối, gần 10 MW điện chất thải rắn và khoảng có trên 47.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với tổng công suất khoảng 1.000 MW.

Đáng chú ý, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn từ cuối năm 2018 đến năm 2019, đã đưa vào vận hành gần 5.000MW điện gió và điện mặt trời.

Hiện tại tổng công suất của điện NLTT đã chiếm trên 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện.

So sánh với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, khối lượng công suất đặt của NLTT đến nay đã vượt khá xa các mục tiêu của quy hoạch, đặc biệt là điện mặt trời.

Cụ thể, tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, công suất điện mặt trời tới năm 2020 dự kiến là 850 MW, thực tế đến tháng 8 năm 2020 đạt được 5.245 MW. Công suất điện gió tới năm 2020 dự kiến là 800 MW, thực tế đến tháng 8 năm 2020 đạt được 450 MW và dự kiến sẽ vượt công suất điện gió tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh trong tương lai gần.

Đặc biệt, không chỉ bùng nổ về công suất, chi phí sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng rẻ hơn nhờ vào sự tiến bộ của khoa học công nghệ.

Theo hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, tại Việt Nam, giá vốn điện mặt trời đã giảm 75% và điện gió giảm 30% từ năm 2012 – 2017. Xu hướng này còn tiếp tục giảm và năng lượng tái tạo đang trở thành nguồn sản xuất điện mới giá rẻ.

Việc phát triển năng lượng tái tạo còn giúp Việt Nam giảm được 60% nhiên liệu nhập khẩu, cũng như giảm rủi ro từ việc biến động giá nhiên liệu. Đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng hứa hẹn tạo ra hơn 465.000 việc làm mới trong tương lai.

Sức bật từ chính sách

Đóng vai trò lớn trong những thành công gần đây của Việt Nam trong ngành NLTT chính là các chính sách khuyến khích phát triển NLTT, và tất nhiên sự chủ động nắm bắt cơ hội tiếp cận ưu đãi từ phía doanh nghiệp.

Tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh việc phát triển một cách hài hòa các nguồn năng lượng quốc gia, đặc biệt ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Ngày 10/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Ngày 5/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.

Mới hơn, ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng tiếp theo Quyết định 11.

Mặt khác, Chính phủ cũng dành những ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất hay các khoản vay tín dụng cho các dự án NLTT phù hợp.

Thực tế, những cơ chế này đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường điện NLTT tại Việt Nam, khi dành mức giá ưu đãi cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối, giúp giảm thiểu các nguy cơ vốn có trong lĩnh vực phụ thuộc vào thiên nhiên như năng lượng tái tạo.

Trong đó, Bộ Công Thương không chỉ giữ vai trò tham mưu chính sách, mà còn bám sát những Quyết định của Chính phủ và ban hành nhiều thông tư hướng dẫn cùng các chương trình kế hoạch triển khai thực hiện.

Quá trình đưa các cơ chế vào đời sống, nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần phải bám sát với thực tiễn quy hoạch và nguồn lực tại địa phương, chú trọng sự trao đổi hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp. Chỉ như vậy mới có thể tạo dựng được hành lang thông thoáng nhất cho doanh nghiệp và địa phương cùng đầu tư phát triển NLTT theo hướng bền vững, hiệu quả.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương cũng chủ động nghiên cứu, đề xuất các chương trình thí điểm về cơ chế mua bán điện tái tạo, cho thấy sự tiến bộ tích cực trong chiến lược phát triển NLTT tại Việt Nam, cho thấy định hướng phát triển nghiêm túc và sẵn sàng triển khai các cơ chế hỗ trợ để khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này.

“Việc đổi mới quản lý và hướng tới những cơ chế, chính sách có tính đột phá là một nội dung quan trọng để thực hiện được mục tiêu phát triển lĩnh vực NLTT”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Giải quyết bài toán truyền tải

Theo Nghị quyết 55, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp được lên kế hoạch đạt 15 – 20% vào năm 2030 và tăng lên 25 – 30% vào năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất là 30% vào năm 2030 và 40% vào năm 2025.

Những mục tiêu này không hề xa vời, khi mà sau khi Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió, nhiều thành phần kinh tế đã tham gia nghiên cứu và đề xuất đầu tư phát triển hàng loạt dự án điện tái tạo với quy mô rất lớn.

Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu tập trung mật độ cao tại một số khu vực tiềm năng như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk, Gia Lai, Quảng Trị, các tỉnh khu vực Tây Nam bộ… dẫn đến khả năng gây áp lực lớn lên hệ thống điện truyền do không đáp ứng yêu cầu đồng bộ về tiến độ đầu tư.

Kết quả thống kê cho thấy sau gần 5 năm thực hiện Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh, lưới điện truyền tải được xây dựng với khối lượng khá lớn và đạt khoảng 70%-90% so với yêu cầu quy hoạch của cả giai đoạn 2016-2020. Mặc dù vậy, tình trạng chậm tiến độ của một số công trình 500-220 kV diễn ra ở cả 3 miền, tập trung nhiều ở miền Bắc và miền Nam.

Để giải quyết vấn đề này, trước đó, Bộ Công Thương đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn bản số 7854/BCT-ĐL ngày 27/9/2018, bổ sung 15 công trình lưới điện truyền tải vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; đồng thời phê duyệt danh mục các công trình lưới 110 kV cần thực hiện để giải tỏa công suất các nguồn NLTT trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Đầu năm 2020, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương ban hành Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ về nguyên tắc và quy trình thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các dự án điện. Trong đó, việc bổ sung quy hoạch được thực hiện theo thứ tự ưu tiên lưới điện trước, nguồn điện sau, ưu tiên các khu vực có ít dự án NLTT, có khả năng giải tỏa công suất (đã có tính toán khả năng giải tỏa công suất), xem xét thận trọng các khu vực khác.

Như vậy, chỉ đưa vào Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh những dự án điện cấp bách có tổng công suất bằng với năng lực giải tỏa công suất của hệ thống lưới điện và trạm biến áp. Tương tự cũng sẽ thực hiện như vậy với Quy hoạch Điện VIII.

Mặt khác, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế xã hội để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải (220 kV, 500 kV và cấp điện áp cao hơn). Trước mắt thực hiện một số công trình lưới điện truyền tải có chức năng thu gom, giải toả công suất các nguồn điện NLTT. Sau đó, đánh giá tổng kết để nhân rộng cơ chế huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế xã hội cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.

Theo Tạp chí công thương

Đọc thêm

lên đầu trang