Trong hai ngày 26, 27 tháng 5 vừa qua, đã diễn ra phiên họp đầu tiên của Nhóm Công tác kỹ thuật về Thị trường Năng lượng, trong khuôn khổ Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) giai đoạn II.
Phiên họp có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của gần 120 đại biểu, là đại diện của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương, đại diện chính quyền địa phương, đại diện các cơ quan ngoại giao, các cơ quan phát triển quốc tế, đại diện các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, cũng như các lĩnh vực liên quan khác.
Thống nhất kế hoạch hoạt động trong năm 2022
Các nội dung tham luận chính xoay quanh tình hình thị trường dầu khí, than, thị trường điện Việt Nam và định hướng trong giai đoạn tiếp theo, Dự thảo chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hang (DPPA), các kịch bản giảm nhiên liệu hóa thạch trong ngành điện, thị trường các-bon,…
Cụ thể, tại thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã diễn ra phiên họp đầu tiên của Nhóm Công tác kỹ thuật về Thị trường Năng lượng, trong khuôn khổ Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (viết tắt là VEPG) giai đoạn II. Phiên họp được chủ trì bởi bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng, Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương và ông Sean Lawlor, cán bộ ngoại giao, Đại sứ quán Mỹ.
Phiên họp có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của gần 120 đại biểu, là đại diện của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương, đại diện chính quyền địa phương, đại diện các cơ quan ngoại giao, các cơ quan phát triển quốc tế, đại diện các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, cũng như các lĩnh vực liên quan khác.
Mục tiêu chính của phiên họp là cập nhật chính sách, định hướng quốc gia cho thị trường dầu khí, than và thị trường điện tại Việt Nam, đặc biệt là những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của các thị trường này trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết về việc đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 theo tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26.
Phiên họp cũng nhằm xác định các chủ đề trọng tâm của Nhóm Công tác Kỹ thuật, đồng thời thống nhất kế hoạch hoạt động của nhóm trong năm 2022.
Cần nhanh chóng hình thành “Thị trường năng lượng” trong giai đoạn mới
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), tiềm năng dầu khí của Việt Nam là 4.5 đến 7.1 tỷ TOE, trong đó 25% là dầu thô và 75% là khí thiên nhiên, 50% trữ lượng nằm ở vùng nước sâu xa bờ. 85% sản lượng của thị trường khí đốt phục vụ cho ngành điện.
Đối với thị trường than, mỗi năm than nguyên khai khai thác khoảng 40-47 triệu tấn/năm, trong khi than thương phẩm sản xuất khoảng 37-45 triệu tấn/năm (chiếm 85-90% so với than nguyên khai). Sản lượng than cung cấp cho sản xuất điện tăng hơn 2 lần từ khoảng 32 triệu tấn năm 2016 lên khoảng 70 triệu tấn năm 2021.
Trong giai đoạn tiếp theo, ngành dầu khí và than hướng tới mục tiêu chung bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng thời, hai ngành này cần xây dựng và phát triển thị trường theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh theo từng giai đoạn có sự điều tiết của Nhà nước.
Đối với thị trường điện, đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã chia sẻ tại phiên họp về lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh, với các cấp độ từ thị trường phát điện cạnh tranh (2012-2018), sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2019 trở đi), và giai đoạn 2021-2023 là giai đoạn thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trước khi chính thức áp dụng toàn diện.
Các nội dung chính trong Dự thảo chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng (DPPA) cũng được trình bày tại phiên họp, trong đó nêu rõ quy mô thí điểm, đối tượng áp dụng, cách thức lựa chọn dự án thí điểm và quy trình triển khai thí điểm cho các đơn vị quan tâm.
Các đối tác phát triển quốc tế cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm và nghiên cứu với lượng thông tin phong phú và chất lượng. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã báo cáo về các hoạt động hỗ trợ trong khuôn khổ Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) đối với Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc, cũng như các kết quả nghiên cứu chuyên sâu về các kịch bản giảm nhiên liệu hóa thạch trong ngành điện.
Bên cạnh đó là những chia sẻ về thị trường các-bon đến từ đại diện của Tổ chức quỹ Châu Á, và bài trình bày về cơ chế vận hành linh hoạt các nhà máy nhiệt điện than của Đan Mạch.
Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã bàn bạc và thống nhất những chủ đề trọng tâm của Nhóm Công tác kỹ thuật về Thị trường năng lượng trong giai đoạn mới bao gồm: thị trường bán buôn điện cạnh tranh, hợp đồng mua bán điện trực tiếp, định hướng cho thị trường than, đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển cho các nguồn NLTT, điện khí LNG, Hydogen xanh.
Trong ngày làm việc thứ hai, các đại biểu đã có cơ hội đi thăm quan thực địa tại nhà máy điện gió Thái Hòa, tỉnh Bình Thuận. Lãnh đạo và cán bộ nhà máy đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động lên kế hoạch, xây dựng và vận hành nhà máy.
Qua đó, đoàn công tác có cái nhìn thực tế về các cơ hội và thách thức của nhà máy trong điều kiện thị trường và cơ chế, chính sách hiện hành, cũng như các kỳ vọng của ban lãnh đạo nhà máy vào trị trường trong tương lai.
Tiếp nối phiên họp của Nhóm Công tác kỹ thuật về Thị trường năng lượng sẽ là phiên họp của Nhóm công tác kỹ thuật về Đấu nối lưới và hạ tầng ngành điện, dự kiến tổ chức vào tuần cuối tháng 6.
BOX TƯ LIỆU
Trong năm 2021, VEPG đã tái cơ cấu các nhóm Công tác kỹ thuật, xác định các chủ đề trọng tâm phù hợp với nhu cầu cấp thiết của quốc gia cũng như tận dụng được các nguồn lực hỗ trợ từ trong và ngoài nước.
Hai nhóm Công tác kỹ thuật được giữ nguyên là Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, ba nhóm công tác kỹ thuật mới được thành lập là Quy hoạch chiến lược ngành điện, Tích hợp lưới điện và Hạ tầng lưới điện, và Thị trường Năng lượng.
Việc chuyển đổi hình thức tổ chức các phiên thảo luận của các Nhóm Công tác Kỹ thuật VEPG theo mô hình kết hợp giữa đối thoại và khảo sát thực địa tại địa phương sẽ hỗ trợ cho các Nhóm Công tác Kỹ thuật có cái nhìn thực tế và khách quan về tác động, hiệu quả của cơ chế, chính sách đến tình hình thực hiện các dự án năng lượng nói riêng và cũng như đến việc phát triển kinh tế xã hội tại các cấp nói chung trong bức tranh tổng thể phát triển ngành và xã hội.
Ngoài ra, căn cứ trên nhu cầu thực tế, các Chủ trì và Đồng chủ trì sẽ xem xét thành lập các nhóm chuyên gia đặc trách phù hợp để thảo luận các lĩnh vực, chủ đề chuyên sâu về các khuyến nghị chính sách, giải pháp kinh tế, kỹ thuật cụ thể và thiết thực nhằm một mặt phát huy lợi thế sẵn có của ngành, đồng thời khắc phục những tồn tại, khó khăn.
Kết quả làm việc của các Nhóm Công tác Kỹ thuật và Nhóm chuyên gia đặc trách sẽ được đệ trình lên Ban chỉ đạo VEPG trong các phiên họp Ban chỉ đạo VEPG và Hội nghị cấp cao VEPG lần tiếp theo.