Nước sông Già – nguồn cung cấp cho Nhà máy nước sạch cụm Bắc Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sự việc khiến 4000 hộ dân đang hưởng lợi từ nhà máy phải tạm dừng sử dụng và quay lại dùng nước mưa, nước giếng để sinh hoạt.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cho biết: Trước việc nước sông Già ô nhiễm buộc Nhà máy nước sạch cụm Bắc Hà Tĩnh phải tạm dừng cấp nước để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Việc tạm dừng cấp nước đã diễn ra bốn ngày nay.
“Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, tiến hành lấy mẫu phân tích ngay khi nhận được báo cáo của đơn vị quản lý công trình. Quan điểm của chúng tôi là nước qua xử lý của nhà máy phải đảm bảo sạch theo quy chuẩn thì mới cung cấp cho người dân sử dụng. Trước mắt, người dân phải tạm thời ngừng sử dụng nước máy để các cơ quan chuyên môn tìm nguyên nhân, có phương án xử lý nguồn nước đang bị ô nhiễm”, ông Quang nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Quang, nguyên nhân nguồn nước sông Già bị ô nhiễm phải chờ kết quả phân tích, kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, nhưng bằng kinh nghiệm thực tiễn những năm gần đây của đơn vị thì nước sông Già chuyển màu và đang ô nhiễm là có ảnh hưởng của yếu tố thời tiết.
“Dọc hai bên bờ sông Già sau khi người dân gặt lúa, không thu dọn rơm rạ, gặp mưa lũ vừa qua đã bị ngập úng, phân hủy. Khi có mưa thì nước chảy xuống sông Già cuốn theo nhiều hợp chất hữu cơ khiến nước sông chuyển màu đỏ, cặn. Đây là vấn đề thường gặp mà năm nào chúng tôi cũng dự báo trước 4-5 ngày sau khi người dân thu hoạch lúa”, ông Quang cho biết thêm.
Ngoài yếu tố ô nhiễm do các hợp chất hữu cơ thì nước ở sông Già còn chứa nhiều hợp chất khác mà theo kết qua phân tích ban đầu của cơ quan chức năng, hàm lượng sắt trong nước đang vượt mức cho phép sáu lần. Đây cũng là lý do mà nhà máy quyết định phải tạm dừng cấp nước sinh hoạt.
Theo ghi nhận tại hiện trường, khu vực sông Già đoạn chảy qua hai xã Thạch Kênh và Thạch Liên, huyện Thạch Hà, nước có màu nâu sẫm, bốc mùi khó chịu. Đặc biệt, hai bên bờ sông bèo dày đặc, cá tự nhiên bị chết, xác đang phân hủy.
Được biết, công suất của nhà máy theo thiết kế có thể cung cấp nước cho 4500 hộ dân thuộc các xã phía Bắc của huyện Thạch Hà. Đây là công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) trực tiếp quản lý.
Năm 2016, nhà máy đi vào hoạt động đã có 4000 hộ thuộc các xã Thạch Liên, Thạch Kênh, Phù Việt, Việt Xuyên đăng ký tham gia hưởng lợi. Do đó, việc dừng cấp nước bị ô nhiểm để đảm bảo sức khỏe cho người dân là việc cần thiết nhưng cũng đang khiến cho chừng ấy hộ dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
Bà Nguyễn Thị Xuân, ở thôn Nguyên, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà chia sẻ: “Việc tạm ngừng cung cấp nước nếu kéo dài thì người dân sẽ hết sức khó khăn. Để có nước sinh hoạt thì hiện tại gần mười hộ dân xung quanh đang phải quay trở lại dùng chung nước giếng của gia đình bà và chờ khi nào nhà máy có nước sạch cung cấp”.
Theo tìm hiểu, từ khi có nước sạch của nhà máy cung cấp thì đa phần các hộ dân đã lấp giếng khoan. Ngoài những hộ đang còn giếng thì dân làng chia sẽ dùng chung, còn một số hộ thì vẫn có thói quen dùng lu để tích nước mưa nên trước mắt vẫn còn có nước sử dụng “chắt bóp” như trường hợp bà Xuân. Mặc dù vậy, nếu để tình trạng này kéo dài cuộc sống người dân dễ bị đảo lộn.
Được biết, giải quyết vấn đề ở nhà máy nước sạch Bắc Thạch Hà, lãnh đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh khẳng định: Sẽ nỗ lực hết mình để sớm có nước sạch cung cấp cho người dân sử dụng. Đơn vị đang tính đến phương án dẫn nguồn nước từ nơi khác để tẩy rửa làm sạch sông Già.
Theo TN&MT