Ô nhiễm đe dọa an toàn cấp nước của TP.HCM

28/09/2019 09:21

(69)


Tại hội thảo về cung cấp nước sạch cho người dân TP.HCM giai đoạn 2019-2035 tổ chức ngày 27/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan bày tỏ lo ngại về an toàn cấp nước của TP.HCM. Bởi vì TP.HCM nằm cuối lưu vực, không thể kiểm soát ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn và Đồng Nai.

Nhân viên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn kiểm tra chất lượng nước tại đồng hồ của khách hàng

TPHCM bị động hứng ô nhiễm

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định, những năm qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực đảm bảo 100% người dân thành phố tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch. Tuy nhiên, hệ thống cấp nước TP.HCM vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một đô thị hiện tại và trong tương lai. Ngoài ra, TP.HCM rất khó kiểm soát chất lượng nguồn nước thô. Cụ thể, TP.HCM đang khai thác nước thô từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai rồi xử lý thành nước sạch cung cấp cho người dân. Tác động của phát triển kinh tế – xã hội đã gây ra ô nhiễm nguồn nước dọc theo lưu vực các sông này rất lớn. Thế nhưng, TP.HCM nằm cuối lưu vực các sông nên không kiểm soát được ô nhiễm. Mặt khác, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn nước thô. “Những yếu tố vừa nêu sẽ gây mất an toàn cấp nước trong tương lai của thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan quan ngại.

Chia sẻ lo ngại trên, ông Sytze Jarigsma, nguyên Giám đốc dự án thường trú của Chương trình hỗ trợ chuyên ngành cấp nước (USP) của Hà Lan, nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc quy hoạch ngành cấp nước. Theo ông Sytze Jarigsma, TP.HCM đang sử dụng nguồn nước thô từ sông và nước ngầm để sản xuất nước sạch. Thế nhưng, tất cả hoạt động khai thác nước ngầm sẽ dần dần chấm dứt để hạn chế sụt lún mặt đất. Về nguồn nước thô thì nước sông Sài Gòn có chất lượng không tốt, do ô nhiễm và nhiễm mặn. Nguồn còn lại là nước sông Đồng Nai có thể tiếp tục khai thác nhưng cũng sẽ bị nhiễm mặn do biến đổi khí hậu. Vì thế, TP.HCM cần xem xét phương án lấy nước thô tại thượng nguồn hồ Dầu Tiếng và Trị An, theo đề xuất của JICA. Cùng với đó là xây dựng các bể chứa gần các điểm lấy nước, trữ nước từ 1-20 ngày (để khắc phục tình trạng nhiễm mặn) và giải pháp pha loãng nước nhiễm mặn, khử mặn, tái chế nước thải, thu gom nước mưa, tác động đến nhu cầu dùng nước (qua giá nước)…

Đồng tình về giải pháp đảm bảo an ninh cung cấp nước, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), cho rằng chính quyền TP.HCM cần phối hợp với các địa phương liên quan và có giải pháp đảm bảo nguồn nước thô cung cấp cho TP.HCM đạt chất lượng. “Việc tập trung bảo vệ nguồn nước thô sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc tập trung cho việc xử lý nước”, bà Thanh bày tỏ.

Cấp nước thông minh, giảm thất thoát nước

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ về việc cung cấp nước uống tại vòi. Để làm được việc này, bên cạnh việc xử lý nước đảm bảo chất lượng, cung cấp nước với áp lực đủ mạnh còn đòi hỏi phải có hệ thống đường ống đảm bảo. Do mạng lưới đường ống hiện nay của TP.HCM còn tồn tại nhiều ống cũ nên nếu để cung cấp nước uống tại vòi thì TP.HCM cần thực hiện lộ trình.

Dù vậy, đại diện một đơn vị cấp nước cho rằng, nhiệm vụ đầu tư cung cấp nước uống tại vòi là không đơn giản. Trước hết, để cung cấp nước uống tại vòi thì phải tuân theo nhiều chỉ tiêu, chất lượng nghiêm ngặt và quy định, quy chuẩn hiện hành gây nhiều khó khăn trong thực hiện. Một trở ngại lớn nữa là nguồn vốn đầu tư. Hiện nay, giá nước sạch của TP.HCM ở mức thấp so với nhiều nơi trong khu vực và không được điều chỉnh tăng trong một thời gian dài. Vì vậy, ngành cấp nước không có đủ kinh phí đầu tư phát triển. Mặt khác, giá nước thấp cũng gây trở ngại trong kêu gọi đầu tư, vì khả năng hoàn vốn gặp khó khăn.

Ở một khía cạnh khác, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình nhận xét, tỷ lệ thất thoát nước cao tác động đến giá nước rất lớn. Do đó, TP.HCM đang phối hợp với đối tác nước ngoài để kéo giảm lượng nước thất thoát, góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động của ngành cấp nước.

Về vấn đề này, ông Arnold Jether A.Mortera, Công ty Manila Water (Philippines), chia sẻ về kinh nghiệm cung cấp nước cho thủ đô Manila. Ban đầu, công ty cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là hệ thống cấp nước cũ kỹ, thất thoát nước cao. Để khắc phục các bất cập này, Công ty Manila Water chia địa bàn quản lý ra nhiều khu vực cấp nước nhỏ để theo dõi được mọi diễn biến trong các khu vực này. Qua đó, tỷ lệ thất thoát nước được kéo giảm từ 63% (năm 1997) xuống còn 10% như hiện nay. Từ việc giảm sâu tỷ lệ thất thoát nước, đơn vị không cần xây dựng thêm nhà máy nước mới mà vẫn đủ nước cung cấp nhu cầu gia tăng của khách hàng.

Ông Vikas Maurya, Tập đoàn ABB, đề xuất giải pháp tối ưu hóa mạng lưới thông minh để đảm bảo nguồn cấp nước an toàn, hiệu quả và tin cậy. Cụ thể, ABB đưa ra giải pháp kiểm soát và giám sát mạng lưới cấp nước để phát hiện rò rỉ nước, xử lý kịp thời.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM VÕ VĂN HOAN:

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 có tổng công suất cấp nước vào khoảng 3,7 triệu m³/ngày, tỷ lệ thất thoát nước sạch dưới 15%, tiêu chuẩn dùng nước là 180 lít/người/ngày. Do đó, TP.HCM phải khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp nước của TP.HCM. Trong quy hoạch này phải gắn với cả vùng, gắn với quy hoạch nước thải và chú trọng đến an toàn cấp nước (cả về nguồn nước thô và nước sạch) đảm bảo ổn định cung cấp nước.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ nghiên cứu, xác định giải pháp đảm bảo nguồn nước thô để sản xuất nước sạch, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; xây dựng các bể chứa nước sạch lớn trên hệ thống mạng lưới cấp nước để điều tiết và dự phòng. Cùng với đó là việc nghiên cứu giải pháp công nghệ để giảm thất thoát nước và tối ưu hóa chi phí vận hành hệ thống cấp nước. Đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cấp hệ thống cấp nước của TP.HCM hướng tới cung cấp nước sạch uống được tại vòi.

Theo SGGP

Đọc thêm

lên đầu trang