Hàn Quốc đang nỗ lực xây dựng một xã hội sử dụng hydrogen làm nguồn năng lượng chính cho ô tô và các mục đích sử dụng hàng ngày khác. Chính sách này được xem là dự án then chốt của chính phủ Tổng thống Moon Jae-in.
Theo kế hoạch, số lượng xe chạy bằng hydrogen vào năm 2040 sẽ đạt 6,2 triệu chiếc, trong đó có 3,3 triệu chiếc dành để xuất khẩu, giúp Hàn Quốc trở thành nước sản xuất xe thân thiện với môi trường hàng đầu thế giới.
Bộ Công nghiệp Hàn Quốc vừa thông báo, đang lên kế hoạch lắp đặt 1.200 trạm sạc hydrogen trên khắp cả nước vào năm 2040 để thực hiện mục tiêu sử dụng hydrogen làm nguồn năng lượng chính cho nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này. Hiện Hàn Quốc đang vận hành 29 trạm sạc hydrogen, trong đó có 3 trạm tại thành phố Seoul. Số lượng các trạm sẽ được mở rộng dần dần cho đến 310 trạm vào năm 2022. So với nhiên liệu hóa thạch, hydrogen là nhiên liệu thân thiện với môi trường khi các xe chạy bằng hydrogen chỉ tạo ra nước trong quá trình hoạt động. Ước tính, gần 3.000 ô tô chạy bằng nhiên liệu hydrogen đã đưa vào lưu thông tại Hàn Quốc. Năm ngoái, Hàn Quốc cũng bắt đầu thử nghiệm các xe buýt chạy bằng hydrogen, nhằm mở rộng sự hiện diện của các loại xe sử dụng nhiên liệu sạch trong giao thông công cộng. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc dự kiến sẽ thử nghiệm đến cuối năm 2022, thời điểm các xe này đã chạy được khoảng 160.000km.
Các hãng chế tạo ô tô châu Âu cũng đang chạy đua với thời gian để cố gắng đáp ứng các quy định mới về khí thải ô tô của Liên minh châu Âu (EU) và nhằm không tụt hậu so với các nhà sản xuất ô tô châu Á. Giám đốc Điều hành Volkswagen Herbert Diess cho biết, quy định mới về khí thải ô tô của EU cùng với sự ủng hộ ngày càng tăng đã thúc đẩy hãng đầu tư 80 tỷ EUR (88 tỷ USD) để hướng tới trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới. Theo quy định mới của EU, từ năm 2020, các doanh nghiệp ô tô phải giảm lượng phát thải khí CO2 xuống còn 95g/km đối với 95% số ô tô được sản xuất, từ mức 120,5g/km hiện nay. Tất cả ô tô mới được sản xuất ở các nước thành viên EU sẽ phải tuân thủ quy định khí thải trên vào năm 2021. Trong khi đó, các hãng ô tô cũng phải cắt giảm thêm 37,5% lượng khí thải CO2 của các ô tô được sản xuất trong giai đoạn 2021-2030, ngoài mức giảm 40% lượng khí thải ô tô đã được triển khai trước đó. Theo chuẩn mới, chi phí sản xuất ô tô đáp ứng các quy định về khí thải mới của EU sẽ tăng 10.000EUR/xe và mục tiêu về cắt giảm khí thải ô tô đòi hỏi phải đạt được doanh số nhất định. Hãng tư vấn kỹ thuật FEV Consulting của Đức ước tính, thị phần của ô tô điện và ô tô sử dụng động cơ lai sẽ cần tăng gấp 3 lần và 5 lần vào năm 2021 mới thực hiện được mục tiêu cắt giảm khí thải ô tô, vì vậy các hãng chế tạo ô tô đối mặt thách thức không nhỏ khi chi phí sản xuất gia tăng, kéo theo giá xe tăng cao khiến người tiêu dùng không sẵn sàng bỏ tiền mua xe.
Theo SGGP