9 Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới tại Việt Nam

20/05/2019 09:14

(1534)

Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới là danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.

Dưới đây là 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam đã được UNESCO công nhận.

Khu Dự trữ Sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (Rừng Sác) là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các sông Đồng Nai, Sài gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.

Sau giải phóng 1975, khu rừng ngập mặn này là Vùng Đất Chết bởi do bom đạn và chất hoá học tẩy trắng vùng đầm lầy. Mãi đến 1978, Cần Giờ được sáp nhập về Sài Gòn, sau đó UBND TPHCM thành lập Lâm trường Duyên Hải – phát động chiến dịch trồng lại rừng Cần Giờ, với nhiệm vụ khôi phục lại hệ sinh thái ngập mặn.

Diện tích rừng đã phủ xanh hơn 31 nghìn ha, trong đó có gần 20 nghìn ha rừng trồng, hơn 11 nghìn ha được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và các loại rừng khác. Sự khôi phục và phát triển cũng như bảo vệ của khu rừng này ghi nhận sự đóng góp rất lớn của lực lượng thanh niên xung phong thành phố và nhân dân Cần Giờ. Rừng Sắc đã được công nhận là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam.

Vào ngày 21- 01-2000, Rừng Ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam đầu tiên.

Khu Dự trữ Sinh quyển – Vườn Quốc Gia Cát Tiên

Rừng Cát Tiên là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới được thành lập 1978. Năm 1986 được nâng lên thành khu bảo tồn thiên nhiên Tây Nam Cát Tiên. Và năm 1992, rừng cấm Nam Cát Tiên được thành lập.

Vườn quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước với tổng diện tích là 71.920 ha.

Rừng nguyên sinh Cát Tiên có khoảng 1.700 loài thực vật và hơn 700 loài thú, chim quý hiếm, trong đó có nhiều loại đặc biệt quý hiếm, hầu hết có trong Sách Ðỏ và cần được bảo vệ nghiêm ngặt như: Tê giác một sừng, gà so cổ hung, cá sấu nước ngọt, chim công, trĩ, đà điểu… các loại gỗ quý hiếm như thủy tùng, giáng hương, gõ, trắc, cẩm lai, căm xe…

Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên, được mệnh danh là lá phổi xanh giữa miền Ðông Nam Bộ, được UNESCO chính thức đổi tên thành Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai và công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2002.

Khu Dự trữ Sinh quyển – Quần đảo Cát Bà

Quần đảo Cát Bà thuộc huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng. Quần đảo có diện tích khoảng gần 300 km².

Đảo Cát Bà là đảo lớn nhất nằm trong cụm đảo của Vịnh Hạ Long còn có gọi là đảo Ngọc. Truyền thuyết kể lại, một thời các bà, các chị ở đây đứng ra lo việc hậu cần cho các ông đánh giặc, Cát Bà là đọc chệch của các Bà.

Năm 2004, nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Khu Dự trữ Sinh quyển châu thổ sông Hồng

Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận vào 02-12-2004. Đây là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.

Tổng diện tích của khu dự trữ sinh quyển này lớn hơn 105.558 ha, trong đó có 66.256 ha là đất liền ven biển và 39.302 ha mặt nước biển thuộc 25 xã của các huyện Kim Sơn (Ninh Bình); Nghĩa Hưng, Giao Thủy (Nam Định); Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình).

Khu dự trữ sinh quyển này chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái, đồng quê và tắm biển.

Khu Dự trữ Sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang

Năm 2006 tại Paris, UNESCO đã công nhận khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Với diện tích hơn 1,1 triệu ha, khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong những khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam đã được UNESCO công nhận chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái.

Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang bao gồm các địa phận các huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải. Trong đó có 3 khu chính là Vườn quốc gia U Minh Thượng, VQG Phú Quốc, và Rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương – Kiên Hải.

Khu Dự trữ Sinh quyển Miền Tây Nghệ An

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển thứ 6 của Việt Nam được UNESCO công nhận vào tháng 9/2007 với trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285 ha, thuộc địa bàn 9 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn; trong đó Vườn quốc gia Pù Mát làm trung tâm đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động, thực vật với đầy đủ đại diện của 4/5 lớp quần hệ (rừng thưa, rừng kín, cây bụi và cây thảo).

Khu dự trữ này tạo nên sự liên tục về các sinh cảnh duy trì hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc giảm bớt khó khăn về chia cắt nơi sống do các hoạt động kinh tế của con người tạo ra.

Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau

Tại kỳ họp UNESCO vào cuối tháng 5/2009 tại Jeju, Hàn Quốc, đã chính thức đưa Cù Lao Chàm – Hội An (Quảng Nam) và Mũi Cà Mau (Cà Mau) vào danh sách khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây cũng là địa danh được công nhận là khu du lịch quốc gia bởi lẻ tại Mũi Cà Mau là cột mốc toạ độ quốc gia.

Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có diện tích 371.506 ha với 3 vùng được các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và dãy phòng hộ ven Biển Tây.

Nơi đây có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng tràm trên đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển… mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao.

Khu Dự trữ Sinh quyển – Cù Lao Chàm

Cù lao Chàm là một cụm đảo thuộc tỉnh Quảng Nam. Cù lao Chàm là một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại trăm năm.

Đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rặng san hô ở khu vực biển cù lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ.

Ngày 29/5/2009, Cù Lao Chàm (Hội An) được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.

Khu Dự trữ Sinh quyển – Lang Biang

Ngày 9/6/2015, UNESCO đã công nhận là Lang Biang là Khu Dự trữ Sinh Thế giới tại Việt Nam, đưa tổng số Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới tại Việt Nam lên con số 9. Đây còn là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang có diện tích 275.439 ha nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, thuộc khu vực Nam Tây Nguyên và được đặt tên theo ngọn núi Lang Biang.

Khu Dự trữ Sinh quyển bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. Các nhà khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam (2007) và 154 loài có tên trongdanh Lục Đỏ IUCN (2010). Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) cũng đã xác định nơi đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (Khu vực SA3) trong chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn của Việt Nam.

Việc Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Lang Biang được UNESCO công nhận sẽ giúp Lâm Đồng tiếp tục phát triển hệ sinh thái bền vững và khẳng định thế mạnh về thiên nhiên của vùng đất này nhằm thu hút khách du lịch Đà Lạt.

PHAN HỒNG

Đọc thêm

lên đầu trang