spot_img
HomeQuy hoạch - Kiến trúcBí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chắc...

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chắc chắn sẽ thực hiện

Cử tri huyện Cần Giờ (TP.HCM) kiến nghị với các Đại biểu Quốc hội, trong đó có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cần sớm thực hiện dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, xây cầu Bình Khánh, mở rộng đường Rừng Sác… nhằm thu hút du lịch, tạo thuận lợi cho người dân đi lại cũng như thay đổi diện mạo, phát triển huyện Cần Giờ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ

Chiều 22/6, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội đã tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Cùng tham dự buổi tiếp xúc có các ĐB Quốc hội tổ 2 gồm các ĐB Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM; Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Phó Chính ủy Quân khu 7.

Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ

Quy hoạch nuôi chim yến, phát triển du lịch Cần Giờ

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, yêu cầu lãnh đạo huyện Cần Giờ rà soát các vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến thẩm quyền của huyện, như nuôi chim yến, phát triển du lịch… Từ đó, huyện cần phối hợp với đơn vị liên quan lập quy hoạch phát triển các ngành nghề này.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng trao đổi về nhiều vấn đề cử tri đề cập. Liên quan đến ý kiến về tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương đối với TP.HCM, đồng chí thông tin, tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại 18%, trong khi Hà Nội là 35%. So với trước đây, tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại ngày càng giảm, từ mức 33% (năm 2003) giảm dần còn 18% như hiện nay.

“TP.HCM được giữ lại ít quá”, đồng chí Nguyễn Thiện bày tỏ và cho hay, vấn đề này Bộ Chính trị, Quốc hội đã nhìn thấy. Từ đó, TP.HCM được giao trong năm nay trình đề án tăng tỷ lệ để lại ngân sách TP.HCM để TP.HCM có điều kiện phát triển.

Song, khi xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ (%) ngân sách để lại cho TP.HCM mà chỉ đề cập tăng tỷ lệ ngân sách để lại “để TP.HCM phát triển” thì không đạt yêu cầu. TP.HCM còn phải làm rõ, khi tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM thì sẽ nộp về Trung ương nhiều hơn.

Đồng chí phân tích, năng suất lao động của TP.HCM cao gấp 3 lần cả nước. Cùng đó, một đồng vốn đầu tư công của TP.HCM sẽ khuyến khích được 9 đồng vốn đầu tư của tư nhân, trong khi mức bình quân cả nước là 5 đồng. TP.HCM đã tính toán và cho thấy, với năng suất lao động, hiệu quả thu hút đầu tư đã nêu, khi để lại cho TP.HCM nhiều hơn thì TP.HCM sẽ nộp (ngân sách) về Trung ương được nhiều hơn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay, TP.HCM đang chuẩn bị kỹ lưỡng đề án để báo cáo Ban Kinh tế Trung ương và xin ý kiến các bộ – ngành về phương án “ngân sách để lại cho địa phương có hiệu quả kinh tế cao thì khi kinh tế TP.HCM đã phát triển, nộp cho Trung ương sẽ nhiều hơn”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ

Đề cập đến vấn đề nhiều cử tri quan tâm là Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án. Chia sẻ với lo lắng của cử tri về vấn đề môi trường, an ninh quốc phòng khi thực hiện dự án, đồng chí yêu cầu UBND TP phối hợp với huyện Cần Giờ công bố quy hoạch dự án cùng lộ trình thực hiện cho người dân.

“Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chắc chắn sẽ thực hiện. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện dự án tiếp theo như thế nào cần được công khai để người dân được rõ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Theo quyết định của Thủ tướng, khi triển khai thực hiện dự án phải đảm bảo các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, quy hoạch giao thông, đồng thời thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường (theo báo cáo đánh giá tác động môi trường). Cùng với đó là phải tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của Unesco về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ…

Về vấn nạn cát tặc, đồng chí Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, TP.HCM đã ký kết với các địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang và bổ sung 2 tàu tốc độ cao cho Biên phòng TP truy quét cát tặc… Từ đó tình trạng này thời gian qua đã giảm hơn một nửa. Kết quả bước đầu là đáng ghi nhận, song đồng chí cũng nhấn mạnh, tình trạng khai thác cát trái phép là không thể chấp nhận được và cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh.

Cử tri nóng lòng chờ cầu Cần Giờ

Trước đó, tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu nhiều ý kiến đề xuất cụ thể phát triển huyện Cần Giờ. Đặc biệt, nhiều cử tri quan tâm đến dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (Thủ tướng vừa đồng ý điều chỉnh diện tích từ 600 ha lên gần 2.900 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng – PV).

Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ

Cụ thể, cử tri Hồng Văn Thiện (xã Cần Thạnh) kiến nghị đẩy mạnh thực hiện Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ để giải quyết công ăn việc làm của người dân xã Cần Thạnh, xã Long Hoà cũng như cả huyện Cần Giờ.

Cử tri Bùi Thế Hiền cũng đánh giá rất cao việc mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Cử tri cho rằng, dự án này sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Song cử tri cũng đề nghị cần giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện, vì đây là dự án quy mô lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, an ninh quốc phòng.

Cùng với đó, cử tri đề nghị quan tâm nâng cấp, thảm nhựa đường Rừng Sác, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân cũng như thu hút du khách đến huyện. Đồng tình, cử tri Trần Thị Kim Liên (xã Bình Khánh) kiến nghị sớm nâng cấp đường Rừng Sác, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án cầu Cần Giờ. Đây là cây cầu nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ được phê duyệt đã lâu, người dân rất nóng lòng chờ nên kiến nghị sớm triển khai xây cầu. Khi cây cầu hoàn thành sẽ giúp huyện Cần Giờ phát triển về kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, từ đó sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người dân và làm thay đổi diện mạo của huyện.

Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ

Đề cập một vấn đề khác, cử tri Lưu Văn Long (xã Lý Nhơn) phản ánh ở xã có nhiều trường hợp nuôi trồng sản xuất, như nuôi tôm công nghệ cao, song người dân không được xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đó, cử tri kiến nghị lãnh đạo TP.HCM cho phép nông dân xây chòi tạm hoặc kho chứa vật tư để tạo điều kiện cho người dân nuôi trồng thủy sản trên đất nông nghiệp. Trong khi đó, cử tri Văn Công Quang (xã Tam Thôn Hiệp) chia sẻ ở xã có nhiều hộ nuôi chim yến tự phát, nhiều nhà yến trong khu dân cư, gây ô nhiễm tiếng ồn. Vì thế, cử tri kiến nghị cần quy hoạch khu vực nuôi chim yến, vừa tránh phát triển tự phát, vừa tạo điều kiện người nuôi yến nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Ngoài ra, cử tri Lê Hồng Phúc (xã Thạnh An), đề nghị lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định công nhận xã Thạnh An là xã đảo; kiến nghị TP.HCM xem xét đưa toàn bộ diện tích cù lao Phú Lợi (trung tâm xã Thạnh An) ra khỏi ranh rừng phòng hộ, để tạo quỹ đất phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; đề nghị TP.HCM có chủ trương cho tận dụng bãi bồi thực hiện dự án lấn sông Thêu, sớm đầu tư 10 công trình phát triển xã đảo Thạnh An… nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội của xã Thạnh An nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung.

Chia sẻ với PV Báo SGGP về dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Nguyễn Quyết Thắng cho biết dự án này trước đây rộng khoảng 820 ha, trong đó có 600 ha là phần lấn biển và phần còn lại là trên bờ. Hiện dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ chỉnh mở rộng lên gần 2.900 ha, với tên gọi dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Dự án có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh hơn 217.000 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư). Dự án này được thực hiện nhằm xây dựng khu đô thị lấn biển Cần Giờ trở thành khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn… Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ.

Theo Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, dự án này là một điểm nhấn, mang tầm vóc khu vực. Toàn bộ diện tích của dự án là lấn biển, trong đó có phần diện tích vốn là đất trên bờ, bị sạt lở từ nhiều năm trước. Vì vậy, việc thực hiện dự án này là “lấy lại đất đã bị sạt lở trước đây”.

Về cầu Cần Giờ, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT, thông tin, cầu Cần Giờ là cầu dây văng một trụ tháp, thể hiện ý tưởng kiến trúc phác họa hình tượng cây đước, đặc trưng của huyện Cần Giờ. Cầu sẽ được thiết kế sử dụng lan can hình sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu. Ý tưởng chiếu sáng nghệ thuật cho cầu Cần Giờ cũng sẽ được thiết kế kèm theo.

Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài hơn 7,4 km, vượt sông Soài Rạp nối huyện Nhà Bè (tại xã Phú Xuân) và huyện Cần Giờ (tại đường Rừng Sác).

Theo ông Bùi Hòa An, dự kiến đầu năm 2022, TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, đến cuối quý 1-2022 sẽ triển khai dự án. Nếu theo hợp đồng 3 năm thì dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025, đầu năm 2026.

Theo SGGP

spot_img
spot_img
spot_img
spot_img

Đăng ký trở thành Hội viên

Tham gia Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh và cùng xây dựng môi trường xanh hơn!

Tham gia sự kiện

analytica Vietnam 2025 - Triển lãm quốc tế chuyên ngành lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực Phân tích, Thí nghiệm, Công nghệ Sinh học và Chẩn đoán

Bài liên quan:

Giới trẻ hưởng ứng tích cực trao tặng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường tại Đêm Chung kết Cảm hứng HOZO 2024...

Tiếp nối sau 2 đêm Bán kết bùng nổ tại Nhà Văn hóa Thanh niên vào tháng 10 vừa qua. HOZO một lần nữa gửi đi những lời kêu gọi chân thành đến tất cả khán giả Thành phố...

Tôn Đông Á đồng hành cùng hành tinh xanh – bước tiến vị môi trường bền vững

Trải qua 26 năm hình thành và phát triển, Tôn Đông Á đã khẳng định vị thế là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực thép lá mạ tại Việt Nam, đồng thời tiên phong thực hiện sứ mệnh...

GROWTECH VIETNAM 2024: CỘT MỐC ẤN TƯỢNG CHO CÔNG NGHIỆP NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Growtech Vietnam 2024, triển lãm quốc tế hàng đầu về thiết bị và công nghệ nông - lâm - ngư nghiệp, đã khép lại thành công vang dội sau ba ngày sôi động tại Nhà B, Trung tâm Hội...

Công bố Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 15/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại...

WEBINAR “Kinh Tế Tuần Hoàn và Đổi Mới Sáng Tạo trong Phát Triển Bền Vững”

Việt Nam đang đối mặt với áp lực về phát triển kinh tế song hành cùng bảo vệ môi trường. Hội thảo SUSTAINABLE FUTURE 7 là cơ hội để các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận các giải...

“Trại cai nhựa” cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần từ những hành động nhỏ

Ngày 16/11/2024, tại Sảnh Tây - AEON MALL Tân Phú Celadon. Choice khởi xướng dự án truyền thông "Trại Cai Nhựa" với khẩu hiệu "Cắt cơn nghiện nhựa, chữa lành hành tinh". Dự án nhằm nâng cao nhận thức về...
spot_img
spot_img