Là dự án khu đô thị du lịch lấn biển đầu tiên của TP.HCM tại huyện Cần Giờ nhưng Saigon Sunbay trong 10 năm qua hầu như vẫn án binh bất động và đã thay đổi chủ đầu tư.
Mới đây, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TP.HCM) hay còn có tên gọi là Saigon Sunbay (Vịnh Mặt Trời) mới được phê duyệt điều chỉnh quy mô từ 600 ha lên 2.870 ha. Đây là lần thứ hai dự án này được điều chỉnh quy mô, tăng gấp gần 5 lần so với quy hoạch ban đầu.
Tuy nhiên, sau 13 năm kể từ ngày khởi công, siêu dự án lấn biển này vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.
7 năm giậm chân tại chỗ do thiếu vốn
Vào thời điểm khởi công năm 2007, Saigon Sunbay được quy hoạch với quy mô 600 ha tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ với 400 ha là đất xây dựng và 200 ha là bãi biển nội bộ. Dự án nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km.
Những người đầu tư kỳ vọng nơi đây trở thành điểm du lịch và khu dân cư cao cấp phục vụ khoảng 31.000 người, trong đó cư dân chiếm 7.700 người với tổng mức đầu tư 8.470 tỷ đồng.
Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ (Cangio Tourist City – CTC) được thành lập vào tháng 9/2004 với những cổ đông chính là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Văn phòng Thành ủy TP.HCM, Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Việt – Nga…
Tuy nhiên, ngay sau lễ khởi công, dự án rơi vào tình trạng “án binh bất động” kéo dài cho đến năm 2012.
Trong một lần trả lời báo chí năm 2010, ông Nguyễn Định Thái, Tổng giám đốc CTC khi đó, cho biết chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng liên doanh với 2 nhà thầu ngoại là Công ty Semtech Limited (Mỹ) và Công ty CCCC Guangzhou Dredgin Co., Ltd (Trung Quốc) để thi công các hạng mục lấn biển của toàn bộ dự án.
Theo hợp đồng, các nhà thầu ứng trước vốn thi công phần hạ tầng trong 3 năm đầu, khi hoàn thành sẽ bàn giao lại cho CTC để chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán khoản chi phí này.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khiến các nhà thầu không sắp xếp được khoản chi phí 200 triệu USD cho phần san lấp, trong khi CTC cũng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Mặc dù theo tính toán ban đầu, dự án Saigon Sunbay có chi phí khoảng 500 triệu USD song đến năm 2020, CTC cho biết con số này đã vượt lên mức 600 triệu USD (hơn 11.000 tỷ đồng).
Tính đến 2010, phần vốn góp của các cổ đông mới chỉ đạt khoảng 300 tỷ đồng. Được biết sau đó CTC cũng có một số động thái như tìm kiếm thêm nhà đầu tư, tăng vốn điều lệ và ký kết với nhà thầu thi công khác như Đại Phú Gia, South Construction, liên doanh Lũng Lô – Sao Mai nhưng tình hình triển khai dự án Saigon Sunbay vẫn không khả quan.
Đầu năm 2014, UBND TP.HCM đã nhắc nhở chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án do chậm tiến độ hơn 5 năm, nếu trong 2014 không thực hiện đúng tiến độ giai đoạn 1 đã đề ra thì thành phố sẽ chuyển đổi nhà đầu tư.
Đổi chủ, mở rộng quy mô để “hồi sinh”
Đến đầu năm 2015, một loạt các cổ đông cũ của CTC lần lượt thoái vốn là nhóm cổ đông Saigontourist và Văn phòng Thành ủy TP.HCM.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 của Vingroup, Tập đoàn này sở hữu 34,9% vốn điều lệ của CTC với tổng số tiền đầu tư lên đến gần 4.800 tỷ đồng.
Cũng khoảng giữa năm 2015, CTC đã kiến nghị xin mở rộng quy mô dự án Saigon Sunbay dọc bờ biển theo hướng về xã Long Hòa để xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi.
Đến năm 2016, Vingroup tiếp tục nhận chuyển nhượng cổ phần CTC từ một doanh nghiệp và một số cá nhân, tăng tỷ lệ sở hữu từ 34,9% lên 97,15%. Tổng giá trị chuyển nhượng là 8.473 tỷ đồng.
Theo đó, tổng số tiền Vingroup đã chi để mua lại CTC lên đến 13.272 tỷ đồng, cao gấp 6,6 lần vốn điều lệ CTC. Giá bán cổ phiếu CTC của Saigontourist và Nhà nước là khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên để nắm hơn 97% vốn CTC, Vingorup đã mua lại với giá 68.300 đồng/cổ phiếu.
Để tháo gỡ tình trạng trì trệ của dự án, cuối năm 2015, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã đề xuất, tham mưu cho UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 cho toàn dự án với tổng diện tích 1.080 ha (bao gồm 600 ha cũ và 480 ha mới) và được TP thông qua.
Tháng 11/2016, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì thẩm tra đề nghị của UBND TP.HCM về việc chấp thuận chủ trương và phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, có quy mô nghiên cứu trên phạm vi 2.870 ha (bao gồm Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ).
Đến tháng 4/2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Sau đó, Thủ tướng giao UBND TP.HCM tiếp thu ý kiến của các bộ và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức nghiên cứu lập, thẩm định và phê duyệt bảo đảm các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường… cập nhật vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2030, trình duyệt theo đúng quy định hiện hành.
Tháng 3/2019, UBND TP.HCM đã có văn bản số 1049/UBND-DA đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án này gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, thẩm định trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.
Đến ngày 12/6 vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định số 826/QĐ-TTg với nội dung phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, điều chỉnh tên tự án từ “Hệ thống công trình lấn biển và Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ” thành “Đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).
Thời gian thực hiện dự án là 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, phần diện tích biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư có thời hạn thực hiện 50 năm kể từ ngày 11/7/2007. Tiến độ thực hiện dự án là 11 năm kể từ ngày được quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Theo Zing