Xây dựng mạng lưới thu gom rác tái chế tại TP.HCM

18/03/2021 04:58

(172)


5 loại rác tái chế được mua với giá thị trường, đưa về hai trạm trung chuyển ở quận 11 và Gò Vấp, dự kiến thu gom 200 tấn mỗi ngày.

Đề án “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế” do Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP HCM công bố sáng 16/11 sẽ thực hiện với 5 loại rác tái chế, gồm: nhựa, giấy, kim loại, thủy tinh và nilon. Hai trạm trung chuyển rác Quang Trung (quận Gò Vấp) và Tống Văn Trân (quận 11) sẽ tiếp nhận nguồn thải từ các công ty dịch vụ công ích quận, huyện; lực lượng rác dân lập, cơ sở phế liệu, khu dân cư, cơ quan, trường học, chợ…

Mạng lưới thu gom rác tái chế ở TP.HCM trong thời gian tới

Định kỳ hàng tuần, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị công khai giá thu đổi rác tái chế trên website công ty và các địa điểm thu gom. Rác cũng được thu gom theo hình thức đổi quà gồm nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng, phiếu mua sắm, vé du lịch… Với những nguồn thải có khối lượng lớn, việc thu đổi sẽ được ký hợp đồng, thu theo tuần, tháng có sự phối hợp của chính quyền địa phương.

Sau khi thu gom, rác tái chế được ép kiện, chứa bao jumbo, cân xác định khối lượng và chuyển về kho chứa tại công trường Gò Cát (quận Bình Tân) rộng 6.000 m2. Tại đây sẽ xây dựng nhà xưởng sản xuất hạt nhựa từ rác giấy, nhựa. Các loại rác còn lại sẽ được Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với hơn 18 doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất hàng tiêu dùng có phát sinh rác thải nhựa thu gom, tái chế.

Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường (Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM) cho biết, mục tiêu đề án nhằm tạo giá trị kinh tế cho cá nhân, đơn vị thu gom rác, phân loại rác tại nguồn, giảm tỉ lệ chôn lấp. Khi nguồn rác tái chế đủ lớn, các bên liên quan có giải pháp biến rác thải thành nguyên liệu tái sử dụng.

“Trong 3 năm thí điểm, nếu đề án phát huy hiệu quả chúng tôi đề xuất thành lập trung tâm xử lý rác tái chế quy mô lớn ở công trường Gò Cát đáp ứng khối lượng rác thải tái chế thu gom được”, ông Tuấn nói.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho biết, việc liên minh tham gia vào đề án nhằm thể hiện trách nhiệm doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, tái chế rác thải nhựa là một phần xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu đến năm 2030, tất cả bao bì rác thải của 18 doanh nghiệp của liên minh sẽ được thu hồi và tái chế.

Hồi tháng 2, UBND TP.HCM thông qua việc điều chỉnh phân loại rác tại nguồn từ ba nhóm (hữu cơ, vô cơ, tái chế) thành hai nhóm (tái chế, rác thải còn lại). Việc thay đổi nhằm phù hợp với công nghệ đốt rác phát điện mà thành phố đang triển khai, giảm tỷ lệ chôn lấp.

Hiện, mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 9.300 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm tăng 10%. Trong khi đó, diện tích đất chôn rác dần thu hẹp, việc chôn lấp gây nhiều hệ lụy môi trường (ô nhiễm không khí, nguồn nước…). Do đó, thành phố đề ra mục tiêu giảm lượng rác thải chôn lấp.

Theo Vnexpress

Đọc thêm

lên đầu trang