Sài Gòn, đầu tàu kinh tế thương mại của cả nước là thế, bao năm qua, luôn bị chê thiếu trầm trọng những không gian xanh. Thậm chí ngay các quận huyện ngoại thành mới phát triển sau này, hầu như không có những công viên cây xanh lớn như trong nội đô.
Vừa nhỏ xíu còn bị “xà xẻo”
Khác với người dân ở Q.Gò Vấp quanh khu vực công viên Gia Định, hay công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), công viên Tao Đàn (Q.3)… rộng mênh mông tha hồ đi bộ vào mỗi sáng chiều, dân cư sống quanh các tuyến đường: Trần Văn Hoàng, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thị Nhỏ, quanh khu vực chợ Tân Phước (P.9, Q.Tân Bình và Q.11) ngoài việc chen chúc đi bộ quanh một số chung cư nằm rải rác trong khu vực, còn lại “chia nhau” công viên nhỏ xíu Tiên Phước nằm sát hông nhà thờ Hầm (Nguyễn Thị Nhỏ, Q.11).
Buộc các chủ đầu tư phải tuân thủ
Phát triển các công trình xanh hiện đại, đẹp, sạch là sách lược chủ đạo của Singapore từ ngày tách khỏi Malaysia. Họ đi đầu trong nhóm các nước phát triển mạnh mẽ về phủ xanh trên vùng đất trơ trọi đầy cát và không có tài nguyên. Quan trọng của Singapore là sự dẫn dắt thành công từ phía Chính phủ. Cách đây 15 năm, Singapore đưa ra tiêu chí “công trình xanh”, chấm điểm cho các dự án xây dựng có thiết kế môi trường tinh tế, hiệu quả và tiêu chuẩn cao. Với TP.HCM, tôi nghĩ chiến lược của thành phố nên bắt đầu từ chính quyền thành phố, buộc các chủ đầu tư nhà ở phải tuân thủ phần đất dành cho cây xanh. Theo quan sát của tôi, rất nhiều chủ đầu tư chung cư đều tận dụng không gian chung lẽ ra để làm công viên cây xanh, để cho thuê kinh doanh hoặc trưng dụng làm bãi đỗ xe hơi. Thứ hai, với các quận huyện ven thành phố, nên dành quỹ đất để làm công viên. Đừng tiếc để rồi cứ cho các công trình nhà ở dày kín mọc lên. Chúng ta sẽ trả giá về môi trường rất sớm. PGS-TS Nguyễn Lê Ninh |
Buổi chiều tối và sáng sớm mỗi ngày, nơi đây luôn đầy ắp người lớn đến đi bộ, tập thể dục, đánh cầu lông. Công viên nhưng đây là di tích lịch sử, nên công trình xây dựng chiếm gần hết trung tâm công viên. Đường đất bao quanh cũng bị chắn mẩu này miếng kia để làm chỗ giữ xe, cho thuê làm sân chơi cho trẻ, với các trò chơi xe điện đụng, tô tượng, câu cá, nhà phao… có thu tiền.
Bà Nguyễn Thanh Hương, cán bộ ngành dược đã về hưu và sống cạnh công viên, nói: “Khu vực này hầu như không có lề đường để đi bộ, sáng sớm ít xe cộ nhưng không dám đi vì phải xuống lòng đường mà đi. Có mỗi công viên bé xíu này, xà xẻo hết chỗ giữ xe, bán hàng rong đến cho thuê dịch vụ trò chơi cho trẻ. Nhìn nhếch nhác làm sao. Người đi bộ không có chỗ để đi, phải leo lên các bậc cấp đi, hoặc đi trên các nắp cống lồi lõm trong công viên rất nguy hiểm. Khu vực này rất đông dân, chỉ ước gì có công viên cho người già, trẻ con đến đó vui chơi, nhưng khó quá. Làm gì còn đất để làm công viên”.
Tương tự, tại Q.Bình Tân, người dân ở P.Bình Hưng Hòa B cũng cho hay muốn tập thể dục đi bộ, cư dân quanh đó đều phải vào “ké” trong khuôn viên đất sau chung cư Hòa Bình, lúc nào cũng đông người. Không phải chỉ có phường này, nguyên Q.Bình Tân – được hình thành trên cơ sở tách 3 xã Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông, Tân Tạo và TT.An Lạc (H.Bình Chánh) từ năm 2003, quận đông dân nhất TP.HCM, nhưng cũng không có công viên lớn nào. Tại TP.Thủ Đức, chị Nguyễn Thị Liên, nhà ở trên đường Lò Lu lối vào Công ty giày Nhị Hiệp, cho biết ở đây nguyên dãy đường cho thuê cửa hàng bán áo quần, giày dép, thời trang… “Lề đường không có hoặc lồi lõm, công nhân làm trong các khu công nghiệp ở trọ khu vực này khá nhiều, nhưng họ không có không gian công cộng đủ để vui chơi sinh hoạt. Cuộc sống tinh thần hết sức tạm bợ”, chị Liên nhận xét.
Mỗi người dân TP sẽ hưởng… 0,65 m2 cây xanh ?
Theo quy hoạch, diện tích đất dành cho công viên cây xanh của TP.HCM hơn 11.400 ha, tương ứng mỗi người dân được hưởng 7 m2 đất công viên. Song trên thực tế, đến nay, toàn bộ công viên của thành phố chỉ khoảng 500 ha, tương ứng mỗi người được 0,55 m2. Điều đáng nói là các quận nội thành hiện có diện tích công viên lớn hơn các quận, huyện ngoại thành. Theo thống kê, tại các quận, huyện lớn như Q.12, Q.Bình Tân, H.Nhà Bè, H.Hóc Môn, H.Củ Chi, H.Bình Chánh và thậm chí TP.Thủ Đức… đều không có công viên công cộng có diện tích lớn để vui chơi, thư giãn vào dịp cuối tuần.
Đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020 – 2030 của UBND TP.HCM vừa thông qua cho thấy, trong 5 năm tới, TP.HCM phải tăng tối thiểu 150 ha đất công viên. Cụ thể trong năm nay, thành phố sẽ xây mới 10 ha công viên, 2 mảng xanh và trồng mới 6.000 cây xanh. Trong đó, các công viên như Phú Hữu (TP.Thủ Đức), Cây Sộp (Q.12), Rạch Tra (H.Hóc Môn), Cả Cấm (Q.7) với diện tích hơn 122.000 m2 dự kiến sẽ được xây dựng, hoàn thành ngay trong năm nay. Cũng theo đề án này, diện tích công viên cho mỗi đầu người sẽ tăng lên… 0,65 m2 (thay vì 0,55m2 như hiện nay) vào năm 2025 và lên 1 m2 vào năm 2030. Bên cạnh đó, đề án cũng nêu những tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên sẽ được trồng cây xanh. Thành phố sẽ trồng mới và cải tạo hơn 30.000 cây xanh, trồng thêm 20 loại cây phù hợp điều kiện thổ nhưỡng. Đến năm 2030, đất công viên ở thành phố tăng 450 ha so với năm 2020…
Tất nhiên, để đạt được mục tiêu trên, TP.HCM hiện đang hối thúc rà soát các khu đất quy hoạch công viên nằm trong đồ án 1/5.000 và 1/2.000. Đặc biệt, các khu đất đã được quy hoạch làm công viên đang được trưng dụng cho thuê, sử dụng không đúng mục đích sẽ được thu hồi để làm các công trình công cộng. Thành phố cũng có tham vọng di dời các nhà xưởng trong khu dân cư để lấy đất đó làm công viên cây xanh…
Chính quyền cần cương quyết hơn
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, chuyên gia năng lượng, cho rằng đã có tính toán TP.HCM mất ít nhất… 6.500 năm mới phủ xanh hết 10.000 ha đất công viên với tốc độ đầu tư, phát triển cây xanh như hiện nay. Ông nói, cây xanh trong nội đô thiếu đã đành, ngoại đô, các huyện thị mới cũng thiếu. Khu vực Q.7 với khu đô thị Phú Mỹ Hưng được thành lập cách đây gần 30 năm, được quy hoạch, thiết kế hết sức bài bản và đến nay, độ phủ cây xanh nơi đây đáng học hỏi. Sau Phú Mỹ Hưng, hầu như chúng ta không quy hoạch được khu đô thị mới nào có độ phủ cây xanh rộng lớn như vậy, một phần do không có diện tích lớn để làm cho bài bản. Song quan trọng nhất là chúng ta quy hoạch các khu dân cư hết sức manh mún, giao cho nhà đầu tư làm và thường làm trong các khu đất nhỏ, khiến mức độ phủ xanh chuyên nghiệp hầu như không có. Bên cạnh đó, do “tấc đất tấc vàng” nên việc một địa phương dành khuôn viên đất lớn cho các quận huyện ngoại thành làm công viên cây xanh lại là điều xa xỉ.
Diện tích cây xanh đầu người tại TP.HCM hiện chỉ bằng… 1/16 so với Singapore. Nhiều ý kiến lâu nay luôn lấy Singapore làm chuẩn để khuyên các đô thị Việt Nam học hỏi. Tuy nhiên, khoảng cách 8 m2 cây xanh mà mỗi người Singapore đang hưởng cách quá xa so với 0,55 m2 của người dân TP.HCM.
Chuyên gia Nguyễn Lê Ninh cho rằng TP.HCM không nên và không thể nuôi tham vọng phủ cây xanh như quốc đảo Singapore hiện tại được. Có chăng nó sẽ tập trung vào một khu đô thị cụ thể nằm trong thành phố như Phú Mỹ Hưng, Vinhomes Central Park… tại TP.HCM.
“Tại sao các quận nội đô, ông cha ta ngày trước làm được những công viên Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Hoàng Văn Thụ… với hàng dãy cây cổ thụ đẹp thế, nay tại Củ Chi, Nhà Bè hay thành phố mới thành lập Thủ Đức, chúng ta không làm được? Điều này phải nhìn nhận từ góc độ tư duy và sự cương quyết của các nhà thiết kế chính sách. Đề án có là tốt, nhưng cần biến đề án thành những công trình cây xanh thực thụ, phải cần sự quyết tâm, cương quyết và kỷ luật “sắt” của chính quyền thành phố”, ông Ninh nói.
Theo Thanh Niên