VPA đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp ngành nhựa phát triển bề vững

10/01/2020 11:44

(98)


Ngày 3/1/2020 vừa qua, tại Trung Tâm Hội nghị, 272 Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp.HCM, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã tổ chức buổi họp mặt hội viên cuối năm, đồng thời báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nhựa trong năm 2019 cũng như báo báo chương trình hoạt động của VPA trong năm 2020, tìm ra các giải pháp để ngành nhựa phát triển bền vững trong thời gian tới.  

Đầu tiên, Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA đã điểm qua thành tích làm việc cả năm 2019 của Hiệp hội và đánh giá đã thực hiện hoàn thành đúng tôn chỉ và chương trình hành động, đã tăng cường lực lượng Hiệp hội với các thành viên mới mang tính quốc tế và có lập trường và hoạt động thực tế để góp phần bảo vệ công việc ổn định của Hội viên đồng thời định hướng phát triển của Hiệp hội theo đúng quỹ đạo chủ trương, chính sách kinh tế, tài chính của đất nước. Trên tinh thần này, Hiệp hội đã có những kết quả cụ thể đáng ghi nhận là thành công trong phản biện góp ý về dự thảo điểu chỉnh tăng thuế suất nhựa PP từ 3 lên 5% của Bộ Tài chính, về vụ kiện áp thuế chống bán phá giá màng BOPP Thái Lan, Malysia, Trung Quốc và chính sách nhập khẩu phế liệu Nhựa… Song song đó Hiệp hội cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng tăng đột biến kim ngạch nhập khẩu hàng nhựa bán thành phẩm từ Trung Quốc, Hàn Quốc như 1 tín hiệu không hay về khả năng lợi dụng thị trường sản xuất Nhực Việt Nam để chuyển đổi xuất xứ (C/O) có lợi cho họ về thuế suất thương mại, đồng thời Hiệp hội cũng khuyến khích thành viên tăng cường giao lưu quốc tế, kết nối thị trường, hoàn thiện quy trình sản xuất để nâng cao hàm lượng công nghệ cho sản phẩm, thêm tính cạnh tranh và phát triển bền vững thân thiện môi trường.

Theo báo cáo của VPA, trong thời qua, hoạt động của hội ngày càng sâu rộng và có nhiều thông tin bổ ích hỗ trợ cho doanh nghiệp nên thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp quan tâm và đăng ký tham gia hội viên VPA. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia hội viên mới là các doanh nghiệp kinh doanh nguyên liệu nhựa, phụ gia, hạt màu và máy móc thiết bị…

Trong năm 2019, VPA đã tổ chức được 6 khoá đào tạo với các chủ đề về kỹ thuật phối trộn nguyên liệu nhựa, công nghệ ép phun; khoá quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp; vật liệu nhựa và phụ gia; ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành nhựa… Nhìn chung, các khoá đào tạo của VPA chủ yếu đáp ứng được các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực từ ép phun, ép đùn, thổi màng và các khoá về kỹ năng quản lý…

Đây là hoạt động thường xuyên và VPA luôn duy trì để phục vụ đại đa số doanh nghiệp là hội viên. Chủ trương của BCH trong thời gian tới, VPA sẽ mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực ép phun, ép đùn, thổi màng, thổi chai, khuôn mẫu, kỹ thuật sản xuất bao bì đa lớp để có thể phục vụ nhu cầu ngày càng cao về cải tiến trong sản xuất của doanh nghiệp trong ngành.

Bên cạnh đó, năm 2019, khắp thế giới và Việt Nam đưa tin liên tục về vấn nạn rác thải nhựa ra môi trường, rác thải đại dương… Nhiều hoạt động về thu gom, làm sạch rác thải khắp cả nước đã diễn ra liên tục thông qua các tổ chức, ban ngành từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp trong ngành. Cộng đồng xã hội đã phần nào nhận thức được nguyên nhân xả thải và ý thức hơn trong việc thu gom, tái chế.

Trước thực tế đó, năm 2019, VPA cùng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã ký kết kế hoạch liên tịch về việc phối hợp thực hiện các chương trình về môi trường nhằm phối hợp tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến người dân về ý thức trách nhiệm và hành động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp và văn minh. Đồng thời tuyên truyền về những lợi ích của sản phẩm được sản xuất từ nhựa và những cách xử lý rác thải nhựa đúng cách.

Ngay ngày đầu tháng 6/2019, VPA và Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM đã phối hợp tổ chức hội thảo về “Phân loại rác thải đầu nguồn” và “Giải pháp kiểm soát ô nhiễm chất thải nhựa” nhằm kêu gọi những hành động thiết thực của người dân trong việc thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nilong…

Ngoài hội thảo nêu trên VPA, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM cùng các doanh nghiệp đã phối hợp tổ chức chương trình Caravan “Bảo vệ môi trường vì một tương lai tốt đẹp hơn” tại Cần Giờ, nhằm tuyên truyền và vận động người dân cùng tham gia trong việc bảo vệ và giữ gìn đại dương xanh…

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA, cho biết, kinh tế – xã hội nước ta trong năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường do tình hình kinh tế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung và vấn đề chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu, cùng với sự gia tăng xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước lớn, đặc biệt là những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ đã tác động đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chung như trên nhưng các doanh nghiệp nhựa của Việt Nam trong năm qua nhìn chung vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Hồ Đức Lam, trong năm 2019, các doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục có những đầu tư hoạt động xuất khẩu bao bì phù hợp với năng lực sản xuất của ngành hiện nay. Hai khu vực thị trường chủ lực được hướng đến nhất ngoài thị trường Nhật Bản là thị trường Châu Âu và Mỹ. Tại hai thị trường Nhật Bản và Châu Âu, kim ngạch xuất khẩu nhựa của nước ta chỉ mới chiếm 2% thị phần và đang được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%.

Trong khi, sản phẩm cùng loại từ các nước khác nhập khẩu vào thị trường này đang bị áp mức thuế khá cao từ 10%- 30%. Bên cạnh đó, sản phẩm nước ta không phải cạnh tranh với sản phẩm nội địa do các doanh nghiệp sở tại có xu hướng đóng cửa hoặc chuyển đổi sản xuất do giá thành nhân công cao.

Theo báo cáo của VPA, trong năm 2019, sản lượng sản xuất của ngành Nhựa ước tính tăng trưởng với mức 7,2%, đạt 8,89 triệu tấn. Đây là mức tăng trưởng ở mức khá so với năm 2018 (năm 2018 có mức tăng trưởng là 7% so với năm 2017 với sản lượng đạt 8,3 triệu tấn). Trong đó sản xuất nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá trị của ngành là 35%; Nhựa xây dựng – gia dụng – kỹ thuật chiếm lần lượt là 24%, 22% và 19%.

Tuy nhiên, trong năm 2019 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa mặc dù tiếp tục tăng trưởng nhưng ở mức thấp so với năm 2018 với mức tăng trưởng là 12,2% tương ứng 3,418 tỷ USD. (Năm 2018 mức tăng trưởng này đạt 19,3% so với năm 2017 tương ứng 3,04 tỷ USD).

Ước tính, năm 2019 doanh thu của ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức 11,9% so với năm 2018 với tổng doanh thu khoảng 17,58 tỷ USD. Nhưng doanh thu tuy tăng trưởng nhưng mức lợi nhuận gộp của doanh nghiệp trong ngành chỉ tăng nhẹ từ 8% – 15% tùy theo nhóm ngành hàng vì giá nguyên liệu nhựa giảm trung bình từ 1,3% – 3,68% tùy theo chủng loại nhựa và chính sách giảm lãi suất cho vay bằng VNĐ.

Ông Hồ Đức Lam, cho rằng, thị trường hàng hoá ngành nhựa năm 2020 sẽ phải vượt qua những thách thức được đặt ra từ 3 yếu tố sau: tăng trưởng toàn cầu yếu hơn; các điều kiện tín dụng dần được thắt chặt hơn và sức mạnh của đồng USD. Cơ cấu sản xuất nguyên liệu nhựa toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch sang Châu Á và đặc biệt là Trung Quốc.

Nguyên nhân Châu Á hiện là khu vực có tỉ lệ tiêu thụ nhựa bình quân đầu người còn thấp so với các khu vực NAFTA, EU, Japan…và có tốc độ tăng trưởng nguyên liệu nhựa ở mức cao. Đồng thời tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực Châu Á đang ở mức cao và cơ cấu kinh tế cũng đang chuyển dịch sang các ngành công nghiệp sử dụng nhiều sản phẩm nhựa như công nghiệp ô tô và điện – điện tử.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch sang các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường đang dần trở thành một tiêu chí thiết yếu trong xu hướng tiêu dùng các sản phẩm của các thị trường phát triển. Vì thế việc chuyển đổi sản xuất sang các sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy tốt là xu hướng tất yếu của ngành nhựa thế giới.

Theo báo cáo của tổ chức Business Monitor International (BMI), mặc dù bước vào giai đoạn chững lại nhưng ngành nhựa Việt Nam có thể duy trì sản lượng với đà tăng trưởng trung bình 6,5%/năm trong giai đoạn 2019 – 2023. BMI cho rằng, tăng trưởng thu nhập và chi tiêu hộ gia đình được dự báo ở mức trung bình khoảng 7,1% giai đoạn 2019 – 2022. Trong đó, tăng trưởng chi tiêu cho mảng thực phẩm và đồ uống không cồn ở mức 11,8%. Đây sẽ là động lực tăng trưởng chính cho mảng nhựa bao bì.

Cũng trong giai đoạn 2019 – 2022, xây dựng nhà ở và xây dựng hạ tầng trong nước được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 6,7% và 7,3%, sẽ tạo động lực tăng trưởng cho mảng nhựa xây dựng.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam trong ngắn hạn cùng với đó là chính sách tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ của chính phủ sẽ tạo cơ hội phát triển cho mảng nhựa kỹ thuật trong tương lai.

Tuy nhiên, xu hướng hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường cũng là một thách thức đối với ngành nhựa Việt Nam khi trong cơ cấu xuất khẩu của ngành, các sản phẩm bao bì truyền thống không thân thiện với mơi trường chiếm tỉ trọng tương đối lớn.

Chính vì vậy, trong năm 2020,  VPA hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thông qua việc tổ chức cho các doanh nghiệp tham dự các buổi hội chợ như: Hội chợ Nhựa Quốc tế “Chinaplas 2020”, diễn ra từ ngày 21-24/4/2020 tại Trung tâm Triển lãm Thượng Hải, Trung Quốc; Hội chợ ngành Nhựa Quốc tế Interpack 2020, diễn ra từ ngày 7-13/5/2020 tại thành phố Dusseldorf, CHLB Đức; Hội chợ ngành nhựa diễn ra từ ngày 9-11/6/2020 tại Trung tâm Hội chợ Jacob K.Javits, New York, Hoa Kỳ; Hội chợ Nhựa Quốc tế “IPF JAPAN 2020”, diễn ra từ ngày 06-10/10/2020 tại Makuhari Messe, Tokyo, Nhật Bản; Phối hợp cùng với Chanchao tổ chức Hội chợ Vietnamplas 2020 diễn ra từ ngày 23-26/9/2020  tại Trung tâm triển lãm SECC, quận 7, TP.HCM …

Đây là dịp rất tốt để các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu ngành nhựa tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm đến với các nhà mua hàng trên thế giới cũng như tìm kiếm nhà cung cấp và cập nhật xu hướng bao bì của thị trường.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, VPA tiếp tục phát động chương trình truyền thông về rác thải nhựa thông qua các kênh truyền hình, truyền thông, báo đài; Phối hợp Đài truyền hình tổ chức hội thảo chuyên đề về “Rác thải nhựa và các giải pháp tái chế rác thải Nhựa”, cũng như tham gia, kết hợp cùng các doanh nghiệp hội viên nhằm bảo vệ quyền lợi cho ngành và các doanh nghiệp trong ngành.

Đọc thêm

lên đầu trang