spot_img
HomeTài nguyên - Môi trườngViệt Nam tăng trưởng cao: Nếu tính chi phí môi trường...

Việt Nam tăng trưởng cao: Nếu tính chi phí môi trường…

Theo chuyên gia, việc tính toán chi phí về môi trường rất khó bởi đây là loại hàng hóa không phải do con người tạo ra. 

Vì sao phải tính toán chi phí môi trường?

Năm 2019, kinh tế Việt Nam được đánh giá đã đạt kết quả tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02% nhờ đóng góp chủ yếu của hai khu vực: công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.

Trong niềm hân hoan về kỳ tích mới, vẫn có những băn khoăn, mức tăng trưởng của kinh tế nói trên đã tính toán đến tác hại của môi trường hay chưa bởi việc phát triển công nghiệp (chế biến, chế tạo và xây dựng) có liên quan đến lượng phát thải khí nhà kính. Có vẻ như, đó là một câu hỏi khó trả lời.

Tăng trưởng GDP và ảnh hưởng tới môi trường vẫn là câu chuyện đang được bàn cãi

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, việc đo lường, tính giá môi trường rất khó bởi đây không phải loại hàng hóa do con người tạo ra mà do thiên nhiên tạo ra và khoa học kinh tế hiện nay cũng chưa xác định được rõ.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học đã nghiên cứu vấn đề môi trường và nó đã trở nên rất hệ trọng do uy hiếp sự tồn tại của Trái đất, trong khi loài người đang nỗ lực phát triển.

Trong khi nỗ lực phát triển ấy, con người vấp phải một vấn đề rất cơ bản, đó là quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người sử dụng tự nhiên làm lực lượng sản xuất để tạo ra của cải trong một hệ thống kinh tế-xã hội nhất định. Nếu quan hệ này mâu thuẫn nhau thì nó tạo ra nguy cơ đối với sự phát triển. Khi kinh tế phát triển đến một giai đoạn nhất định thì con người có thể hạch toán được điều đó.

“Khi của cải trở nên khan hiếm, sản phẩm của con người mang tính hàng hóa, xã hội, không thể như nền kinh tế tự nhiên có sao được vậy, con người bắt đầu tính toán đến hiệu quả hoạt động kinh tế, tức tính toán xem chi phí bỏ ra và kết quả thu về có quan hệ thế nào, tăng giảm ra sao; quan hệ giữa hoạt động kinh tế với môi trường (tự nhiên) diễn ra như thế nào…”, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho biết.

Theo phân tích của ông, ban đầu, tự nhiên là cái vô cùng, vô tận và không phải tính toán đến hoạt động của con người bởi tự nhiên có thể tự làm sạch, tự bảo tồn và tự tái sản xuất một cách tự nhiên. Khi chưa có công nghiệp, sản xuất mang tính tự nhiên, dựa vào tự nhiên, hòa thuận với tự nhiên, nhưng cách mạng công nghiệp đã tạo ra sức sản xuất ghê gớm, con người dùng máy móc để tạo ra năng suất, bắt đầu tấn công, khai thác tự nhiên.

Trong quá trình khai thác ấy đã động chạm đến môi trường vì tài nguyên (đất, nước, không khí, rừng…) là những thành phần cấu thành nên môi trường và giữa sản xuất-môi trường xảy ra xung đột: tài nguyên dần cạn kiệt, các yếu tố cấu thành môi trường bị tổn thương, suy thoái và khi sản xuất thì có phát thải, gây ô nhiễm môi trường.

Trong ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất là lượng phát thải CO2 tăng lên, gây hiệu ứng khí nhà kính, thủng tầng ozon và làm cho nhiệt độ Trái đất tăng lên. Nguy cơ sụp đổ môi trường, không còn điều kiện bình thường để cuộc sống diễn ra đã được tính đến.

Phải tính chi phí môi trường vào phát triển kinh tế

Để giải quyết xung đột giữa công nghiệp và môi trường, theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, phải kinh tế hóa, thị trường hóa môi trường, nghĩa là phải tính toán chi phí khi con người tác động vào môi trường.

“Trước đây, có suy nghĩ rằng càng sản xuất bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, môi trường là vô cùng, vô tận, khai thác mãi không hết, phát thải CO2 bao nhiêu vẫn nằm trong khả năng tiêu thụ của môi trường.

Nhưng khi phát thải quá lớn, vượt quá sức chuyển hóa của môi trường sẽ gây ra lượng CO2 quá lớn, làm thủng tầng ozon. Bên cạnh đó, công nghiệp còn phát thải ra một khối lượng lớn phế thải.

Bằng chứng là trong một báo cáo của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào năm 2019 có thống kê, giai đoạn năm 2015-2018, trong tổng số hơn 25 triệu tấn tro xỉ thải ra từ 12 nhà máy điện than của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ có hơn 10 triệu tấn tro xỉ được tiêu thụ, đạt tỉ lệ tiêu thụ 40%.

Tổng khối lượng tro xỉ phát sinh từ 12 nhà máy điện than của EVN một năm khoảng 8,1 triệu tấn, trong đó tro bay 6,75 triệu tấn, xỉ đáy lò khoảng 1,35 triệu tấn.

Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, EVN hiện nay đang gặp phải những khó khăn trong việc tồn chứa, tiêu thụ tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt tại khu vực miền Trung và phía Nam.

Khi môi trường không đặt trong hoạt động của kinh tế, một số tác động của môi trường không nằm trong sự kiểm soát của cơ chế thị trường thì không có đời sống để tái sản xuất như cái lúc đầu nó có. Khi ấy, môi trường bị suy thoái, tổn thương, uy hiếp đến đời sống của con người và chi phí khắc phục rất đắt đỏ”, vị chuyên gia phân tích.

Khẳng định khi có phát thải, môi trường bị tổn thương thì phải có chi phí để giải quyết, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho biết, trong hoạt động của con người có hoạt động dịch vụ để giải quyết vấn đề này.

Dịch vụ này trước nay không được xem là hàng hóa, không có trong các hoạt động kinh tế. Nhưng khi kinh tế đã bắt đầu tính đến yếu tố môi trường thì dịch vụ ấy trở thành hàng hóa, là hoạt động kinh doanh và chi phí ấy phải được hạch toán vào hoạt động kinh tế để môi trường có thể trở lại chu trình như tự nhiên, có thể tự làm sạch, tự bảo tồn.

Bởi trước nay không được tính toán nên đến giờ, chi phí môi trường được tích lũy lại trở nên khổng lồ. Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, ở các nước công nghiệp như Mỹ, việc xử lý vấn đề môi trường dễ dàng hơn bởi họ đã có ý thức và cách xử lý từ lâu, chi phí bỏ ra không phải với tính chất tư nhân mua bán với tư nhân mà nhà nước bằng hệ thống thuế tạo ra nguồn vốn ngân sách để giải quyết câu chuyện này.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, câu chuyện này rất khó khăn.

“Trong hệ thống kinh tế không có hoạt động môi trường nên không có thói quen giải quyết vấn đề môi trường bằng kinh tế. Cho nên khi phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa thì bùng nổ khai thác tài nguyên, bùng nổ phát thải.

Khi ấy chúng ta mới bắt đầu tính đến câu chuyện tính chi phí cho môi trường nhưng hoạt động ấy vẫn còn rất nhỏ và lẻ tẻ. Đặc biệt, luật pháp chưa nghiêm minh, xem nó có cũng được, không có cũng được, trong khi ở các nước khác vấn đề môi trường đã là câu chuyện rất hệ trọng.

Ở Việt Nam, khi xây dựng các dự án, doanh nghiệp cũng có tính đến vấn đề môi trường, nhưng nhiều khi có chỉ để “làm phép”chứ chưa thiết thực, chưa được hạch toán một cách nghiêm túc.

Ở Việt Nam, hoạt động môi trường như một lĩnh vực kinh doanh mới chỉ bắt đầu, và nó còn rất non kém, luật đã có nhưng chưa có chế tài thực sự nghiêm khắc. Không ít dự án vẫn coi để có hiệu quả nhất là phải trốn được các chi phí không trực tiếp vào hiệu quả, trong đó có đóng thuế và môi trường”, PGS.TS Lê Cao Đoàn phân tích.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng thừa nhận một thực tế, để hạch toán chi phí môi trường một cách kỹ càng rất khó, khó hơn các hoạt động kinh tế khác vì chủ thể của nó rất huyễn hoặc.

“Nếu kinh tế học phát triển cách đây 300 năm thì kinh tế học về môi trường mới có mấy chục năm, cho nên hiện nay không phải chúng ta muốn là làm được ngay.

Ngay cả việc xác định giá cả của nước sạch còn tính toán chưa đủ thì làm sao tính toán được giá trị của thứ hàng hóa không phải do con người, mà do thiên nhiên tạo ra?

Chúng ta có thể đo lường được chất lượng không khí vượt chuẩn bao nhiêu, nhưng tổn thất bao nhiêu thì rất khó tính thành tiền”, PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.

Theo PGS.TS Đinh Đức Trường – Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu & Đô thị Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nghiên cứu về tổn thất, thiệt hại kinh tế từ ô nhiễm không khí được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân theo đuổi trong gần 10 năm qua.

Các thông tin liên tục được cập nhật và đến nay các số liệu, kết quả nghiên cứu tương đối hoàn thiện. Cụ thể, công trình nghiên cứu dựa trên phương pháp mô hình đánh giá ngẫu nhiên nhị phân để lượng giá thiệt hại này, một trong loại lượng giá phi thị trường.

Phương pháp này hiện cũng được sử dụng tại Mỹ để lượng hoá thiệt hại ô nhiễm không khí để tính chi phí đền bù. Về cách tính của Việt Nam, lượng giá thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam đo theo chi phí phúc lợi xã hội, mức độ sẵn sàng chi trả của người dân để giảm rủi ro chết do ô nhiễm không khí thông qua rất nhiều cuộc điều tra khác nhau.

“Theo cách tính này và theo thời giá 2018, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây ra tổn thất, thiệt hại về kinh tế rơi vào khoảng 10,8 – 13,2 tỷ USD”, PGS.TS Đinh Đức Trường cho biết.

Trong khi đó, tờ Dân Việt dẫn lời chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay, bên cạnh những kết quả  tích cực, trong bức tranh kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2019 vẫn có những điểm tối.

Theo cách tính cũ của IMF, quy mô GDP Việt Nam chỉ đứng thứ 146/211 quốc gia. Trong khối ASEAN, chúng ta đứng dưới Singapore, Thái Lan, Malaysia… Thậm chí, Philippines cũng xếp trên Việt Nam. Chúng ta chỉ đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar.

Còn GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 2.698 USD, một con số rất thấp trên thế giới. Trong khu vực cũng chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar.

Theo Đất Việt

spot_img
spot_img
spot_img
spot_img

Đăng ký trở thành Hội viên

Tham gia Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh và cùng xây dựng môi trường xanh hơn!

Tham gia sự kiện

analytica Vietnam 2025 - Triển lãm quốc tế chuyên ngành lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực Phân tích, Thí nghiệm, Công nghệ Sinh học và Chẩn đoán

Bài liên quan:

Tôn Đông Á đồng hành cùng hành tinh xanh – bước tiến vị môi trường bền vững

Trải qua 26 năm hình thành và phát triển, Tôn Đông Á đã khẳng định vị thế là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực thép lá mạ tại Việt Nam, đồng thời tiên phong thực hiện sứ mệnh...

GROWTECH VIETNAM 2024: CỘT MỐC ẤN TƯỢNG CHO CÔNG NGHIỆP NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Growtech Vietnam 2024, triển lãm quốc tế hàng đầu về thiết bị và công nghệ nông - lâm - ngư nghiệp, đã khép lại thành công vang dội sau ba ngày sôi động tại Nhà B, Trung tâm Hội...

Công bố Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 15/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại...

WEBINAR “Kinh Tế Tuần Hoàn và Đổi Mới Sáng Tạo trong Phát Triển Bền Vững”

Việt Nam đang đối mặt với áp lực về phát triển kinh tế song hành cùng bảo vệ môi trường. Hội thảo SUSTAINABLE FUTURE 7 là cơ hội để các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận các giải...

“Trại cai nhựa” cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần từ những hành động nhỏ

Ngày 16/11/2024, tại Sảnh Tây - AEON MALL Tân Phú Celadon. Choice khởi xướng dự án truyền thông "Trại Cai Nhựa" với khẩu hiệu "Cắt cơn nghiện nhựa, chữa lành hành tinh". Dự án nhằm nâng cao nhận thức về...

Công ty VDS tổ chức hội nghị tập huấn kiểm kê khí nhà kính tại Đồng Nai

Ngày 14/11/2024, Công ty Cổ phần Giải pháp Nền tảng số Việt Nam (VDS) đã phối hợp với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai và các chuyên gia đến từ Trường Đại học Tài nguyên...
spot_img
spot_img