Ung thư là ác mộng nhưng chưa hẳn là bản án tử hình

29/12/2017 12:04

(71)


Ung thư là một căn bệnh tiềm ẩn quái ác và dĩ nhiên, có một sự thật rằng, ung thư không loại bất kì một đối tượng nào. Thực tế, không ít người khi biết mình trở thành nạn nhân của căn bệnh này đã nghĩ rằng mình đang nhận một bản án tử hình đáng sợ và “chấp nhận buông xuôi” vì thời gian từ lúc phát hiện bệnh đến giai đoạn cuối bệnh thường kéo dài không quá 6 tháng.

KHÔNG NÊN CHỦ QUAN BỎ QUA NHỮNG TRIỆU CHỨNG BẤT THƯỜNG

Điều đáng sợ đặc biệt của căn bệnh này đó là những triệu chứng ban đầu đều không rõ ràng, khiến người bệnh thường lầm tưởng và chủ quan bỏ qua. Thế nhưng, đối với một số loại bệnh ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, gan, dạ dày…  nếu có thể được phát hiện sớm và được tầm soát theo đợt khám sức khỏe định kì thì hoàn toàn có khả năng chữa khỏi và lành bệnh.

Tầm soát ung thư giai đoạn sớm của việc tìm ra được các tổn thương ung thư khi chúng chưa biểu lộ ra bằng các triệu chứng lâm sàng, gọi là giai đoạn tiền lâm sàng của ung thư.

Ở giai đoạn đầu có thể chưa có các biểu hiện bên ngoài nhưng thực chất đã có các khối u đường kính khoảng 1 – 2cm. Nếu được phát hiện ở giai đoạn này khả năng điều trị bệnh thành công ít nhất là 50%, kéo dài được thời gian sống của bệnh nhân.

Hãy nghĩ đến ung thư nếu cơ thể có các biểu hiện bất thường, điều trị khoảng 2 tuần không khỏi, chẳng hạn vết loét lâu lành trên da (nguy cơ ung thư da), ho, khó thở (dễ ung thư phổi), nuốt khó (có thể ung thư thanh quản)… Đầy hơi, chướng bụng kéo dài cũng có thể là triệu chứng ban đầu của ung thư dạ dày. Dĩ nhiên không phải ung thư là nguyên nhân của mọi biểu hiện trên, nhưng vẫn nên phải cảnh giác với khả năng này.

Khoa học ngày càng phát triển tiên tiến, việc điều trị ung thư tiến bộ nhất hiện nay đó là hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Việc dùng thuốc để điều trị ung thư là giải pháp phổ biến khi mà nhiều loại thuốc ra đời giúp hạn chế được tình trạng của tác dụng phụ như rụng tóc, buồn nôn và mệt mỏi cho người bệnh.

Việc dùng thuốc có thể nhằm làm cho khối u nhỏ đi trước khi phẫu thuật, hoặc kết hợp với xạ trị để tăng khả năng khỏi hẳn sau khi đã mổ. Hóa trị cũng có tác dụng làm tăng hiệu quả xạ trị và giảm đau.

THÁI ĐỘ TÍCH CỰC LÀM NÊN ĐIỀU KỲ DIỆU

Theo báo tuổi trẻ thông tin, Bà Karen Lanyon – tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM từng là người sống sót sau ung thư vú, trước đó bà vẫn phải trải qua những đợt hóa trị, xạ trị, phẫu thuật và từng bị sốc tinh thần như bao bệnh nhân khác khi biết mình mắc phải căn bệnh ung thư vú.

Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, bà đã chiến thắng được căn bệnh ung thư khi chỉ với một thái độ tích cực và mạnh mẽ dám đối mặt để chiến đấu.

Vào năm 2008, sau khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường và khi đến kiểm tra sức khỏe, bà được chuẩn đoán là có khối u trong vú nhưng chỉ là nang vú, không phải là ung thư. Thế nhưng, những cơn đau bất thường vẫn kéo dài và bà vô tình thấy một trường hợp bị ung thư vú cũng xuất hiện những cơn đau như mình. Khi đó, bà đã yêu cầu bệnh viện khám lại và nhận được kết quả đúng là bà đang mắc phải căn bệnh ung thứ vú.

Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp bà đã vượt qua được những vấn đề về tâm lý và dám đương đầu để chống chọi với bệnh tật. Chính thái độ lạc quan, tích cực đã giúp bà vượt lên bệnh tật.

Bà chia sẻ: “Tất nhiên là tôi cũng có thể buồn chứ vì không hiểu tại sao chuyện đó lại xảy đến với mình, cảm thấy cuộc đời mình đã chấm dứt, nhưng mà cảm giác đó chỉ diễn ra vài ngày. Cứ hỏi “tại sao?” chẳng giúp ích được gì cả, nên tôi không nghĩ nữa và tiếp tục chiến đấu.”

“Tôi nghĩ rằng nếu bạn buông xuôi, nói rằng “tôi bị ung thư, tôi sẽ chết” và tự cô lập mình thì có khả năng chuyện đó sẽ thành sự thật. Nhưng nếu bạn nói “tôi bị ung thư, tôi có thể đánh bại nó, tôi sẽ chiến đấu với nó” thì mọi chuyện có thể sẽ khác. Khi tôi phát hiện mình bị ung thư, tôi ngừng uống các thứ có cồn, đảm bảo chế độ ăn uống sạch sẽ, ngủ nhiều, tập thể dục nhiều, làm tất cả những gì mình phải làm.”

 

Giờ đây, sức khỏe bà đã ổn định và vẫn đến bệnh viện để kiểm tra định kỳ hằng năm gồm chụp nhũ ảnh, siêu âm, đi khám bác sĩ chuyên khoa ung thư để kiểm tra và chắc chắn mình không sao.

Trang bị đầy đủ kiến thức cho mình, hỏi tất cả những câu hỏi liên quan đến căn bệnh của mình với bác sĩ không những bạn giúp đỡ được bản thân mà con giúp đỡ được cho những người khác bằng cách truyền cảm hứng từ trong tư tưởng và ý nghĩ. Mở lòng và đón nhận sự giúp đỡ của người khác sẽ giúp bạn cảm thấy được quan tâm và cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn.

THÙY ANH (tổng hợp)

Đọc thêm

lên đầu trang