Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, tháng 3-2023 là thời điểm xâm nhập mặn xảy ra lớn nhất trong mùa khô năm nay trên các cửa sông chính Cửu Long.
Tại Vĩnh Long đã ghi nhận độ mặn 4,7‰ xuất hiện ở một số tuyến sông. Các đợt xâm nhập mặn vào những năm trước, nông dân trở tay không kịp, hàng trăm hécta vườn cây ăn trái của người dân Vĩnh Long bị thiệt hại nặng. Năm nay, người dân không còn lo lắng, thiệt hại do mặn xâm nhập giảm đáng kể nhờ hệ thống báo động bằng phần mềm CMS được thiết lập đến tận ấp, khóm và hệ thống đê bao khép kín.
Thời điểm này, nhà vườn ở xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long khẩn trương tưới đủ nước cho vườn cây, đồng thời trữ nước ngọt để sử dụng trong những ngày nước mặn xâm nhập. Ông Phẩm Văn Tiếu, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng ở xã Thanh Bình, cho biết: Tổ hợp tác hiện có 44 hộ tham gia với 250 công đất trồng sầu riêng (25ha), năng suất trung bình khoảng 2 tấn/công. Hiện sầu riêng ở tổ hợp tác có nhiều lứa, có vườn đang cho trái sắp thu hoạch, có vườn đang ra hoa… So với những năm trước, không còn là nỗi lo của nhà vườn. Bởi nhà vườn đã có hệ thống trữ nước trong mương vườn. Ngoài ra, thông tin cảnh báo được cập nhật thường xuyên cả ngày lẫn đêm. Hiện huyện Vũng Liêm có 1.222ha sầu riêng, chưa có nhà vườn nào bị ảnh hướng nước mặn xâm nhập.
Phòng NN-PTNT huyện Vũng Liêm thường xuyên cập nhật quan trắc đo mặn tại các địa điểm ven sông Cổ Chiên, sông Măng Thít và trong nội đồng để có số liệu cụ thể mới tiến hành điều hành, vận hành các cống hiệu quả.
Tại Hậu Giang, hiện cán bộ ngành nông nghiệp túc trực đo độ mặn trên các trục sông chính hướng biển Đông và biển Tây. Khi phát hiện mặn xâm nhập, địa phương sẽ vận hành đóng cống và triển khai đắp các đập thời vụ. Ngoài hệ thống cống đã có, tỉnh Hậu Giang sẽ đắp thêm 110 đập thời vụ ở khu vực huyện Vị Thủy để kịp thời ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ nay đến ngày 9-3, nước mặn có xu thế xâm nhập vào các cửa sông tăng so với tuần trước. Trong tháng 3-2023, nước mặn với nồng độ 4‰ có thể xâm nhập sâu 45-60km. Gió chướng mạnh có thể làm mặn vào sâu 50-65km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước ngọt.
Cùng ngày, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, mực nước cao nhất ngày tại các trạm trên các sông, kênh rạch khu vực TPHCM lên nhanh theo kỳ triều cường đầu tháng 2 âm lịch và ở mức cao. Độ mặn lớn nhất tại hầu hết các trạm xuất hiện vào đầu tuần ở mức xấp xỉ cao và cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Độ mặn cao nhất thực đo từ ngày 21-2 đến 28-2 tại các trạm như sau: trạm Lý Nhơn, độ mặn cao nhất tuần là 23,1 % cách cửa sông Soài Rạp 7km; trạm Cát Lái, độ mặn khoảng 5,4 %, cách cửa sông Sài Gòn 54km. Dự báo, từ ngày 1-3 đến 10-3, độ mặn trên sông Sài Gòn- Đồng Nai xuống nhanh trong đầu tuần. Độ mặn cao nhất tuần tại hầu hết các trạm xuất hiện vào nửa cuối tuần ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Độ mặn 4% có thể xâm nhập vào sâu vào hướng đất liền, cách các cửa sông khoảng 62-65km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn – Đồng Nai ở cấp độ 3.
Theo sggp.org.vn