Theo thống kê của Sở TN-MT TPHCM, mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt. Trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải vẫn còn bộc lộ những khó khăn, bất cập… Để khắc phục những tồn tại này, nhiều ý kiến cho rằng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý chất thải được đánh giá là giải pháp hữu hiệu, hợp xu hướng thực tế hiện nay.
Giải pháp từ doanh nghiệp
TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Điện toán Sài Gòn (CINOTEC) cho biết, công ty đã nghiên cứu thành công phần mềm quản lý vệ sinh môi trường (uberRac). Chỉ cần người dân cài đặt phần mềm ứng dụng sử dụng bằng điện thoại di động (hệ điều hành iOS hoặc Android) để theo dõi dịch vụ thu gom rác như đăng ký, ký hợp đồng thu gom rác; theo dõi lịch đóng tiền rác, thanh toán qua ngân hàng; theo dõi thời gian (lịch trình) xe thu gom rác thu gom; đăng ký, thỏa thuận giá đổ rác khối lượng lớn (bàn, ghế, cây…); phản ánh chất lượng thu gom rác; đăng ký thu đổi ve chai, rác thải chế (đổi ve chai, rác tái chế cấn trừ vào tiền thu gom rác hoặc các vật dụng có giá trị).
Với sự tiện lợi như vậy, từ tháng 6-2022, CINOTEC sẽ phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở TN-MT TPHCM) triển khai ứng dụng phần mềm uberRac cho các đơn vị thu gom rác dân lập đang thu gom tại một số khu phố trên địa bàn các phường Bình Thuận, Tân Quy, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây (quận 7). Nhờ đó sẽ giúp các đơn vị thu gom rác dân lập nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ thu gom rác, giúp người dân có kênh thông tin đăng ký, theo dõi, phản ánh dịch vụ thu gom rác nhằm góp phần cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn khu dân cư.
Ông Phan Thanh Tùng, chuyên gia tư vấn giải pháp cấp cao, Công ty CP Tin học – Bản đồ Việt Nam cho biết, công ty cũng đã triển khai nghiên cứu phần mềm công nghệ (bản đồ số) trong hệ thống quản lý vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn TPHCM. Theo đó, phần mềm này sẽ có những chức năng như giám sát hành trình cho người thu gom, giám sát hành trình cho người quản lý. Không những thế, phần mềm còn cập nhật rất chi tiết và cụ thể vị trí các phương tiện, tốc độ hiện tại, trạng thái phương tiện và lộ trình của phương tiện, thậm chí còn có thể hậu kiểm hoạt động của phương tiện, ngoài ra còn có thể quản lý danh sách các điểm trung chuyển, tập kết và trạm xử lý rác.
Xu hướng tất yếu
Ngoài những phần mềm công nghệ tiêu biểu nói trên thì nhiều phần mềm khác đang được các công ty nghiên cứu, kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc “cách mạng” trong quản lý môi trường. Nhiều ý kiến cho rằng, các phần mềm công nghệ thông tin giống như một “ngân hàng” dữ liệu lưu trữ các sổ đăng ký chủ nguồn thải, giấy phép chủ vận chuyển, chủ xử lý và thông tin liên quan vào hệ thống văn bản, chứng từ. Dữ liệu được liên thông, liên kết với nhau qua internet phục vụ việc trao đổi thông tin giữa chủ nguồn thải, đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải với cơ quan quản lý. Ứng dụng hệ thống thông tin vào quản lý chất thải, các chủ nguồn thải, chủ vận chuyển, chủ xử lý chất thải sẽ quản lý được số liệu trên máy tính. Đồng nghĩa với việc sẽ quản lý được đường đi và “vòng đời” của chất thải. Qua đó, hạn chế tình trạng chất thải được vận chuyển không đúng địa chỉ hoặc xử lý thì ít nhưng báo cáo nhiều, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.
PGS-TS Lê Thị Kim Oanh, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang, phân tích, khi ứng dụng công nghệ trong quá trình quản lý chất thải rắn sẽ mang lại rất nhiều tiện ích. Ví dụ, khi xe vận chuyển rác có gắn chip thì nó sẽ thiết lập được tuyến đường đi nào là ngắn nhất, từ đó sẽ rút ngắn được đường đi, cũng như tiết kiệm chi phí trong quá trình vận chuyển chất thải, một ví dụ khác nữa khi mình dùng công nghệ ủ phân compost thì công nghệ sẽ giúp đánh giá độ ẩm, thành phần dinh dưỡng, yếu tố nhiệt độ, nếu chưa đủ thì công nghệ sẽ tự kích hoạt để cho quá trình được tốt và hiệu quả hơn. Khi áp dụng công nghệ ở trong các bãi chôn lấp, hay lò đốt rác cũng sẽ cung cấp cho người dân chi tiết hơn về nồng độ các chất, khí… khi thải ra môi trường. Ở Singapore, gắn chip vào các thùng chứa rác ở nơi công cộng, nó tự động báo đầy hoặc sắp đầy…, từ đó người thu gom sẽ biết thời gian lịch trình đến thu gom, chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải đi.
Ông Bùi Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Sở TN-MT TPHCM, nhìn nhận, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành TN-MT là xu hướng phát triển tất yếu. Đứng trước bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ, Sở TN-MT TPHCM đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực môi trường, nhằm quản lý và vận hành tốt hơn, giúp cho thành phố sạch và đẹp hơn. Sở sẽ sử dụng Mô hình đồng vận hành của tổ chức OGC (Open Geospatial Consortium) làm nền tảng để phát triển và vận hành nền tảng chia sẻ dữ liệu TN-MT, nhất là các dữ liệu không gian địa lý. Thông qua nền tảng chia sẻ dữ liệu TN-MT, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân dễ dàng tiếp cận các dữ liệu TN-MT, đặc biệt là dữ liệu không gian địa lý để khai thác, sử dụng, tích hợp, phát triển mới các ứng dụng trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau.
UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành TN-MT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. TPHCM kỳ vọng đến năm 2030 sẽ đạt được một số kết quả như: 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế xã hội số, dữ liệu chia sẻ rộng rãi trong xã hội, giảm 40% thủ tục hành chính; tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp; 100% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc trên công nghệ số; 100% người làm việc trong ngành được đào tạo về kỹ năng số đáp ứng yêu cầu triển khai vận hành chính phủ số. |
MINH HẢI (SGGP)