TRƯỚC 30/04/2019 DI DỜI TẤT CẢ CÔNG TRÌNH, TRỤ SỞ RA KHỎI CÔNG VIÊN 23 THÁNG 9

31/07/2018 02:43

(9)


UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giao thông Vận tải chấn chỉnh, lập lại trật tự Công viên 23/9, Quận 1, TP.HCM.

Thời hạn đưa ra là đến 30/4/2019 thì tất cả các công trình và trụ sở nằm trong khuôn viên này phải dược di dời ra hết để trả công viên cho người dân thành phố thụ hưởng.

CHỦ TỊCH UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG YÊU CẦU DI DỜI RA KHỎI CÔNG VIÊN 23/9 TRƯỚC NGÀY 30/4/2019

Tại cuộc họp về tình hình Kinh tế- Văn hóa-Xã hội và thu chi ngân sách TP.HCM 6 tháng đầu năm 2018 vào đầu tháng 7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ ra rằng, Công viên 23 Tháng 9 bị các quán cà phê, ca nhạc lấn chiếm.

Tường thuật trên báo PhunuOnline cho biết, người đứng đầu chính quyền TP.HCM thốt lên: “Ngoài đoạn có thi công tuyến đường sắt đô thị, các đoạn còn lại của Công viên 23 Tháng 9 toàn quán cà phê, ca nhạc. Công viên mà làm kiểu gì kỳ thế”.

Ông nói tiếp: “Không biết trên địa bàn TP có bao nhiêu công viên bị lấn chiếm như thế nữa. Công viên phải là không gian để mọi người thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi chứ không phải nơi để kinh doanh. Việc các hàng quán lấn chiếm công viên không phải là chuyện nhỏ”.

Do đó, ông Phong yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, trong tháng 7 phải báo cáo đầy đủ cho UBND TP hiện trạng các công viên trên địa bàn. Vị Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh: Việc này phải làm nhanh, không thể chậm hơn được nữa.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc TP – Nguyễn Thanh Nhã, có báo cáo quy hoạch Công viên 23 Tháng 9 như thế nào.

Cụ thể lộ trình này sẽ là: Sở Tài nguyên & Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP phải chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại Công viên 23 tháng 9.

Với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng nhưng trong các văn bản pháp lý không ghi rõ thời gian hoàn trả, yêu cầu di dời trước ngày 30/04/2019. Đồng thời, khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị chức năng liên quan xây dựng kế hoạch di dời cụ thể các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe… Công tác di dời phải hoàn tất trước ngày 30-4-2019.

TỔ CHỨC QUY HOẠCH LẠI CÔNG VIÊN 23/9 KẾT NỐI THÔNG SUỐT VỚI HẠ TẦNG GIAO THÔNG NGẦM HIỆN HỮU

UBND TP.HCM yêu cầu Sở Giao thông Vận tải khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan xây dựng kế hoạch di dời các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi giữ xe… trong Công viên 23 tháng 9, đồng thời xây dựng phương án cải tạo, chỉnh trang Công viên 23 tháng 9 trong thời gian công viên chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt.

Cũng theo UBND TP.HCM, hiện Công viên 23 tháng 9 đã có quyết định tổ chức thi tuyển quy hoạch kiến trúc quốc tế theo hướng hiện đại, kết nối thông suốt với hệ thống hạ tầng giao thông ngầm hiện hữu. Đây còn là một trong những điểm đến xanh, bảo tồn giá trị lịch sử – văn hoá vốn có của TP.

Công viên có diện tích khoảng 9,46 ha với chiều rộng khoảng 90m và chiều dài hơn 1.100m. Công viên bị giới hạn bởi quảng trường Quách Thị Trang, đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi. Trong đó, hai đường là Nguyễn Thái Học và Tôn Thất Tùng nối dài cắt ngang qua công viên và cắt công viên ra làm 3 đoạn.

Theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 lập năm 2007, Công viên 23 tháng 9 được Công ty TNHH Xây dựng và Kiến trúc miền Nam lập và được Sở Quy hoạch Kiến trúc trình UBND TP.HCM gồm 9 chức năng.

Trong đó, chức năng chính là công viên cây xanh, khu sinh hoạt văn hóa, quảng trường có tượng đài kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến… Chức năng phụ là đầu mối giao thông (nhà ga cho xe điện ngầm và trạm điều hành xe buýt), chỗ đậu xe (tại các tầng hầm dưới công viên) và trung tâm thương mại dịch vụ (trong thời điểm chưa có nhà hát giao hưởng – nhạc – vũ kịch).

Đến năm 2011, Công ty Tư vấn Nikken Sekkei Nhật Bản đã lập lại đồ án quy hoạch và được Sở Qy hoạch Kiến trúc trình UBND TP.HCM với các chức năng tương tự nghiên cứu do Công ty TNHH Xây dựng và Kiến trúc miền Nam lập.

Tuy nhiên, trên mặt đất sẽ có công viên và quảng trường. Dưới mặt đất sẽ là các bãi đậu xe ngầm và trung tâm thương mại dịch vụ. Trong đó tầng ngầm được quy định tối đa là 4 tầng với 2 tầng làm bãi đậu xe và 2 tầng làm trung tâm thương mại.

MỸ XOÀN (tổng hợp)

Đọc thêm

lên đầu trang