TP.HCM sẵn sàng trong công tác chống bão, tránh lặp lại nỗi đau 20 năm trước

28/12/2017 11:16

(37)


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ 7 giờ ngày 1-11 tâm áp thấp nhiệt đới có sức gió tối đa 60 km/h (cấp 7), giật cấp 9 đang cách Côn Đảo khoảng 110 km về phía Đông Đông Nam. Dự báo sáng mai áp thấp tại vùng biển phía Nam – Cà Mau sẽ có sức gió mạnh gần tâm bão cấp 6 và giật cấp 8.

Tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới sáng nay, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc TT Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ cho biết, khu vực Nam biển Đông đang chịu tác động trực tiếp của một áp thấp nhiệt đới hình thành trong những ngày qua. Một cơn áp thấp mới có nguy cơ mạnh lên thành bão số 12 khi đi vào biển Đông trong hôm nay.

Áp thấp nhiệt đới cũ hiện còn cách Côn Đảo hơn 100km. Đến sáng mai sẽ nằm trên vùng biển phía nam Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

TP.HCM CHUẨN BỊ CÔNG TÁC PHÒNG TRÁNH BÃO

Để làm tốt công tác phòng tránh bão, đảm bảo an toàn về người và của, các tỉnh Nam Bộ hiện đang chuẩn bị nhiều phương án đối phó diễn biến phức tạp của hai đợt áp thấp nhiệt đới. Từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Cà Mau chính quyền địa phương đã cấm tàu thuyền ra khơi.

UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị lên phương án sơ tán người dân ở khu vực ven sông, ven biển, cấm tàu thuyền hoạt động khi bão mạnh đổ bộ vào thành phố.

Đồng thời, Ủy ban đã gửi công văn khẩn đến tất cả các cơ quan, đơn vị yêu cầu khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới gần biển Đông. Công văn đề nghị các đơn vị chủ động công tác phòng, tránh, ứng phó với mọi tình huống, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, tập trung triển khai các phương án ứng phó khi bão mạnh hoặc rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố.

UBND huyện Cần Giờ phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Sở NN&PTNT thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản. Đồng thời, các đơn vị này theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của hai cơn áp thấp nhiệt đới, bằng mọi biện pháp sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển, diễn biến của áp thấp nhiệt đới và kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

UBND huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông biển đến các địa điểm kiên cố ngay khi có lệnh của UBND TP. Đặc biệt, việc di tản người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật…phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.

 

Tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới, UBND giao Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP quyết định thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt, đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến ra khơi… hoạt động.

Đối với các quận huyện, phường xã, thị trấn, UBND TP yêu cầu triển khai ngay phương án chi tiết để huy động vật tư, phương tiện, các lực lượng giúp nhân dân chằng chống nhà cửa chắc chắn trước áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm.

Các đơn vị này phải chuẩn bị ngay phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn, đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi tạm cư.

TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN, KHÔNG ĐỂ LẬP LẠI KÝ ỨC 20 NĂM TRƯỚC

Cách đây 20 năm, cơn bão số 5 (tên quốc tế là bão Linda) bất ngờ và ‘dị thường’ đổ bộ vào Nam Bộ khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và mất tích.

Vào đêm 31/10/1997, vùng áp thấp ở khu vực nam Biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6-7, di chuyển theo hướng Tây. Đến trưa 1/11/1997, áp thấp nhiệt đới cách Côn Đảo khoảng 600km về phía đông chếch nam và mạnh dần lên thành bão- cơn bão số 5 có tên quốc tế là Linda.

Cơn bão Linda đi qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Qua thống kê, bão Linda gây thiệt hại 7.200 tỷ đồng cho 21 tỉnh thành phố khu vực Nam Bộ, khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương, 107.892 ngôi nhà bị sập. Trong đó riêng tỉnh Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác; tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó là trên 2.700 tỷ đồng.

Đây là cơn bão đầu tiên mà người dân Nam Bộ phải hứng chịu và cũng là cơn bão “ám ảnh” đối với nhiều người từng chứng kiến sự tàn phá của cơn bão này. Được biết, những dự báo về cơn bão lịch sử này đã được đưa ra, nhưng không nhiều người tin đó là sự thật.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT- Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lũ lụt Trung ương Lê Huy Ngọ cho hay, cơn bão Linda bất ngờ và “dị thường” đến mức đổ bộ vào Cà Mau- “vàng đất hàng trăm năm không có bão”. Chính vì thế, người dân, thậm chí cả cán bộ, chính quyền địa phương ở đây cũng không thể tin rằng, cơn bão lịch sử Linda lại gây ra một thảm họa kinh hoàng như vậy.

Ông Ngọ cũng khẳng định: Làm công tác phòng, chống bão là phải lăn vào vùng bão, chủ động, quyết liệt, không thể “nghe điện thoại rồi chỉ đạo”.

20 năm trôi qua, người dân Nam Bộ vẫn bị ám ảnh bởi những gì cơn bão đã gây ra. Tại những địa phương có nhiều người chết và mất tích, tượng đài Linda đã được xây dựng để tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão.

Ngoài ra, Thứ trưởng NN&PTNT Hoàng Văn Thắng liên tục lưu ý không được chủ quan, vì người dân ĐBSCL ít phải đối phó với bão. Do đó các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác.

“Bài học từ sự chủ quan trong cơn bão Linda cách đây 20 năm đã gây thiệt hại rất nặng nề cho khu vực ĐBSCL với hơn 3.000 người chết và mất tích. Bão khi đó không quá lớn, thiệt hại trên đất liền ít nhưng trên biển rất lớn”, ông Thắng nhắc lại.

Tại khu vực Đà Nẵng, ông cũng lưu ý thêm: đây cũng là khoảng thời gian diễn ra APEC tại Đà Nẵng nên ông đề nghị cơ quan dự báo cần theo sát các diễn biến để có phản ứng kịp thời và chủ động. Các ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh cần làm việc với Ban chỉ đạo APEC để trao đổi thông tin bàn bạc để có phương án đảm bảo an toàn cho các đoàn tham dự APEC.

Vì vậy, việc phòng chống bão, lũ lụt thiên tai là việc làm tiên quyết và hết sức quan trọng. Cần luôn được triển khai và phối hợp kịp thời với các cơ quan chúc năng để phòng tránh bão.

THÙY ANH (tổng hợp)

Đọc thêm

lên đầu trang