Theo công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM (Citenco), mỗi ngày thành phố phát sinh 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó hơn 1.500 tấn là rác thải nhựa, xếp thứ hai, chỉ sau chất thải hữu cơ.
Ngày 16/11, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco) và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”.
Việc xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế góp phần thay đổi thói quen của người dân trong việc phân loại rác, tạo ra nguồn tài nguyên mới từ chất thải, giảm khối lượng chất thải ra các bãi chôn lấp, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho các hoạt động tái sinh, tái chế nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Theo dự kiến, trong giai đoạn 1, TP.HCM sẽ thu mua theo giá thị trường các loại rác thải tái chế từ giấy, nhựa, mica, lon bia, sắt, inox, đồng, nhôm, chai thủy tinh… Chất thải sau khi tiếp nhận sẽ được phân loại thành 4 nhóm (nhựa, giấy, kim loại, thủy tinh) để xử lý tái chế.
Ông Huỳnh Minh Nhựt – Giám đốc Citenco cho biết mỗi ngày, TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác hữu cơ) khoảng hơn 1.500 tấn. Khối lượng rác thải tăng bình quân từ 6 – 10%/năm. Việc tăng nhanh chóng chất thải rắn đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực trong quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay do 2 hệ thống công lập và dân lập thực hiện, trong đó hệ thống công lập (Citenco và 22 công ty Dịch vụ công ích (DVCI) quận/huyện) thu gom 40% khối lượng rác toàn thành phố. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nội thành đạt 100%. Riêng khu vực ngoại thành chỉ đạt 70 – 80%, do một bộ phận người dân… tự xử lý, gây nhiều hệ lụy về môi trường.
Trong khi đó, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do Citenco (chiếm 40%), 22 công ty DVCI quận/huyện và 2 doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (WVS) với 5.800 tấn/ngày bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; Công ty Vietstar :1.800 tấn/ngày và Công ty Tâm Sinh Nghĩa: 1.300 tấn/ngày xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân compost. Ngoài ra, Citenco tiếp nhận và xử lý rác cặn sau quá trình phân loại của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa với khối lượng 700 tấn/ngày.
“Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hiện nay còn dàn trải, chưa tập trung, phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại. Việc xử lý chất thải rắn hiện nay chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đến khối lượng chất thải rắn xử lý bằng công nghệ chôn lấp cao. Hiện nay, TP.HCM chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế. Hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải sinh hoạt gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường” – ông Nhựt thừa nhận.
Theo Tiền Phong