TP.HCM và tỉnh Bình Dương đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để cải thiện kênh Ba Bò (quận Thủ Đức, TP.HCM) “nổi tiếng” về ô nhiễm. Sau gần tám năm triển khai, tình trạng ô nhiễm trên dòng kênh vẫn còn.
Trước năm 2008, kênh Ba Bò bị ô nhiễm nặng, hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ vượt quy chuẩn trên 10 lần. Nguyên nhân gây ô nhiễm được xác định là do nước thải sinh hoạt và rác thải của các khu dân cư nằm dọc kênh Ba Bò xả trực tiếp ra kênh; nước thải của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 (Bình Dương) chưa đấu nối về hệ thống xử lý tập trung, nước thải sau xử lý của 2 KCN này có một số thời điểm chưa đạt quy chuẩn (do bị quá tải cục bộ), rác thải và chất thải tích tụ trong đập chứa nước và trên lòng kênh từ nhiều năm trước.
TỪ MỘT CON KÊNH TRONG XANH TRỞ THÀNH MỘT CON KÊNH TAI HỌA
Vào những năm 1990, con kênh này chứa nhiều tôm, cá nước lại trong xanh nên ngoài cung cấp thủy sản người dân còn dùng nước để tắm gội, thậm chí còn dùng để nấu ăn.
Một người dân sống gần dòng kênh cho biết nhờ tôm cá của dòng kênh này mà có thể nuôi đủ 10 miệng ăn của một gia đình, từ năm 2003 trở về sau thì kênh Ba Bò bị ô nhiễm nặng, mực nước đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến người dân phải đối mặt với nhiều vấn đề mô nhiễm và không một sinh vật nào có thể tồn tại được. Vì vậy, những ngôi nhà của người dân luôn được đóng kín cửa để không phải hứng chịu những hậu quả nặng nề mà con kênh này mang lại.
Kênh Ba Bò chảy qua quận Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) là một trong những tuyến thoát nước mưa quan trọng đối với cả TP HCM và Bình Dương. Hai địa phương đã bỏ ra hơn 10.000 tỷ đồng để cải tạo, khắc phục ô nhiễm, tuy nhiên tình hình ô nhiễm đang có dấu hiệu gia tăng, đặt các khu dân cư sinh sống ven kênh nơm nớp nỗi lo phát sinh bệnh dịch và ô nhiễm nguồn nước ngầm…
Người dân trong khu vực rất vui khi các dự án cải tạo kênh Ba Bò chính thức được khởi công xây dựng. Đồng thời trước tình hình ô nhiễm nặng, tỉnh Bình Dương cũng tìm những giải pháp khắc phục như nạo vét dòng kênh, xây dựng bờ kè kết hợp làm đường hai bên kênh và vận động người dân không xả rác thải bừa bải vào kênh.
Ô NHIỄM VẪN HOÀN Ô NHIỄM
Dù đã khắc phục tình trạng ô nhiễm đặt những vấn đề xử lý, thế nhưng tình hình ô nhiễm vẫn có dấu hiệu gia tăng khiến các khu dân cư sinh sống ven kênh vẫn nơm nớp lo sợ phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Kể từ khi công trình thực thi đến nay, hình ảnh dòng kênh xanh dường như đã trở thành một điều xa lạ đối với người dân sống tại khu vực. Khi công trình cải tạo dòng kênh được thực thi, dòng kênh đã cũng có một thời điểm bớt hôi nhưng chỉ sau một thời gian thì “đâu lại vào đấy”.
Vào đầu tháng 8-2014, người dân phát hiện nước dưới kênh Ba Bò lại bốc mùi hôi, sủi bọt trắng phủ dài một đoạn kênh. Khi có gió lùa qua, bọt dưới kênh bay mù trời, bám đầy mặt đường và nhà dân như mưa tuyết.
Để con kênh thực sự hồi sinh, vai trò giám sát của Nhà nước và người dân cần được nâng cao nhiều hơn nữa. Kiểm soát được chất lượng nước thải từ các khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2, Đồng An… Đồng thời phải sớm triển khai hoàn tất dự án xây dựng hồ điều tiết (dung tích 250.000m3) cũng như hồ sinh học (thuộc địa phận TP.HCM) đã kéo dài nhiều năm nay.
Ủy ban Nhân dân TP.HCM vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương (9/2017) và khẳng định nguyên nhân gây ô nhiễm một số khu vực kênh Ba Bò chủ yếu do nước thải một số khu công nghiệp chưa kết nối hoàn toàn vào hệ thống xử lý nước thải tập trung xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước. Kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng TP.HCM cho thấy chất lượng nước ngay sau họng xả của nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Sóng Thần 1 và KCN Sóng Thần 2 có sự chênh lệch rất lớn so với nước tại vị trí cuối tuyến thoát nước thải này. Chất lượng nước tại vị trí cuối tuyến thoát nước trước khi đổ vào kênh Ba Bò có đến 8/18 thông số quan trắc vượt giới hạn cho phép nhiều lần.
Như vậy, các nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tập trung được đầu tư để xử lý các chất ô nhiễm xem như không hiệu quả. Ủy ban Nhân dân TP.HCM đề nghị tỉnh Bình Dương cho các cơ quan chuyên môn của thành phố tham gia việc rà soát, phát hiện những hành vi đấu nối xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý vào tuyến thoát nước.
THÙY ANH