Tăng thuế suất nhập khẩu PP, ngành nhựa sẽ ra sao

14/11/2019 04:59

(371)


Bộ Tài Chính đang có khảo sát nhằm nâng giá trị từ 3 lên 5% thuế suất nhập khẩu Nhựa Poly-Propylene. Vấn đề này tuy chỉ là con số nhỏ bé +2% so với thuế suất hiện hành nhưng thực sự đã đẻ ra những hệ quả có sức ảnh hưởng không hề nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp ngành Nhựa.

Hạt nhựa nguyên liệu

Trong nhãn quan kinh tế, chính sách điều tiết tài chính bằng thuế nhập khẩu của Chính phủ áp lên nguyên liệu nhựa theo lộ trình từ 2014 có cân đối với sức cung nội địa là 1 chủ trương đúng đắn : Theo tinh thần này, thuế suất đã tịnh tiến dao động từ 1% (2014), tăng lên 2% (2015) và 2016 là 3% nhưng từ ngày 6/3/2016 lại giảm về mức 1% và từ tháng 1/2017 tăng lại 3% cho đến nay.

Hiện nay khi khả năng cung ứng nguyên liệu nhựa trong nước qua 3 nhà máy Bình Sơn, Nghi Sơn và Hyosung Bà Rịa theo tính toán đã là 550.000 tấn, đồng thời với việc triển khai thực hiện 11 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, trong đó mặt hàng hạt nhựa PP đang cắt giảm xuống thuế suất ưu đãi đặc biệt là 0% đối với phần lớn các đối tác FTA song phương hay đa phương (chính là thị trường chiếm tỷ trọng áp đảo trong mặt hàng nhựa PP nhập về Việt Nam do phần lớn PP xuất xứ từ Đông Nam Á, Hàn Quốc. Trung Quốc, Ấn Độ, vài nước Âu châu)…  2 diễn biến thuận lợi trên cùng đến đúng ngay trong vận hạn ngành nhựa ngược lại, đang gặp những “tai biến” quay quanh đề tài môi trường do hệ lụy từ rác thải nhựa mà xã hội đã hồ đồ quy trách nhiệm nó là thủ phạm và đang phải vất vả đối phó với sức ép chuyển đổi công nghệ, quản lý phát thải, hạn chế sản phẩm dùng 1 lần, đóng thuế môi trường…

Về mặt lý thuyết, đúng là 2 diễn biến đã nói trên là điều kiện và cơ hội cho không chỉ riêng ngành nhựa mà còn là tất cả các doanh nghiệp mọi ngành trong nước có thể tranh thủ được nguồn cung nguyên liệu nội địa lẫn tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để giảm chi phí sản xuất đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh với các đối tác trong khu vực, và cũng xuất phát từ bối cảnh này, dựa trên luận cứ này, Bộ Tài Chính đang đề nghị tăng thuế suất lên 5% cho nhựa PP nhập khẩu.

Nhà máy hóa dâu Dung Quất (Bình Sơn – Quảng Ngãi)

Tuy nhiên, năng lực cung nguyên liệu nhựa nội địa trong thực tế đã không đúng như dự kiến, khi Lọc hóa dầu Bình Sơn từ hết năm 2017 đến nay chỉ đạt tổng công suất tối đa là 150.000 tấn/năm, còn Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo tiến độ đến giữa năm 2019 mới đi vào hoạt động sản xuất để cung cấp sản phẩm PP cho thị trường Việt Nam mà sản lượng cũng không thể đạt mức công suất thiết kế là 300.000 tấn/năm (hơn nữa dự kiến của các cổ đông ngoại góp ¾ vốn đã quyết định chỉ dành 100.000 tấn cho nội địa, còn lại xuất khẩu) và cuối cùng là Hyosung Vietnam có công suất thiết kế là 300.000 tấn/năm nhưng chỉ có 1/3 công suất sản phẩm PP là được sử dụng cho sản xuất các sản phẩm Nhựa ép, còn 2/3 sản lượng còn lại là chuyên dụng phục vụ ngành dệt may. Hạt nhựa PP trong cân đối thực tế hiện chỉ đạt 350.000 tấn / năm từ cả 3 Nhà máy chứ không phải là 550.000 tấn/ năm thời điểm này như trong tính toán trước đó.

Đến 2020-2023 cho dù các nhà máy hóa dầu (Bình Sơn, Nghi Sơn, Hyosung Bà Rịa) trong nước có đạt tổng công suất tổng sản lượng nhựa thiết kế thì cũng dự báo chỉ cung cấp ra thị trường nội địa là 850.000 tấn, không thể đạt mức 1.200.000 tấn như tính toán. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu nhựa PP từ 2019 – 2023 (ước tính theo mức tăng trưởng bình quân của ngành trong phân khúc này là 11,38%/ năm) là : Năm 2019 : 1,420,081 tấn / Năm 2020 : 1,581,686 tấn / Năm 2021 : 1,761,681 tấn / Năm 2022 : 1,962,160 tấn / Năm 2023 : 2,185,453 tấn. Động thái này đã chỉ ra lượng cầu sẽ là gấp đôi lượng cung 1.200.000 tấn (nếu như đúng theo tính toán thiết kế của Chính phủ), huống chi lượng cung thực tế hiện nay 350.000 tấn cân đối chỉ đạt # 25% lượng cầu. Trong tình thế này, dĩ nhiên ¾ nguyên liệu nhựa cũng phải nhập khẩu để bảo đảm sản xuất ngành nhựa Việt Nam trong phân khúc hàng Poly-propylene.

Phân tích của Hiệp hội Nhựa Việt Nam PVA lo ngại rằng để tận dụng lợi thế cạnh tranh từ thuế suất ưu đãi FTA, những nước chủ hàng xuất nhựa cho VN trong quan hệ hiệp định sẽ nâng giá hàng PP để tăng lợi nhuận cho họ. Đây chỉ là “quan ngại” thôi chứ thiếu các số liệu phân tích và cơ sở thực tế để bảo đảm chuyện “tát nước theo mưa” này xảy ra, và chuyện lên xuống giá nhựa trước nay chỉ phụ thuộc vào 2 tác động chính là quy luật cung cầu thị trường và biến động giá dầu mỏ. Theo tinh thần này thì lý lẽ “tiên đoán” của PVA cũng chỉ đơn thuần là lo lắng mơ hồ thôi, không có chứng cứ thuyết phục. Thiệt hại của ngành Nhựa là bị tăng chi phí giá thành vì gánh thêm thuế nhập nguyên liệu thôi chứ khó có thiệt hại kép do tăng tiền hàng của những nhà cung ứng thuộc FTA, mà chỉ như vậy cũng đủ mệt rồi.

Ngành nhựa Việt Nam nhập khẩu tới 80% nguyên liệu đầu vào cho nhựa PP nói riêng và các chủng loại nhựa nói chung, với chi phí chiếm 70-80% giá thành sản phẩm nên ngành rất mẫn cảm với biến động giá nguyên liệu nhựa thế giới và các thứ thuế. Ngành nhựa có tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp -chỉ 5%, trong khi tỷ lệ thâm hụt lên đến 7%, nên ngoài việc biến động tỷ giá, nội mức thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa PP dù chỉ 3% như mức hiện hành đều đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, nay nếu gánh thêm mức thuế quan mới 5% thì chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nặng nề hơn, đã vậy còn gây tác động gián tiếp đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài trong thị trường nội địa và thế giới.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Khu Kinh tế Nghi Sơn – Thanh Hóa

Trong nhãn quan xã hội và xu thế “ưu tiên hàng nội”, người ta có thể thấy Ngành nhựa Việt Nam có lực lượng đông đảo đến gần 4,000 doanh nghiệp trong cả nước và sử dụng cả 200,000 lao động với hơn 80% doanh nghiệp nhựa trong nước có quy mô vừa và nhỏ, trình độ công nghệ hạn chế và khoảng 85% thiết bị máy móc trong ngành phải nhập ngoại. Đây là bài toán khó cho phát triển năng lực, cơ cấu sản phẩm, sử dụng nguồn nhân lực, quản lý các tác động về kinh tế- xã hội- môi trường và marketing thâu tóm thị phần.

Vấn đề thuế nhập khẩu tăng cộng với việc thanh toán nhập nguyên liệu chủ yếu bằng ngoại tệ mạnh tiềm ẩn biến động tỷ giá cũng tác động mạnh mẽ tới chi phí đầu vào của các công ty nhựa trong nước, dẫn đến việc không những giá thành sản phẩm kém cạnh tranh mà ngành nhựa còn đối mặt với thực trạng nhập siêu nguyên liệu trong tương quan với xuất khẩu sản phẩm của cán cân kim ngạch thương mại, gây trở ngại rất lớn cho sự tăng trưởng bền vững của ngành nhựa Việt Nam. Hệ lụy đáng lo ngại là tác động kép của thuế tăng cộng tỷ giá biến động này làm các doanh nghiệp nhựa sẽ chao đảo, khốn khổ vật lộn với bài toán hiệu quả kinh tế ảm đạm, phải đối phó với quá nhiều áp lực, thậm chí dẫn đến tình trạng giải thể, sát nhập, phá sản làm thất thu tài chính cho đất nước và mất việc cho cả trăm ngàn lao động, thu hẹp thị phần nhựa Việt Nam trong tổng thể phát triển của đất nước.

Điều thật khó hiểu –tương tư như việc Chính quyền TP Hà Nội bù giá cho Nhà Máy Nước mặt sông Đuống gây thắc mắc dư luận- là -đơn cử như Nhà máy Nghi Sơn- không những chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng giá hàng nhập khẩu mà sản phẩm nhựa đó còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu ( nhựa polypropylen, benzen…) chả khác gì bao tiêu sản phẩm có ưu đãi, thậm chí cam kết bù lỗ số tiền chênh lệch này nếu giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên. … Tóm lại, thuế nhập khẩu 5% này thực chất là để “bình ổn giá” cho sản phẩm chủ lực của nhà sản xuất hóa dầu lại đang là tác nhân gây thêm khốn đốn trong hạch toán kinh doanh và cạnh tranh sản phẩm vốn đã rất khó khăn của ngành nhựa. Chuyện này tạo cách hiểu hóa ra Nhà nước phải tăng thuế để bảo đảm lợi nhuận an toàn cho doanh nghiệp được ưu đãi đầu tư, bất kể tác hại tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước và thuế suất 5% hay cao hơn nữa là tác phẩm tài chính ra đời trong não trạng tư duy đó.

Nhà máy LPG và PP Hyosung (Khu Công nghiệp Cái Mép tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Trong nhãn quan về Môi trường, nhiều nhà khoa học chuyên ngành và nhà quản lý Tài nguyên – Môi trường lại cho rằng nếu thiếu nhựa PP này thì Việt Nam có thể nhập khẩu nhưng nếu sản xuất nó thì có thể Việt Nam sẽ chết vì ô nhiễm môi trường và thừa nhận những dự án sản xuất nhựa PP cũng tiềm ẩn rất nhiều những nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Dĩ nhiên ta cần những biện pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo sự phát triển kinh tế với nguồn cung nguyên liệu nội địa nhưng từ bài học Formosa gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển và bờ 4 tỉnh miền Trung thời gian qua hay việc nhà máy sản xuất nhựa PP Bình Sơn tại Dung Quất, Quảng Ngãi từng khiến người dân lo ngại về vấn đề ô nhiễm. Ta ý thức được điều quan trọng nhất là không để việc phát triển nhà máy PP để đánh đổi an toàn môi trường sinh thái và phá hoại sự phát triển bền vững nếu vấn đề công nghệ chưa được đặt lên hàng đầu hay khi chưa có những đánh giá đầy đủ về tác động môi trường chứ đừng nói là có các động tác ưu đãi để bảo đảm sức sống cha chú của nó trên sự đối phó bươn chải vất vả của ngành sản xuất quan trọng đất nước.

Mọi phân tích trên đây cũng chỉ hướng đến 1 tiêu điểm duy nhất là CÓ THỂ TĂNG THUẾ SUẤT NHẬP KHẨU NHỰA PP ĐẾN 5% HAY HƠN NỮA NẾU  BẢO ĐẢM ĐƯỢC ÍT NHẤT 75% TRONG CÂN ĐỐI CUNG CẦU NGUYÊN LIỆU CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ LÚC NÀY khi trong vận mệnh mới, thời đại mới -công nghiệp 4.0, cả nước cần phải dồn sức nâng cao nội lực hoạt động của các doanh nghiệp chủ chốt ở bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường mở toàn cầu thuộc thế giới phẳng tuy rộng lớn nhưng lại đang bị riêng rẽ định hướng tiêu cực bằng những chính sách bảo hộ mậu dịch phi thuế quan mang nặng tính lợi ích dân tộc của nhiều nền kinh tế, nhiều quốc gia .

Cụ thể hơn, để tạo điều kiện bảo đảm cho việc ổn định và phát triển năng lực của ngành nhựa đất nước, thiết nghĩ chỉ nên duy trì thuế suất 3% là đủ để ngành vượt qua khó khăn, tự hoàn thiện mình mà vươn lên chứ không thể tạo thêm những trở ngại không đáng có cho nó nữa. Hành động này tương tự như phương châm “chấp nhận 1 điều tệ hại nhất thời trước mắt để tránh những điều tệ hại lâu dài ”, mà điều tệ hại trước mắt mà ta chấp nhận là không tăng thu được 2% cho ngân sách, để không sa vào điều tệ hại lâu dài to lớn hơn là tước doạt sức sống và khả năng cạnh tranh của ngành nhựa. Một điều cần suy nghĩ lại là trong thời sự kinh tế tài chính hiện nay, các chuyên gia đã vừa khuyến cáo là nên chấm dứt thời đại của các ưu đãi về thuế và nguồn nhân lực giá rẻ cho những doanh nghiệp nước ngoài để càng gây ra các hệ lụy tổn thất đảo chiều cho các doanh nghiệp trong nước và khơi thêm phân hóa bất bình đẳng xã hội. Nói gì thì nói, cờ lệnh vẫn luôn nằm trong tay Chính phủ thông qua cơ quan tay hòm chìa khóa là Bộ Tài Chính.

LÊ HÙNG

Đọc thêm

lên đầu trang