Tái chế 97% số chai nhựa ở Na Uy, làm sao họ đạt được điều đó?

28/03/2019 10:27

(179)


Ở Na Uy, có một nơi gọi là Infinitum – cơ sở xử lý đang đạt được tỷ lệ tái chế lên tới 97% toàn bộ số chai nhựa của đất nước Bắc Âu này. Liệu thế giới có nên học hỏi để ngăn chặn mối đe dọa của rác thải nhựa?

Giữa tháng 3/2019, câu chuyện một con cá voi chết dạt bờ ở Philippines với hơn 40kg rác thải nhựa trong bụng một lần nữa lại gióng lên cảnh báo về tình hình ô nhiễm của Trái Đất. Theo Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, hằng năm thế giới sản xuất 480 tỷ chai nhựa mới và cứ mỗi phút trôi qua, số chai nhựa thải ra biển tương đương với khối lượng hàng của cả một chiếc xe tải.

Tọa lạc tại ngoại ô thủ đô Oslo, Infinitum không chỉ là cơ sở tái chế mà còn đóng vai trò tổ chức vận hành kế hoạch thu gom chai nhựa và vỏ đồ hộp của Na Uy. Tổ chức này tái chế 97% số chai nhựa của Na Uy, và 92% trong số đó đạt được chất lượng cao đủ để làm nguyên liệu chế tạo chai nhựa mới.

Đúng như cái tên Infinitum mô tả, các nhân viên tại đây mong muốn tạo ra vòng lặp vô tận trong việc tái sử dụng chai nhựa.

“Chúng tôi là hệ thống có hiệu suất cao nhất thế giới,” ông Sten Nerland, giám đốc logistics và vận hành cho biết. “Là một công ty môi trường, có lẽ bạn sẽ cho rằng chúng tôi nên tránh dùng đồ nhựa, nhưng nếu bạn dùng có hiệu quả và tái chế, thì nhựa là một trong những sản phẩm tuyệt vời nhất: nhẹ, mềm dẻo và rẻ”.

Nhà kho chính của Infinitum là nơi luôn phát ra những tiếng ồn lớn. Tại đây các máy móc đập, vặn, xoắn và nghiền 24 giờ/ngày, xử lý khoảng 1500-1600 container vật liệu mỗi ngày. Các xe chuyển hàng di chuyển liên tục, mang theo các khối nhựa lớn. Chúng được sắp xếp thành các mảng xanh lá, xanh dương và trắng khá dễ nhìn.

Các vỏ chai và vỏ lon được xử lý ở nhà kho gần Oslo

Hệ thống của Na Uy rất đơn giản, dựa vào 2 yếu tố chính sau đây:

Thứ nhất, các công ty tái chế càng tái chế được nhiều thì càng ít phải đóng thuế. Nếu trên toàn quốc họ đạt được tổng tỷ lệ tái chế hơn 95%, họ sẽ được miễn thuế – và điều này đã xảy ra từ năm 2011.

Thứ hai, người mua hàng phải trả một khoản “đặt cọc” cho mỗi chai nhựa họ mua – khoảng 10-25 xu. Điều này khuyến khích người dân thay đổi tư duy: họ có thể tiêu thụ sản phẩm bên trong nhưng cái chai là đồ cho mượn và phải trả lại.

Các chai rỗng được thu gom thành các khối nhựa nén lớn. Các lon đồ hộp sẽ được nung chảy, còn chai nhựa thì được nghiền nhỏ, làm sạch và sấy khô thành viên nhựa nhỏ, sẵn sàng để sử dụng lại

Ngoài ra, khắp Na Uy còn có hàng trăm nghìn “máy bán hàng ngược” có thể tiếp nhận các chai nhựa mà người dân mang tới trả.

Giờ thì chúng ta có thể hiểu vì sao Na Uy đạt tới con số 97% ấn tượng, so với Anh là 43% và Mỹ là 28%.

Các chính trị gia và doanh nghiệp khắp thế giới đã nhận thấy kết quả tuyệt vời của Infinitum. “Năm nay quả là điên rồ”, ông Tor Guttulsrud, giám đốc kinh tế và tài chính của cơ sở cho biết. Ông đưa ra một bản danh sách dài các nước đã gửi người tới tham gia trong 12 tháng qua: Trung Quốc, Kazakhstan, Croatia, Ấn Độ, Malta, Rwanda, Tây Ban Nha, Úc, Scotland và Anh. “Tôi không thấy lý do nào các nước khác không thể triển khai mô hình này, nó không khó”, ông nói.

Nhưng Na Uy không chỉ áp dụng chính sách “đặt cọc” chai nhựa. Theo luật của nước này, các nhà sản xuất phải dùng một số loại nhãn dán, nắp chai và thậm chí là keo dán trên chai được chính phủ cho phép, như vậy sẽ tối ưu hóa quá trình tái chế.

“Trước đây chúng tôi không hề nghĩ tới giai đoạn thiết kế sản phẩm,” Giáo sư Richard Thompson của đại học Plymouth, nước Anh, cho biết. “Giống như Na Uy, chúng tôi cần đảm bảo mình thiết kế ra các sản phẩm có thể tái chế. Gần một nửa sản phẩm nhựa của chúng tôi chỉ làm ra để dùng một lần. Thật thiển cận.”

Ngoài ra, tư duy của người tiêu dùng cũng cần thay đổi khá nhiều, giáo sư Thompson cho biết. Một số người ghét phải “làm việc vặt” khi đi trả lại các chai nhựa. Nhưng bằng chứng cho thấy có thể thay đổi hành vi này. 6 tháng sau khi nước Anh đánh thuế 5 xu lên các chai nhựa dùng 1 lần, người ta đã giảm tiêu thụ tới 85%.

Anh Lasse Neslein ở thành phố Alesund, Na Uy thì cho biết việc tiết kiệm chai nhựa sẽ nhanh chóng trở thành thói quen. “Mỗi tuần tôi mang túi chai nhựa theo khi đi làm, chỉ mất một phút và tôi có thể nhận lại đủ tiền để mua một ly cà phê”, anh chia sẻ.

Nếu mọi người đều mang trả lại các chai nhựa cũ, việc sản xuất nhựa mới sẽ giảm 90%, ông Tor Guttulsrud nhận định. Thuyết phục người ta thay đổi thói quen dùng nhựa là gần như bất khả thi. Hiện tại nền kinh tế toàn cầu đang dựa rất nhiều vào loại vật liệu này – từ ngành thực phẩm cho tới giao thông vận tải và công nghệ.

Na Uy đã cho thế giới thấy cách dùng nhựa sao cho ít gây hại và đạt hiệu quả cao nhất. Chỉ là mỗi quốc gia có thể tự mình thay đổi hay không?

Theo Tri Thức

Đọc thêm

lên đầu trang