SolarBK tham gia sự kiện Phát Triển Cơ Sở Hạ Tầng & Tăng Cường Liên Kết Mạng Ở Châu Á

13/10/2018 09:38

(41)


Ngày 11/10/2018, đại diện Tập đoàn Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK) đã tham gia vào Hội nghị bàn tròn về vấn đề Phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường liên kết mạng ở châu Á do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức, chia sẻ về bối cảnh điện mặt trời tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – Ngân hàng Thế giới (WB) tại thành phố Bali, Indonesia, quy tụ nhiều đại diện từ các tổ chức, doanh nghiệp đến từ các quốc gia trong khu vực châu Á thuộc các ngành về vận tải, năng lượng, các tổ chức tài chính, đối tác phát triển và quản lý cấp cao của IFC và WB.

 

Mục tiêu của buổi đối thoại là tìm cách thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như làm nổi bật và nhân rộng các mô hình sáng tạo từ khu vực, đặc biệt là các giải pháp thông minh về khí hậu, môi trường.

Theo báo cáo chính thức từ tổ chức IFC, tại Châu Á vẫn còn hơn 400 triệu người sống trong tình trạng thiếu điện và hơn 55% người trong số đó không được truy cập Internet. Bên cạnh đó, đến năm 2030, dự kiến dân số châu Á sẽ tăng gấp đôi do vậy sẽ dẫn đến tình trạng cơ sở hạ tầng phục vụ cho người dân tại đây bị thiếu hụt nghiêm trọng. Châu Á cần phải đầu tư khoảng 26 tỷ đô cho cơ sở hạ tầng trong 12 năm tới. Với những hạn chế về tài chính của nhiều chính phủ châu Á, đầu tư tư nhân sẽ là chìa khóa để cung cấp các dịch vụ chất lượng cao và bền vững hơn.

Bài toán xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam

Chủ tịch WBG Jim Yong Kim

Trong khuôn khổ của Hội nghị bàn tròn lần này, đại diện SolarBK đã chia sẻ về thực trạng phát triển ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay, thay thế dần cho các nguồn năng lượng như nhiệt điện, thủy điện vốn tồn tại nhiều bất cập về môi trường và ảnh hưởng tài nguyên.

Trước khi có chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời ban hành năm 2017, đại diện SolarBK cho biết nguồn điện năng này đã được phát triển rộng rãi tại các khu vực hải đảo của Việt Nam, vốn khó tiếp cận trực tiếp với lưới điện Quốc gia. Điển hình là do đơn vị này thực hiện năm 2008. Thực tế, tỷ lệ thiếu điện ở Châu Á xảy ra trầm trọng tại các khu vực đảo, cù lao nhỏ. Việc chủ động điện tại các khu vực này là bước đầu để xây dựng hoàn thiện các đơn vị hạ tầng khác như mạng viễn thông, internet, từ đó giúp nâng cao mặt bằng kinh tế khu vực.

SolarBK – nguồn điện năng này đã được phát triển rộng rãi tại các khu vực hải đảo của Việt Nam

Bên cạnh đó, SolarBK cũng đang triển khai mạnh mẽ thị trường điện mặt trời áp mái, đặc biệt là phân khúc dành cho hộ gia đình để nhanh chóng giúp người dân tiếp cận điện mặt trời, hưởng các lợi ích về mặt chính sách trước thời hạn tháng 06/2019. Điều đặc biệt, SolarBK đã hợp tác cùng với ngân hàng BIDV và tổ chức bảo hiểm BIC để cung cấp thêm gói bảo hiểm sản lượng điện và hỗ trợ trả góp cho khách hàng lắp đặt điện mặt trời. Đây được xem là nỗ lực của 3 bên giúp người dân có thêm niềm tin khi tiếp cận điện mặt trời, vốn được xem là nguồn năng lượng khá mới mẻ tại đây.

Dự án năng lượng sạch cấp điện cho toàn bộ 50 điểm đảo, nhà giàn tại đảo Trường Sa

Thống kê riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có tới gần 277,000 mái nhà tại đây đủ điều kiện để lắp đặt điện mặt trời. Tính chung, tiềm năng của thị trường hiện tại lên đến 6,000 MWp. Nếu phát huy tối đa thị trường điện mặt trời áp mái, Việt Nam sẽ có một nguồn cung điện năng rất lớn và chủ động được nguồn điện, được xem là nền tảng để phát triển kinh tế đất nước hiện nay.

Giải pháp tài chính để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc, năm 2017, các ngân hàng phát triển ước tính rằng Việt Nam yêu cầu hàng năm từ 16,7 tỷ USD đến 25 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của mình trong giai đoạn 2016-2020. Dựa trên đánh giá của ngành, nghiên cứu này cho rằng Việt Nam sẽ cần trung bình khoảng 20,2 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, chi tiêu hiện tại chỉ bằng một nửa số tiền này và khoảng cách tài chính có thể ước tính khoảng 12 tỷ USD mỗi năm.

CEO SolarBK Nguyễn Dương Tuấn tham dự Hội nghị

Để giải quyết bài toán này, phía IFC đã đưa ra giải pháp về trái phiếu xanh, một loại chứng khoán có thu nhập cố định nhằm thu hút vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường. IFC là một trong những nhà tài chính lớn nhất về năng lượng tái tạo cho các nước đang phát triển và đã không thể thiếu cho sự phát triển của trái phiếu xanh.

Trong 10 năm qua, IFC đã đầu tư hơn 30 tỷ đô và huy động 27 tỷ đô cho các dự án về năng lượng, giao thông, môi trường, cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển. Đến nay, IFC đã phát hành hơn 8,2 tỷ trái phiếu xanh. Các khoản tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu này sẽ được cam kết đầu tư cho các chương trình tăng cường sự thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm các dự án năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông công cộng và nước sạch.

Việc kết nối cùng SolarBK trong buổi đối thoại lần này cho thấy IFC đang quan tâm đến việc đầu tư mạnh mẽ vào thị trường năng lượng sạch Việt Nam, đặc biệt là phân khúc điện mặt trời áp mái. Trước đó, đơn vị này cùng với Quỹ đầu tư Armstrong (Singapore) đã quyết định góp thêm lần lượt 16% và 20% vốn vào Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC) – công ty con thuộc lĩnh vực năng lượng của TTC, phát triển thị trường nhà máy điện mặt trời.

Hội nghị bàn tròn về vấn đề Phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường liên kết mạng ở châu Á do IFC tổ chức

Bên cạnh đó, buổi hội nghị bàn tròn cũng nêu ra các vấn đề nội tại của mỗi Quốc gia, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chung của việc đầu tư cơ sở hạ tầng và liên kết mạng. SolarBK cũng đại diện chia sẻ kinh nghiệm thiết kế và phát triển hệ thống năng lượng sạch (tích hợp điện gió, điện mặt trời và công nghệ lọc nước biển) quy mô lớn trên các đảo, đưa ra định hướng giải pháp mới giúp các Quốc gia có cùng đặc thù địa lý chủ động hoàn thiện nguồn cung năng lượng tại các khu vực này, rút ngắn tỷ lệ thiếu điện cho toàn khu vực Châu Á theo đúng tinh thần của Hội nghị.

Kết thúc phiên đối thoại, các đại biểu cùng thống nhất việc phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng là bước nền tảng để tăng cường liên kết mạng ở Châu Á, tiến tới thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực. Trong đó, vai trò của các Quỹ đầu tư, tổ chức tài chính là vô cùng quan trọng để kết hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng như vận tải, điện, nước đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đọc thêm

lên đầu trang