Đã thành thông lệ đáng buồn là những ngày đầu tháng 11 này, sau Lễ hội Halloween là những bãi rác tấp trung hay lộ thiên các khu dân cư trên thế giới (có hay không cộng đồng dân cư Thiên Chúa giáo) đều dồn ứ những Thức ăn thừa, ly tách nhựa, vỏ bánh kẹo, trái bí ngô và y phục hoá trang…vô tình tạo ra 1 vấn nạn môi trường là “rác thải Halloween” cũng khó chịu y như những rác thải (chủ yếu Nhựa) của những lễ hội đình đám khác.
Thống kê chỉ riêng ở Anh, mỗi mùa Halloween lượng bí ngô bán ra đều tăng cao đột biến và sau đó khoảng 18.000 tấn bí ngô có thể sẽ bị vứt tại các bãi chôn rác thải. Ngoài thức ăn thừa, ly tách nhựa, bí ngô khắc những hình thù kinh dị, còn có hàng đống những y phục, phụ phẩm hóa trang lễ hội. Các tổ chức môi trường ở Anh ước tính mỗi dịp Halloween, nước Anh đã thải ra 7 triệu bộ trang phục và hơn 2.000 tấn rác nhựa, và không có cách nào tốt để tái chế các thứ rác này vì phân tách xử lý vật liệu của nó rất tốn kém.
Thực tế đáng quan ngại này đã đặt câu hỏi là phải làm thế nào để có những lễ hội Halloween thân thiện với môi trường hơn… Quỹ Ellen MacArthur, một tổ chức thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn cho rằng câu trả lời là cứ tổ chức thực hiện Lễ hội theo cách tự nhiên làm : Trong tự nhiên không có rác, vì thế không có lý do gì để biến bí ngô hay trang phục thành rác, thay vì thế hãy tái chế những thứ còn dùng được và mang bí ngô hư thối đi ủ và nó sẽ trở thành thức ăn cho các hệ thống tự nhiên.
Đã có gần 240 chương trình giải cứu bí ngô (Pumpkin Rescue) trong 5 năm qua ở Anh mà ở đó mọi người có thể chia sẻ những công thức chế biến bí ngô sau khi sử dụng chúng như những thức ăn mới, những món đồ trang trí và bí ngô hư hỏng vẫn có thể ủ làm phân bón hữu cơ. Tuy nhiên với trang phục, việc tái chế không dễ khi theo 1 kết quả nghiên cứu cho thấy 83% số vật liệu sử dụng trong các kiểu trang phục Halloween làm từ nhựa và trước nay chỉ 1% số trang phục được tái sử dụng. Theo thực trạng đó thì trang phục lễ hội cũng không khác gì các đồ nhựa dùng 1 lần đựng thức ăn lễ hội và tổng thể đã hòa thành rác nhựa “hậu Halloween”. Do đó, các chuyên gia đề xuất mọi người sáng tạo trang phục Halloween từ những bộ quần áo đã qua sử dụng, thay vì mua mới hoặc có thuê trang phục, để những bộ quần áo cũ có một cuộc sống mới cũng là cách để góp phần cắt giảm các loại khí thải làm biến đổi khí hậu.
Lối “tư duy” này có thể áp dụng ở Việt Nam, không chỉ riêng cho Halloween mà cho tất cả các kỳ lễ hội với vật phẩm trang trí, sản phẩm, trang phục, cờ xí, biểu ngữ… để vừa hạn chế tối đa rác thải, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường.